Hủy
Kinh Doanh

FDI hạ nhiệt nhưng vẫn là điểm tựa vững chắc

Nhật Anh Thứ Ba | 08/08/2023 10:00

Việc thiếu hụt nguồn cung mới bất động sản khu công nghiệp vẫn tiếp diễn trên thị trường. Ảnh: deepc.vn

Khi bức tranh nền kinh tế thế giới khả quan hơn, tình hình lạm phát hạ nhiệt, lượng vốn FDI từ các tập đoàn lớn có thể giải ngân trở lại.
 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung trên toàn thế giới, tổng FDI đăng ký 6 tháng ước đạt 13,4 tỉ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp dè dặt mở rộng đầu tư khiến FDI đăng ký thêm sau 6 tháng đầu năm suy giảm 57% so với nền cao của năm 2022. 

Mặc dù vậy, vẫn còn những khía cạnh tích cực, FDI giải ngân lũy kế 7 tháng đạt 11,6 tỉ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, số dự án mới nhận giấy phép đăng ký tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thể hiện niềm tin và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn khá vững vàng.

Nguồn: DSC.
Nguồn: DSC.

Công ty Chứng khoán DSC kỳ vọng, trong 6 tháng cuối năm, khi bức tranh nền kinh tế thế giới khả quan hơn, tình hình lạm phát hạ nhiệt, lượng vốn FDI từ các tập đoàn lớn có thể bắt đầu giải ngân trở lại, trong đó có thể bao gồm các “ông lớn” đến từ Hàn Quốc như Hyosung, LG,... vốn đã có động thái lên kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Từ đó giúp bức tranh thu hút FDI có thể tươi sáng hơn.

Tuy nhiên, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% cho các doanh nghiệp FDI có doanh thu trên 750 triệu USD/năm có thể gần như xóa nhòa đi các chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư của Việt Nam cũng như các đối thủ trong khu vực.

 

Với việc lợi thế ưu đãi thuế không còn, Việt Nam sẽ vướng phải sự cạnh tranh quyết liệt hơn từ các quốc gia lân cận như Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Nhất là khi, các quốc gia trên đều đã áp dụng loại thuế này đồng thời với thuế tối thiểu nội địa để đảm bảo quyền lợi thu thuế của mình trong khi Việt Nam vẫn đang nghiên cứu phương án triển khai. 

Để tiếp tục thu hút FDI, nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Malaysia cũng đã triển khai các cơ chế mới hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI. Việt Nam trong khi đó vẫn chưa hình thành các chính sách tương tự.

Theo DSC nhận định, Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sớm nhất là vào năm 2024. Mặc dù trong ngắn hạn chúng ta còn tạm giữ được các chính sách ưu đãi, tuy nhiên trong dài hạn, việc này có thể khiến sức hút FDI bị ảnh hưởng khi các cơ chế nhằm thích nghi cho loại thuế này bị chậm trễ so với các đối thủ.

Bên cạnh đó, vấn đề về thiếu hụt nguồn cung mới bất động sản khu công nghiệp vẫn tiếp diễn trên thị trường trong bối cảnh các chìa khóa pháp lý vẫn trong quá trình sửa đổi và phê duyệt, đặc biệt. Theo báo cáo từ Cushman & Wakefield, sau 6 tháng đầu năm, thị trường phía Nam không có thêm nguồn cung mới nào. Chính vì thế, giá thuê trung bình của cả 2 khu vực phía Bắc và phía Nam đều tăng lần lượt 10-20% so với cùng kỳ. “Việc này phần nào đó trong ngắn hạn giúp các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi, tuy nhiên nó là vấn đề cần được sớm giải quyết vì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức hút FDI. Chúng tôi kỳ vọng, tình hình có thể được cải thiện vào năm 2024 khi Luật Đất đai sửa đổi được phê duyệt và áp dụng”, DSC nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Giá vàng giao động quanh mốc 1.940 USD/oune


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới