Hủy
Kinh Doanh

Hôm nay, Nghị quyết về xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực

Thứ Ba | 15/08/2017 09:18

Kinh tế đô thị

Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/6/2017 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2017.
 

Được Quốc hội thông qua sáng 21/6, nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gồm 19 điều, thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.

Theo nghị quyết thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.Điểm đáng chú ý, Nghị quyết khẳng định không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Với Nghị quyết này, Quốc hội cho phép tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.

Quốc hội cũng cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định cụ thể tại nghị quyết.

Đáng chú ý, nghị quyết cũng quy định mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.

Theo đó, bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua.

Bên mua khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà tài sản bảo đảm của khoản nợ đó là quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp.

Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được đăng ký thế chấp khi nhận bổ sung tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của khoản nợ đã mua.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện được nêu tại nghị quyết.

Trước đó, ngay sau khi Nghị quyết được thông qua ngày 21/6/2017, các lãnh đạo ngân hàng lên tiếng cho rằng, 

Nghị quyết đã gỡ một nút thắt kinh niên mà hàng chục năm qua bó buộc cả hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng Việt Nam trong mớ bòng bong, vô tình từ chủ nợ thành con nợ, ngân hàng trở thành người hành khất, “đứng cho vay, quỳ thu nợ”.
Do vậy, Nghị quyết ra đời, “chiếc vòng kim cô” này đã được gỡ bỏ, các rào cản xử lý nợ xấu trở nên thông thoáng, các TCTD được công nhận các quyền của chủ nợ, được chủ động thu giữ, xử lý tài sản thế chấp để thu nợ, khơi thông nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế, “ích nước, lợi ngành”.

Theo một số lãnh đạo ngân hàng, Nghị quyết có 4 tác dụng chính: Thứ nhất, khơi tăng nguồn vốn đưa vào đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Khoảng 600.000 tỷ đồng nợ xấu cả nội bảng và ngoại bảng được công bố chính thống, khi được xử lý và thu hồi sẽ là nguồn lực khá lớn để đưa vào nền kinh tế.

Thứ hai, việc xử lý khối tài sản bảo đảm của nợ xấu nói trên sẽ góp phần đưa khối tài sản rất lớn bị đóng băng hiện nay vào sử dụng, tăng thêm nguồn lực vật chất cho xã hội.

Thứ ba, giúp bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng lành mạnh hơn, phần nào giảm chi phí cho việc trích lập dự phòng rủi ro. Nếu “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng tốt hơn, “mạch máu” của nền kinh tế mạnh lên, nguồn vốn được lưu thông giúp nền kinh tế tăng trưởng tích cực hơn.

Thứ tư, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ những thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay giữa bên vay và cho vay, tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến quan hệ tín dụng. Từ đó, tạo nên sự bình đẳng giữa hai bên vay và cho vay, cũng như tạo được môi trường lành mạnh hơn cho quan hệ tín dụng.

Nguồn Kinh tế đô thị


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới