Hủy
Kinh Doanh

Đồ chơi nội phản công

Đặng Quý Yên Thứ Năm | 18/04/2019 14:00

Ảnh: TL

Doanh nghiệp sản xuất đồ chơi nội muốn chiếm thị phần lớn hơn.
 

Tốc độ tăng trưởng lên đến 20%/năm, giá trị có thể đạt đến 300 triệu USD, thị trường đồ chơi tại Việt Nam đang là tâm điểm để nhiều thương hiệu quốc tế đổ bộ vào. Trong cuộc chiến phân chia sự hiện diện, đáng mừng là doanh nghiệp trong nước cũng tỏ ra rất quyết liệt với thị trường này.

Điểm rơi lý tưởng

Tháng 3.2019, 10 năm sau khi vận hành chuỗi khu vui chơi cho trẻ em và phân phối đồ chơi của các thương hiệu quốc tế tại thị trường Việt Nam, N KID Group chính thức đánh dấu giai đoạn phát triển thứ 3 của mình bằng việc trực tiếp sản xuất đồ chơi mang thương hiệu tiNiToy.  “Đây là thời điểm thích hợp nhất để đầu tư cho thị trường này”, ông Thomas Joseph Ngô, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc N KID Group, chia sẻ.

Năm 2013 diễn ra thương vụ sáp nhập công ty phân phối đồ chơi Phương Nga, đơn vị phân phối độc quyền thương hiệu Mattel, trực tiếp kinh doanh phân phối đồ chơi trên thị trường Việt Nam với hơn 2.000 điểm bán trên cả nước. Sau thương vụ này, N KID Group đã manh nha ý định trực tiếp cung cấp sản phẩm cho thị trường đồ chơi nội địa. Tuy nhiên, theo ông Thomas Joseph Ngô, ý tưởng trên cần phải được chuẩn bị nhiều và nhu cầu thị trường lúc đó cũng chưa đạt đến mức lý tưởng như hiện nay.

Chiếm 25,2% trong cơ cấu dân số, số trẻ em Việt Nam từ 0 đến 14 tuổi, hiện xấp xỉ 24 triệu bé. Theo ông Thomas Joseph Ngô, độ lớn thị trường cho trẻ em bao gồm hàng hóa, dịch vụ giáo dục, y tế, giải trí... của Việt Nam ước tính lên đến 5,2 tỉ USD/năm. Riêng với đồ chơi, khảo sát từ Euromonitor cho thấy, năm 2010, giá trị thị trường chỉ đạt khoảng 56 triệu USD, nhưng đến năm 2018, con số này đã lên đến 197 triệu USD.

Với cơ cấu dân số và tỉ lệ sinh như hiện nay, năm 2020, thị trường đồ chơi Việt Nam sẽ có giá trị từ 250-300 triệu USD. Euromonitor đánh giá, tuy giá trị thị trường không quá lớn nhưng so với thị trường các quốc gia lân cận, Việt Nam lại cực kỳ hấp dẫn nhà đầu tư vì tốc độ phát triển ấn tượng. Từ năm 2010-2018, tốc độ tăng trưởng của thị trường trung bình là 16%/năm, nhưng từ năm 2018-2020, khả năng phát triển của thị trường lên đến 20%/năm.
 
Giải bài toán học và chơi

Không chỉ vì tốc độ phát triển, thị trường đồ chơi Việt Nam còn có một điểm hấp dẫn khác, cũng đồng thời là thách thức. Theo Euromonitor, cơ cấu thị trường là tỉ lệ 30/70. 30% thuộc về các thương hiệu đồ chơi cao cấp, nhập khẩu, chất lượng tốt nhưng giá rất cao. Phần còn lại của miếng bánh, thuộc về những sản phẩm trôi nổi, bắt mắt, giá rẻ nhưng hoàn toàn không đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Ông Benjamin, Giám đốc Điều hành Phân phối N KID Group, nhận định: “Doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội tham gia thị trường nếu xây dựng được thương hiệu đồ chơi có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đạt tiêu chuẩn, an toàn mà giá phải chăng. Trong 5-10 năm nữa, tỉ lệ này sẽ đạt đến 50-50”.

“Công thức” trên cũng là mô hình mà rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã ứng dụng để chen chân vào thị trường này. WinWin Toys, Nam Hoa, Happy Kibu, Antona... là những ví dụ. Năm 2018, doanh thu của Đức Thành đạt 389 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2017. Đóng góp trong doanh số này, nhóm hàng đồ chơi chiếm 6,1%, tương đương 23,34 tỉ đồng. Ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Đức Thành, cho biết, WinWin Toys chỉ là một trong những mảnh ghép nhỏ cơ cấu doanh thu của Đức Thành nhưng lại là mảng kinh doanh hiệu quả, giúp Công ty giải được bài toán tận dụng nguyên liệu cũng như chiến lược phát triển thị trường nội địa.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát của Euromonitor, nhu cầu đồ chơi trẻ em không chỉ là những học cụ mà còn có tính giải trí. Bên cạnh những đồ chơi xếp hình thì đồ chơi nhà bếp, xe mô hình, robot... là những món được thị trường đón nhận tốt. Đáng tiếc, dù có nhiều đơn vị tham gia và tham gia từ những năm 2000, nhưng doanh nghiệp nội địa chỉ mới khai thác tốt và tập trung vào mảng đồ chơi giáo dục.

Bà Lâm Thụy Nguyên Hồng, Giám đốc Sáng tạo Công ty Mỹ thuật Gia Long, sở hữu thương hiệu Happy Kibu, cho biết, mảng đồ chơi giáo dục là thế mạnh, giúp doanh nghiệp nội địa có thể xác lập vị thế trong giai đoạn này. “Chúng tôi cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất nhưng vẫn đang trung thành với việc sản xuất đồ chơi thuần Việt 100%, khác biệt về mặt ý tưởng, đề cao yếu tố giáo dục để có thể mang đến thị trường những sản phẩm vừa học, vừa chơi”, bà Hồng nói.

Tương tự, Đức Thành cho biết cũng đang đầu tư phát triển thêm sản phẩm đồ chơi gỗ theo phương pháp giáo dục Montessori. Riêng Antona, dù có sự hiện diện của đồ chơi nhà bếp, robot... nhưng tỉ lệ vẫn còn khá nhỏ so với mảng đồ chơi giáo dục. “Các thương hiệu đồ chơi quốc tế thành công vì họ cân đối được hai yếu tố, giáo dục lẫn giải trí. Trẻ em thế giới đều có nhu cầu giống nhau. Tôi tin doanh nghiệp Việt sẽ tạo được thế mạnh nếu dung hòa được hai yếu tố này. Để làm được điều đó, phải đầu tư rất nghiêm túc trong khâu phát triển sản phẩm”, bà Nguyễn Lê Chi Mai, đồng sáng lập kiêm Phó Tổng Giám đốc, N KID Group, chia sẻ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới