Đi tắt, đón đầu bằng đổi mới
Việt Nam còn rất nhiều dư địa để hoàn thiện không gian và môi trường cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: TL
Nhà nước đang chuyển đổi mô hình kinh tế và thay đổi cách thức tăng trưởng, trước đây dựa vào lợi thế so sánh, nhân công giá rẻ, tài nguyên và bây giờ muốn dựa nhiều hơn vào công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động. Nhiều công ty/tập đoàn đã có bước đi mạnh mẽ trong chuyển hướng chiến lược sản xuất kinh doanh, sang các lĩnh vực gắn nhiều hơn với công nghệ và sáng tạo. Đã xuất hiện những công trình tầm vóc, cầu hay đường giao thông, đòi hỏi năng lực quản trị và làm chủ công nghệ cao do doanh nghiệp trong nước hoàn thành có chất lượng, trong thời gian ngắn. Một số doanh nghiệp lớn đã quan tâm hơn đến nghiên cứu và phát triển (R&D), kể cả thiết lập các viện/trung tâm phục vụ cho công tác này.
Đổi mới sáng tạo, mắt xích quan trọng gắn với câu chuyện kinh doanh, thương hiệu, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp, đã có sự chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020 đã không đạt được là thách thức rất lớn đối với sáng tạo đổi mới. Nền kinh tế có thể đạt được phát triển công nghệ cao hơn vào năm 2030, nhưng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn là một dấu hỏi.
Trở ngại đang nằm ở chính những yếu kém của bản thân doanh nghiệp, cả về hiểu biết pháp luật và thị trường, xây dựng kế hoạch phát triển và đặc biệt là khả năng kết nối, hợp tác trong sản xuất kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp lớn chưa thể hiện được vai trò dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng, R&D vẫn còn mờ nhạt. Giá trị thương hiệu Việt Nam vẫn “thua” các nước trong khu vực Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Đổi mới sáng tạo chưa thể bắt kịp xu thế sâu hơn, đầy đủ hơn. Nguồn lực hạn chế do số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn và gần đây phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tồn tại được là không dễ. Nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn, vẫn thiếu tầm nhìn xa. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác đã tích lũy được một nguồn lực lớn nhưng không hoàn toàn gắn với đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp ít nhiều đã có nguồn lực nên có điều kiện hơn để “đi tắt, đón đầu” làm chủ công nghệ và sáng tạo và có thể bắt kịp, tiến cùng xu hướng thời đại. Trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định để đổi mới sáng tạo. Những hỗ trợ thích hợp, thiết thực của Nhà nước rất cần thiết cho quá trình đó. Đảm bảo cạnh tranh thị trường và cam kết quốc tế, nhất là trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia là nguyên tắc trước hết cần tôn trọng.
Song đó là chưa đủ. Phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hỗ trợ R&D và chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là những biện pháp hết sức quan trọng. Cũng có thể có các hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp phù hợp, như giảm thuế thu nhập cho lao động kỹ năng cao, hay các biện pháp hỗ trợ đào tạo, phát triển hạ tầng, R&D và cung cấp vốn cho những doanh nghiệp có trải nghiệm tốt về sáng tạo được chứng thực.
Việt Nam còn rất nhiều dư địa để hoàn thiện không gian và môi trường cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Điểm không thể không nói tới là việc bắt nhịp với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tạo dựng một khung pháp lý, hạ tầng và chính sách hỗ trợ thích hợp cùng với sự quyết liệt thực thi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề như chuyển giao công nghệ, tài chính và đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quyền sở hữu trí tuệ, vốn là trọng tâm cần ưu tiên. Thiết lập hệ thống sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm đòn bẩy cho công cuộc này.
Trong lộ trình phát triển mới sẽ có 2 thách thức. Thứ nhất, Nhà nước phải thay đổi, bằng cách là hỗ trợ người thắng cuộc, thay vì lựa chọn người thắng cuộc. Nhà nước cần nhìn ra các vấn đề của thị trường, của cạnh tranh để hỗ trợ doanh nghiệp vốn là việc Nhà nước đang muốn làm: Hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc để đảm bảo tính cạnh tranh, đảm bảo cam kết quốc tế. Nhưng cái thứ 2 khó hơn và là bài học. Tăng trưởng trước mắt là cần thiết, nhưng về tổng thể phải tránh được những méo mó của nền kinh tế. Đầu tư vào bất động sản hay bitcoin có thể tốt, nhưng nếu cả nền kinh tế lao vào các lĩnh vực này thì lại là vấn đề lớn. Trí tuệ, công sức và tiền bạc đều đổ vào bất động sản, vào bitcoin, sẽ không còn nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bắt đầu có nhận thức rõ ràng hơn về đổi mới sáng tạo. Nhưng với doanh nghiệp có cả vấn đề văn hóa Việt, với điểm mạnh là linh hoạt nhưng điểm yếu là tầm nhìn xa, trông rộng. Một nhà kinh tế người Nhật từng nói rằng nước Nhật hiện đại và phát triển, nước Nhật là kinh tế thị trường, nhưng nước Nhật rất khó có một Bill Gates. Điều đó có nghĩa, sâu thẳm trong cạnh tranh là thị trường và điều này rất quan trọng về mặt chính sách, văn hóa và con người. Nói như vậy nhưng không có nghĩa là bi quan. Thực tế là vẫn có “những cái mầm đang nhú lên” dù chưa đại trà nhưng có tiềm năng, như startup hay một số doanh nghiệp lớn cũng muốn làm cái gì đó, không phải làm vì tiền hay để chịu thiệt, mà là đi cùng nhau.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Minh Đức
-
Lam Hồng
-
Trực Thanh
-
Vân Nguyễn