Giáo sư Võ Tòng Xuân: Cơ hội lớn bán gạo cho Philippines
Thưa ông, có thông tin cho rằng Philippines đang thiếu lương thực trầm trọng. Được biết ông vừa có chuyến công tác tại Philippines và có tìm hiểu sâu về thị trường lúa gạo tại đây, ông có thể cho biết vài thông tin cụ thể?
- Theo tìm hiểu của tôi, hiện an toàn lương thực của Philippines đúng là đang rất khó khăn, từ sữa, ngô khoai..., đặc biệt là gạo đều thiếu. Thực tế cho thấy, mục tiêu tự túc lương thực của Philippines vào năm 2013 đã hoàn toàn phá sản, trong khi lịch sử Philippines luôn thiếu gạo, vì vậy việc giá gạo thế giới lên xuống đều có ảnh hưởng tới nước này.
Ở Philippines, các chành lúa, chành gạo (tổ chức, doanh nghiệp tư nhân kinh doanh lúa gạo) đều do các thương gia người gốc Trung Quốc điều khiển. Mặc dù nước này có Cục Lương thực quốc gia (NFA), với chức năng chính là đi mua gạo ở các nơi với giá rẻ để phân phối cho toàn quốc.
Trong tháng vừa qua, những tờ báo của Philippines đều đăng tin nhiều công ty gạo tư nhân của nước này bị khám xét, bắt quả tang giấu gạo và lấy cả gạo của NFA nhập của Việt Nam để sang bao thành gạo của tư nhân nhằm bán giá cao hơn.
Giá gạo trong tháng 6 ở Philippines đã tăng thêm 2-3 peso/ngày (1USD bằng 40 peso) và hiện nay, giá gạo 25% tấm đạt 27 peso (mức giá gạo do nhà nước bán ra), còn gạo của tư nhân nhập cảng thì thường bán với giá 37- 40 peso.
Các tờ báo nước này đều khẳng định, giá gạo đang đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm qua tại Philippines. Tình trạng trên khiến Chính phủ nước này rất lo lắng.
Trước tình trạng thiếu gạo, Chính phủ Philippines đã có động thái gì?
- Trong ngày 6-7/7 vừa qua, các địa bàn như NuJon - nơi sản xuất nhiều gạo nhất của Philippines cũng rơi vào cảnh thiếu gạo. Chính phủ nước này đã ra thông báo trấn an có đủ gạo cho người dân từ nay tới tháng 9, sau đó sẽ tiếp tục có gạo của Việt Nam, vì hiện nay Việt Nam chưa xuất đủ lượng gạo theo hợp đồng.
Nhưng tôi cho rằng, Philippines sẽ phải tiếp tục nhập thêm gạo và đây chính là cơ hội cho Việt Nam. Ngoài ra, Philippines là nước thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, trước đây Chính phủ nước này cũng không quan tâm đầu tư bài bản cho thủy lợi, ít hỗ trợ cho người trồng lúa, vì vậy trình độ thâm canh của nông dân nước này cũng thấp hơn Việt Nam. Chính vì thế mà Philippines luôn bị thiếu lương thực.
Theo thống kê năm 2013, Philippines có 90 triệu dân thì có tới 68 triệu người có thu nhập thấp, chỉ đạt dưới 2 USD/người/ngày. Do đó, Chính phủ Philippines luôn cần một lượng lớn gạo giá rẻ để cung cấp cho dân nghèo.
Phải chăng, đây là cơ hội cho gạo xuất khẩu của Việt Nam, thưa ông?
- Hiện gạo Việt Nam có một số thị trường lớn là Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Các thị trường này ngoài sử dụng gạo cho người, còn dùng số lượng khá lớn cho chăn nuôi, do đó Việt Nam vẫn đang có nhiều cơ hội xuất gạo vào các thị trường trên.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp của chúng ta phải liên kết lại để nắm rõ nhu cầu của đối tác, từ đó tổ chức lại sản xuất ở mức vừa đủ để đạt được giá bán cao.
Chúng ta đã có bài học là vừa qua, mặc dù thị trường Philippines thiếu gạo, nhưng nước này lại chia nhỏ các hợp đồng để có thể mua được gạo giá rẻ của Việt Nam.
Nông dân nước ta không có tiếng nói gì trong “cuộc chơi” này nên doanh nghiệp phải tỉnh táo, quyết đoán, nhất là phải biết “bắt tay” nhau để thống nhất mức giá, làm sao vừa có lợi cho nông dân, lợi cho doanh nghiệp và cho đất nước.
Theo ông, để bán được hết lúa gạo cho nông dân với giá cao, cần có giải pháp gì?
- Tôi nghĩ không có cách nào khác là phải tích cực xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chứ cứ “ngồi chờ” người ta tới mua như kiểu “há miệng chờ sung” là không ổn, cho dù họ thiếu gạo thật.
Hiện nay, Thái Lan đã có thương lái ở khắp nơi trên thế giới; thương lái quốc tế cũng chủ yếu nằm ở Ấn Độ, các nước Trung Đông, châu Âu và hoạt động rất mạnh, có thể tác động làm thiệt hại cho giá lúa gạo của Việt Nam. Do đó chúng ta phải chủ động tìm kiếm thị trường ở khắp nơi.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần nhanh chóng thực hiện tái cơ cấu Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các tổng công ty lương thực. Hiện ở Nhật Bản, các công ty lớn thường đi tìm kiếm thị trường và nguyên liệu để giúp công ty con hoạt động, công ty con giàu lên thì các công ty lớn cũng giàu. Vì vậy, các tổng công ty lương thực, hiệp hội phải trở thành cơ quan giúp các tỉnh phát triển nghề trồng lúa, từ đó giúp nông dân yên tâm gắn bó với cây lúa.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Dân Việt
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư