Hủy
Kinh Doanh

Nga và Arab Saudi mới quyết định giá dầu, chứ không phải OPEC?

Thứ Hai | 22/05/2017 17:57

Arab Saudi tự tin gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng.
 

Arab Saudi và Nga có nhiều quan điểm khác biệt trên nhiều phương diện: về cuộc chiến ở Syria, các chính sách về Iran, mối quan hệ với Washington. Nhưng khi nói về việc thúc đẩy giá dầu thế giới, hai nước này chưa bao giờ đồng lòng đến thế.

Hãy nhìn vào cách hai nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới đồng lòng với nhau như thế nào trong việc duy trì thỏa thuận sản lượng cắt giảm sản lượng trong 9 tháng nữa. Các tin tức rò rỉ lẫn những tuyên bố chính thức từ cả Riyadh và Moscow xem ra có "hợp đồng tác chiến" khá nhuần nhuyễn, đã được lan truyền ngay cả trước khi Arab Saudi ngồi vào bàn đàm phán về việc cắt giảm sản lượng với khối OPEC vào thứ 5 tuần này. Những tin tức này đã khiến cho giá dầu tăng hơn 5% trong vòng vài ngày.

Ông Igor Yusufov, từng là Bộ trưởng Năng lượng Nga từ 2001-2004, nói rằng “vấn đề là cả hai quốc gia đang phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ”. Thời của ông Yusufov cũng là lần cuối cùng mà 2 nước này hợp tác công khai về vấn đề năng lượng.

Cuộc "hôn nhân vì lợi ích" kỳ này của 2 nước Nga - Arab Saudi được thể hiện qua sự khẩn trương của cả 2 bên trong việc ổn định giá dầu. Trong quá trình này, Nga và Arab Saudi đang dịch chuyển cán cân quyền lực trên thị trường năng lượng toàn cầu, sau nhiều năm chịu ảnh hưởng từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Liên minh của họ có đủ mạnh để tồn tại theo thời gian, hay là nhanh chóng tan rã, sẽ phụ thuộc rất nhiều ở chỗ liệu việc gia hạn cắt giảm sản lượng đến tháng 3/2018 có làm tăng giá dầu hay không. Đây là một vấn đề rất quan trọng với Arab Saudi khi mà nước Mỹ, sau nhiều năm là một khách hàng trung thành, đã ngày càng trở thành một đối thủ lớn.

Nga va Arab Saudi moi quyet dinh gia dau, chu khong phai OPEC?
Sản lượng dầu của một số nước. Ảnh: Bloomberg

Cả Arab Saudi và Nga đều có nhiều lý do trong nước để cùng nhau hợp tác. Tổng thống Vladimir Putin đang mong muốn thúc đẩy nền kinh tế Nga, vốn chỉ mới tăng trưởng trở lại sau cuộc suy thoái kéo dài hai năm, trước khi ông tái ứng cử vào tháng 3/2018. Hoàng tử Saudi Mohammed bin Salman, người đang chịu trách nhiệm về cuộc cải tổ kinh tế lớn nhất từ trước tới nay ở Arab Saudi, muốn giá dầu trở nên ổn định hơn để nâng cao giá trị của công ty dầu khí quốc gia Saudi Aramco, trước đợt IPO của công ty này vào cuối năm nay.

Kể từ khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày được thông qua năm ngoái, giá dầu Brent đã tăng lên 53 USD/ thùng, từ mức 46 USD/thùng trước đây. Nhưng giá Brent cũng đã giảm 8% so với mức đỉnh điểm đạt được trong năm nay, chủ yếu là do lượng tồn kho toàn cầu không giảm nhiều.

Quá khứ chông chênh

Sự bất đồng giữa hai nước Nga - Arab Saudi đã sớm xuất hiện ngay từ khi thỏa thuận giảm sản lượng được ký kết. Trong khi Arab Saudi đã nhanh chóng vượt cam kết và cắt giảm 600.000 thùng một ngày, Nga đã phải mất gần bốn tháng mới cắt giảm được một nửa số đó. Đôi khi, Riyadh tỏ ra thiếu kiên nhẫn với tốc độ tuân thủ của Moscow, theo một số nguồn tin thân cận với chính phủ Arab Saudi.

Điều này không có gì lạ khi lần cuối cùng Arab Saudi và Nga cùng phối hợp trong chính sách dầu mỏ, trong một giai đoạn 5 năm từ 1999 tới 2004, mối quan hệ đôi bên cũng bị đổ vỡ do Moscow không thực hiện đúng những gì đã cam kết với Riyadh.

Đó là từ trước khi ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ phá rối sự cân bằng quyền lực trong thị trường dầu mỏ toàn cầu, và buộc các nhà xuất khẩu dầu trên toàn thế giới phải tìm cách thích nghi. Kể từ khi giá dầu bắt đầu giảm mạnh vào giữa năm 2014, các nước này đã phải đối mặt với sự thâm hụt ngân sách khiến họ phải dùng tới tiền để dành cũng như đi vay.

Nga va Arab Saudi moi quyet dinh gia dau, chu khong phai OPEC?
Nhiều quốc gia sản xuất dầu đang chịu thâm hụt ngân sách đáng kể (tính theo tỷ lệ %GDP). Ảnh: Bloomberg

Ông John Browne, chủ tịch công ty đầu tư L1 Energy (thuộc sở hữu của tỷ phú Nga Mikhail Fridman) kiêm cựu CEO của BP, bàn về mối quan hệ Nga - Arab Saudi: "Động lực đầu tiên là cải thiện doanh thu từ dầu mỏ”. Nhưng ông cho rằng có thêm một động cơ khác, đó là "sức mạnh địa chính trị của năng lượng".

Các lãnh đạo doanh nghiệp dầu khí, giới phân tích và các quan chức giám sát cả hai quốc gia Nga và Arab Saudi cho biết rằng ngoài tiền bạc, còn có những động cơ chính trị trong việc chấm dứt sự cạnh tranh kéo dài nhiều năm giữa 2 cường quốc dầu mỏ này.

Công cụ ngoại giao

Riyadh coi chính sách dầu thô là một công cụ để gây ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao của Nga ở Trung Đông, nơi mà Arab Saudi và Nga đang hỗ trợ các bên đối lập trong các cuộc chiến ở Syria và Yemen. Trong nỗ lực thể hiện sự hợp tác, Tổng thống Putin và Hoàng tử Mohammed đã tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp bên lề hội nghị G-20 vào tháng 9/2016 tại Trung Quốc.

Hoàng tử Mohammed nói với tờ Washington Post hồi tháng trước rằng sự hợp tác này nhằm đối phó với mối quan hệ thân cận giữa Moscow với Iran, một kẻ thù của Arab Saudi. Ông nói: "Mục tiêu chính là khiến cho Nga không còn dồn hết sự hỗ trợ cho Iran".

Về phía Nga, nước này đang tìm kiếm chỗ đứng ở Trung Đông lần đầu tiên kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, và muốn tìm kiếm thêm sự ủng hộ trong các xung đột với Mỹ.

Đối với các nhà giao dịch dầu, liên minh Nga - Arab Saudi đã thay đổi cuộc chơi. Sau nhiều năm chỉ chú ý tới bình luận của các quan chức ngành dầu mỏ ở Trung Đông bên lề các cuộc họp của OPEC tại Vienna, họ đang theo dõi thêm những nhận xét đến từ điện Kremlin.

Đây là một sự quay ngoắt rất đáng chú ý sau một thập kỷ 2 nước này đối kháng nhau về chính sách năng lượng. Hồi năm 2008, Nga từ chối hợp tác với Arab Saudi để ổn định giá dầu, khi giá dầu thô giảm hơn 100 USD trong vòng 5 tháng.

Thay đổi cán cân

Tại một cuộc họp OPEC ở Vienna hồi tháng 11/2014, đã nổ ra mâu thuẫn giữa Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi khi đó là Ali Al-Naimi và lãnh đạo tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga là Igor Sechin (một đồng minh của Putin). Sechin đã bác bỏ việc giảm sản lượng, nói rằng các công ty Nga sẽ gặp khó khăn trong việc giảm sản lượng giữa mùa đông lạnh giá tại Siberia. Ông Naimi đã không che giấu sự tức giận của mình.

"Có vẻ như không ai có thể cắt giảm sản lượng, vì vậy tôi nghĩ buổi họp đã  kết thúc", ông Naimi nói, theo lời ghi trong hồi ký của ông.

Liên minh mới kỳ này giữa Nga và Arab Saudi cũng đi kèm những gương mặt mới: bên phía Nga là Bộ trưởng Năng lượngAlexander Novak, còn bên phía Arab Saudi là Khalid Al-Falih, người đã kế nhiệm Naimi sau khi ông này nghỉ hưu vào tháng 5/2016. Khoảng sáu tháng sau khi Khalid nhậm chức, cả hai người đã trở thành những nhân tố chủ chốt khiến hơn 20 quốc gia đồng lòng cắt giảm sản lượng. Họ thường xuyên nói chuyện điện thoại và đã tổ chức một số cuộc họp báo chung. Đã từng có vài lần, kể cả tháng này, hai người này đã cùng phối hợp đưa ra các tuyên bố về việc tăng giá dầu.

Nhưng mối quan hệ này có thể tan rã nhanh như nó lúc hình thành. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tốc độ khai thác dầu đá phiến tại nước này đang tăng nhanh đến nỗi sản lượng dầu của Mỹ được dự kiến ​​đạt mức kỷ lục trên 10 triệu thùng/ngày vào năm 2018, cao hơn sản lượng thực tế của Arab Saudi hiện nay.

Xu hướng này sẽ không có lợi cho liên minh Nga và Arab Saudi. Trong những ngày gần đây, ông Sechin đã kêu gọi chính phủ Nga đưa ra một kế hoạch rút lui có trật tự khỏi thỏa thuận cắt giảm, và  "sẵn sàng cho một cuộc chiến cạnh tranh mới". Vào hồi tháng 3, Rosneft cũng đã cảnh báo "nguy cơ trở lại của cuộc chiến giá cả".

Nếu các nhà sản xuất dầu tại Mỹ không thể được thuyết phục về việc cắt giảm sản lượng song song với Nga và Arab Saudi, cuộc chiến giành thị phần giữa 3 bên sẽ "phá huỷ thị trường", đó là lời cảnh báo từ cựu bộ trưởng Yusufov của Nga.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới