Hủy
Kinh Doanh

Mua điện nước ngoài, lo rủi ro tỉ giá

Hải Vân Thứ Ba | 31/12/2019 14:00

Nguồn ảnh: daidoanket

Việt Nam sau năm 2020 sẽ tăng mua điện từ nước ngoài trong khi đang treo khoản lỗ 3.090 tỉ đồng do chênh lệch tỉ giá.
 

Đến nay, khi tăng trưởng phụ tải hơn 9%, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, hy vọng “tỉ trọng nhập khẩu điện trong tổng sản lượng điện huy động sẽ giảm đi”. Nhưng thực tế lại không như mong muốn. Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu hệ thống điện quốc gia năm 2019 đã tăng 8,93% so với năm 2018, ước khoảng 239,739 tỉ kWh.

Việc Việt Nam mua điện nước ngoài, theo Tiến sĩ Bùi Huy Phùng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, là “điều bình thường, thiếu thì phải nhập”. Năm 2019, sản lượng điện nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc ước đạt 2,1 tỉ kWh và Lào đạt 1,1 tỉ kWh. Vấn đề vị chuyên gia này quan tâm là giá bán hợp lý, không ép giá và “không phết phẩy”. Một điểm nữa là nhập khẩu điện không phải giải pháp tình thế như lý giải của Bộ Công Thương.

Tình hình đang xấu đi do 47/62 dự án nguồn điện công suất lớn trên 200MW chậm tiến độ. Bên cạnh đó, trong số 19 dự án BOT nguồn điện, chỉ 4 dự án đi vào vận hành, số còn lại vẫn đang thi công hoặc đàm phán. Điều này càng dấy lên lo ngại Việt Nam sẽ tăng lượng điện nhập khẩu.

 

Sau hàng loạt sai phạm, Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) gần như chỉ còn trên danh nghĩa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục vận hành Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án có tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng. Theo ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng Thành viên PVN, Thái Bình 2 cần được ứng 2.500 tỉ đồng để có thể vận hành ít nhất một tổ máy 600MW vào năm 2020. Đến nay, tiến độ chung dự án đã đạt 84% nhưng khó khăn lớn nhất nằm ở phần còn lại.

Dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá năm 2018 của ngành điện do khoản lỗ này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá điện thời điểm hạch toán. Tiến sĩ Phùng cho rằng, khoản chênh lệch tỉ giá trong nhập khẩu điện nên hiểu theo nghĩa thông thường, tương tự các hợp đồng kinh tế. Biến động tỉ giá có thể được 2 bên điều chỉnh theo các điều khoản ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ 3.090 tỉ đồng này đến nay chưa có nguồn trả, vẫn treo để chờ phương án tăng giá điện những năm tới, chỉ là một cái cớ.

Theo tính toán của Cục Điều tiết Điện lực, tỉ giá bình quân năm 2018 khoảng 23.060 VND/USD, tăng 311 VND/USD so với bình quân năm 2017 là 22.749 VND/USD, tương ứng với tỉ lệ tăng 1,37%. Tỉ giá tăng làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng USD hoặc giá mua nhiên liệu bằng USD như các nhà máy nhiệt điện khí, nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu.

Theo quan sát của chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, năm 2019 tiền đồng Việt Nam giảm giá so với đồng USD ở mức gần 3%, trong khi nhân dân tệ mất giá so với đồng USD khoảng 8%, nên chênh lệch mất giá giữa nhân dân tệ so với VND là rất lớn, làm cho giá trị của VND so với nhân dân tệ tăng lên.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng, khi trả lời phỏng vấn của NCĐT, đã cho biết về tình trạng nhiều nhà máy phát điện trong quá trình xây dựng đã huy động các nguồn vốn nước ngoài, vốn vay bằng ngoại tệ. Ông nói, tỉ giá biến động sẽ tác động đến giá thành, đặc biệt giá thành khâu phát điện. Hiện nay, chi phí phát điện chiếm khoảng 70-75% chi phí giá thành sản xuất điện.

“Cung ứng điện giai đoạn 2021-2025 sẽ rất khó khăn”, ông Vượng cho biết. Con số theo ước tính của Bộ Công Thương lên tới 3,7 tỉ kWh vào năm 2021, sau đó tăng lên gần 10 tỉ kWh vào năm 2022. Căng thẳng nhất là năm 2023, mức thiếu hụt khoảng 15 tỉ kWh, sau đó giảm xuống 7 tỉ kWh và 3,5 tỉ kWh vào các năm 2024-2025. Như vậy, Việt Nam không có cách nào khác ngoài tăng nguồn mua điện nước ngoài.

Theo các văn bản còn hiệu lực được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào, công suất trao đổi tối thiểu giữa Việt Nam - Lào đến năm 2020 khoảng 1.000MW, đến năm 2025 khoảng 3.000MW và đến năm 2030 khoảng 5.000MW. Việt Nam cũng tăng lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ năm 2020, sản lượng điện mua từ Trung Quốc sẽ tăng lên 7-9 tỉ kWh/năm. Theo kinh nghiệm của Tiến sĩ Phùng, Việt Nam có thể mua điện nước ngoài để bù đắp thiếu hụt trong nước, nhưng chỉ mua trong tình trạng cấp bách và cân nhắc kỹ để bảo đảm an toàn lưới điện, hệ thống điện, đặc biệt là tránh để nguồn điện lệ thuộc như nguyên liệu đầu vào sản xuất.

Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2020 đã được Bộ Công Thương ban hành. Trong đó, dự báo năm 2020, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỉ kWh, tăng tới 9,1% so với năm 2019, bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2020 đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Ông Vượng hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ làm tốt công tác điều hành tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành điện, một ngành chịu tác động rất lớn từ các nguồn vốn vay nước ngoài.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới