Hủy
Kinh Doanh

Minh Phú có lập mốc xuất khẩu kỷ lục?

Thanh Hương Thứ Năm | 22/11/2018 18:00

Chiến lược dài hạn của Minh Phú là sản xuất hết công suất mặt hàng tôm tẩm bột vào năm 2020 với sản lượng 40.000 tấn/năm.
 

Hiện tại, đến hết tháng 10.2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã chứng khoán: MPC) đã ký các hợp đồng có giá trị 738 triệu USD, thực hiện 92% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Lập mốc xuất khẩu kỷ lục năm 2018

Công ty đã xuất khẩu tổng cộng 7.546 tấn sản phẩm các loại, tăng trưởng 19%. Cùng với đó, MPC đã ký được các hợp đồng có giá trị 38,77 triệu USD trong tháng 10.

MPC vừa công bố bản tin xuất nhập khẩu tháng 10 với doanh số trong tháng đạt 80,86 triệu USD, tăng 6% so với tháng 10.2017.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của MPC là 612,88 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ và thực hiện được 76% kế hoạch năm. Công ty cho biết các hợp đồng đã ký kết tính đến tháng 10 là 738,19 triệu USD, khả năng rất cao Minh Phú sẽ đạt được kế hoạch 800 triệu USD xuất khẩu trong năm 2018. Nếu đạt được, đây sẽ là mốc xuất khẩu kỷ lục của tập Đoàn.

Về thị trường, Mỹ vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất với doanh thu trên 254 triệu USD sau 10 tháng, tăng trưởng 10%. Tiếp đến là thị trường Nhật với 123 triệu USD, thị trường châu Âu tăng mạnh 53% lên 55 triệu USD…

Minh Phú cũng bắt đầu triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao từ năm 2019 ở 900 ha vùng nuôi. Dự kiến trong năm 2019, MPC sẽ triển khai tổng cộng 554 ao, tỉ lệ lợi nhuận kỳ vọng cho mảng nuôi tôm này là 30%.

Minh Phu co lap moc xuat khau ky luc?

Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Minh Phú, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra đã đưa mức thuế nhập khẩu tôm tẩm bột của Trung Quốc vào Mỹ từ mức 0% (mặt hàng tôm tẩm bột không bị thuế phá giá) lên 10% và lên 25% vào cuối năm 2018.

Trước đây, Trung Quốc xuất khẩu mạnh mặt hàng này vào Mỹ. Vì vậy, các khách hàng Mỹ đã gặp và yêu cầu Minh Phú bán hàng cho họ để bù vào lượng thiếu hụt mà Trung Quốc không bán được.

Để tận dụng cơ hội này, Minh Phú lên kế hoạch xây dựng nhà máy tôm tẩm bột công suất 40.000 tấn/năm tại phần đất của Minh Phú Hậu Giang. Vì mặt hàng này không chịu thuế phá giá vào Mỹ nên nguồn tôm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy này và chủ yếu nhập khẩu từ Ấn Độ và tôm loại 2 từ Minh Phú Hậu Giang và Minh Phú Cà Mau.

Vì vậy, đặt nhà máy ở Minh Phú Hậu Giang sẽ giảm được chi phí vận chuyển tôm nhập về cũng như tôm tẩm bột xuất đi. Dự kiến lợi nhuận của dự án này sẽ trên 20%.

Tôm tẩm bột có đặc tính không chịu thuế chống bán phá giá và nguyên liệu tôm loại 2, sử dụng nhân công lao động ít do tự động hóa nhiều. Những năm qua, Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường trong mặt hàng này, còn Minh Phú chỉ bán rất ít, lợi nhuận tối đa chỉ dưới 10%.

Nhà máy tôm tẩm bột mới có sản phẩm với sản lượng 40.000 tấn/năm nhưng doanh số mang về khoảng 250 - 300 triệu USD/năm nên nhà máy Minh Phú sẽ đi vào hoạt động vào 2020. Nếu cuộc chiến thương mại có dừng lại, nhà máy có thể mang lại lợi nhuận khoảng 15 - 20% từ sản phẩm này, ông Quang chia sẻ.

Ngoài ra, Minh Phú cũng xây dựng 1 kho lạnh 10.000 pallet (tấm kê hàng) tại Los Angeles và 1 kho lạnh 10.000 pallet tại New York. Đây là 2 cảng chính mà hàng Minh Phú nhập vào. Nguồn vốn đầu tư này là từ lợi nhuận tái đầu tư Mseafood và nguồn vốn vay ngân hàng. Nguồn trả nợ là bằng lợi nhuận để lại hàng năm của Mseafood.

Cán bộ chủ chốt từ Phó Tổng giám đốc và tương đương thì Minh Phú sẽ phát hành cổ phiếu thưởng thay vì thưởng tháng 13. Mỗi năm, Công ty phát hành không quá 500.000 cổ phiếu ESOP, tương đương 0,36% lượng lưu hành.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới