Hủy
Kinh Doanh

"Mùa vàng" bán hàng

Thanh Hương Thứ Tư | 08/11/2023 13:30

Người tiêu dùng sẽ ưu tiên những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, nhóm hàng tiêu dùng nhanh. Ảnh: Quý Hoà.

Tết là mùa bán hàng tổng lực của nhiều doanh nghiệp, khi cần bù đắp sự sụt giảm doanh thu do sức mua giảm kéo dài những tháng đầu năm.
 

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp tập trung nâng cao trải nghiệm tiện lợi và đầu tư vào sản phẩm có tính ứng dụng cao để các doanh nghiệp thu hút nhiều khách hàng hơn trong dịp Tết 2024 sắp tới. Bà Ngô Bích Quyên, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Vạn Sơn Thịnh Phát (chuỗi cửa hàng Organicfood), cho biết, Công ty đang chuẩn bị các giỏ quà Tết nhóm đồ khô, còn thực phẩm truyền thống mùa Tết thì vẫn tiếp tục theo dõi thị trường để lên phương án sau. 

Theo bà Quyên, năm ngoái, giỏ quà Tết của Organicfood có giá không dưới 500.000 đồng, nhưng năm nay chỉ chuẩn bị những giỏ quà từ 300.000 đồng. Để có mức giá trên, doanh nghiệp phải thiết kế giỏ quà nhỏ hơn và thay đổi nhà cung cấp hàng hóa giá rẻ hơn nhưng vẫn bảo đảm là hàng hữu cơ.

Nhỏ hơn, rẻ hơn 

“Là chuỗi cửa hàng chuyên thực phẩm hữu cơ, thuộc nhóm cao cấp nên chúng tôi phải nỗ lực để giảm giá bán, phù hợp với số đông người tiêu dùng. Ngoài ra, chúng tôi thay thế hàng nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ bằng hàng Việt Nam và các nước lân cận như Malaysia, Thái Lan. Đặc biệt, hàng Việt Nam hiện nay có giá rất tốt và chất lượng, bao bì không kém hàng nhập khẩu”, bà Quyên nêu giải pháp.

 

Đây cũng là lý do mà Tháng khuyến mãi tập trung của Sở Công Thương thu hút gần 3.000 doanh nghiệp tham gia với 7.000 chương trình giảm giá. Các chương trình này chứng tỏ hiệu quả bán hàng đối với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường cần thúc đẩy sức mua. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tự xoay xở bằng cách mở rộng các kênh bán hàng mới qua thương mại điện tử. Khảo sát chung cho thấy, thị trường hàng hóa tháng 10 sôi động hơn khi nhu cầu hàng may mặc, trang thiết bị gia đình tăng vào giai đoạn chuyển mùa. Các hệ thống phân phối bán lẻ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng tiêu dùng trong dịp lễ 20/10, nhằm thúc đẩy tiêu dùng.

Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến Thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods), cho biết, Công ty vừa họp với đối tác phía Mỹ và họ nhận định năm nay Việt kiều Mỹ về quê ăn Tết sẽ giảm nên thị trường Tết có thể sẽ kém sôi động. Vì vậy, doanh nghiệp phải linh động tìm hướng tiếp cận người tiêu dùng. “Tết năm nay, chúng tôi sẽ đẩy mạnh bán hàng qua kênh TikTok Shop, mỗi phần quà Tết giá từ 100.000-120.000 đồng là các món đặc sản truyền thống, hy vọng phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới của Tết năm nay”, ông Tuấn cho biết.

Ngay cả các doanh nghiệp như Vissan cũng tăng cường bán hàng qua các kênh thương mại điện tử như Sen Đỏ, Lazada… với nhiều sản phẩm đa dạng, cung cấp cho nhiều phân khúc tiêu dùng khác nhau. Tết năm nay, Vissan chuẩn bị hơn 1.100 tấn thịt heo tươi sống, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và 3.800 tấn thực phẩm chế biến.

Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Lương Vạn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, từ đầu năm đến nay, Công ty đã nghiên cứu và thấy nhu cầu người tiêu dùng đã thay đổi nhiều so với những năm trước. Thay vì mua các sản phẩm trọng lượng lớn (giúp tiết giảm chi phí) thì giờ đây người tiêu dùng đang chọn mua sản phẩm trọng lượng nhỏ, giá thấp và nhiều khuyến mãi hơn. Vì thế, Công ty cũng tập trung đầu tư những sản phẩm nhỏ, giá rẻ nhằm thu hút người tiêu dùng. “Tính đến tháng 9/2023, chúng tôi mới hoàn thành 50% doanh thu, kỳ vọng mấy tháng cuối năm sẽ hoàn thành 80% doanh thu của năm”, ông Vinh nói. 

Nhu cầu người tiêu dùng đã thay đổi nhiều so với những năm trước. Ảnh: Quý Hoà.
Nhu cầu người tiêu dùng đã thay đổi nhiều so với những năm trước. Ảnh: Quý Hoà.

Dù đang phải đối mặt với giá nguyên vật liệu tăng nhưng để giữ chân khách hàng, Mỹ Hảo quyết định giữ nguyên giá bán trong mùa Tết. “Kinh nghiệm thu hút khách hàng hiện nay là hàng hóa phải có chất lượng tốt, giá phải chăng để người mua cảm thấy có lợi. Nhân viên phải thường xuyên chăm sóc khách hàng, bao phủ thị trường để tiện cho khách hàng mua sắm”, ông Vinh chia sẻ. 

Khuyến mãi nhiều hơn

Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt hơn 5.100 tỉ đồng, tăng 9,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,8%). Trong đó, mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,2%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 10,4-47,6%) do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi sau dịch bệnh COVID-19; các nhóm hàng khác tăng từ 5,5-13,6%.

Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay thời gian qua, có nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã được thực hiện. Việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với nhiều nhóm hàng hóa đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về doanh thu.

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi trong quý III nhưng chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng trở lại và đây có thể là rào cản đối với tăng trưởng. Để thúc đẩy tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh nghiệp đang triển khai nhiều chính sách để kích cầu tiêu dùng. Chẳng hạn, hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam khuyến mãi lớn cho hơn 2.000 mặt hàng như mua 2 tính tiền 1, giờ vàng giá sốc, khuyến mãi đồng giá 40.000 đồng, giảm giá lên đến 90%... Còn hệ thống bán lẻ thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng khuyến mãi, giảm giá từ 10% đến mức cao nhất là mua 1 sản phẩm sẽ được tặng 1 sản phẩm cùng loại. Co.opmart hay WinMart cũng tích cực tham gia khuyến mãi giảm giá trung bình 1 tháng/lần. 

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết gần đây nhiều nhà cung cấp có yêu cầu tăng giá sản phẩm vì nhiều chi phí đội lên. Tuy nhiên, Saigon Co.op chưa chấp nhận bởi sức cầu của thị trường yếu. Saigon Co.op chủ trương cùng nhau chia sẻ với nhà cung cấp để có giá bán hợp lý với người tiêu dùng. Đồng thời, siêu thị tiếp tục tăng cường các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ nay tới Tết cho người tiêu dùng.

 

Dự báo về hành vi mua sắm dịp cuối năm 2023, đầu năm 2024, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam, cho rằng người tiêu dùng sẽ ưu tiên những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, nhóm hàng tiêu dùng nhanh… Cũng theo đại diện của Kantar Việt Nam, có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ trên dưới 21%). Gần 1/2 số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí. Thực tế, 40% ngành hàng trong FMCG không thể giữ chân người tiêu dùng, không chỉ ngành hàng nhỏ, ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng.

Từ đó, người tiêu dùng hiện nay thay đổi thứ tự các yếu tố quan tâm khi mua sắm, lựa chọn sản phầm theo tiêu chí: ưu tiên sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu, đồng thời tối ưu hóa chi tiêu bằng lựa chọn sản phẩm giảm giá, so sánh giá giữa các kênh phân phối… Theo Kantar Việt Nam, người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng Tết, nhưng sẽ có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn.

Có thể bạn quan tâm:

Sàn đấu sữa tươi thanh trùng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới