Hủy
Kinh Doanh

Ngân hàng: Từ lực đỡ Fintech

Trực Thanh Thứ Hai | 18/11/2019 14:00

Ảnh: Quý Hòa

Trong chiến lược chuyển đổi số, các ngân hàng đang được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các fintech.
 

“Nếu không có fintech thì Mobile Banking của các ngân hàng sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, đánh giá về xu hướng hợp tác giữa các ngân hàng và fintech (công nghệ tài chính). Ngoài giao diện, phần lõi của Internet Banking và Mobile Banking được thay đổi, đáp ứng nhu cầu hằng ngày của khách hàng. “Nhờ đến với fintech, các ngân hàng có cả một hệ sinh thái số”, ông Dũng nhận định.

Ở Việt Nam, lĩnh vực fintech chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới được thành lập. Chỉ trong gần 4 năm, số lượng công ty fintech đã tăng từ 40 lên khoảng 150. Trong xu hướng này, nhiều ngân hàng đã bắt tay hợp tác với các fintech để cung ứng một hoặc một số dịch vụ tiện ích, làm phong phú thêm sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách hàng.

Ví dụ, các ngân hàng triển khai với fintech như MoMo thì ngoài việc sử dụng Mobile Banking, tập khách hàng gia tăng đáng kể khi có hệ sinh thái khách hàng từ nhà hàng, y tế, vận tải, vé máy bay... Tính đến thời điểm hiện tại, MoMo đã tiếp cận gần 10 triệu người dùng với hơn 10.000 đối tác trong nhiều lĩnh lực khác nhau như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, thanh toán dịch vụ tiện ích, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải, dịch vụ ăn uống... cùng hơn 8.000 đại lý trên toàn quốc.

Theo Công ty tư vấn Solidiance, thị trường fintech Việt Nam đạt 4,4 tỉ USD giá trị giao dịch vào năm 2017 và dự kiến đạt đến 7,8 tỉ USD vào năm 2020. Các lĩnh vực của hệ sinh thái fintech của Việt Nam hiện nay khá rộng gồm: trung gian thanh toán (ví điện tử), tài chính cá nhân, cho vay ngang hàng (p2p lending), công nghệ bảo hiểm, ngân hàng số, điểm tín dụng, gọi vốn cộng đồng... Trong đó, 2 lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh nhất là ví điện tử và cho vay ngang hàng với số lượng thành viên lần lượt là 28 (được cấp phép, trừ NAPAS) và hơn 70 (không chính thức). Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn đi sau các nước trong khu vực Đông Nam Á với độ phủ của dịch vụ tài chính - ngân hàng chính thức chỉ ở 59% so với 86% của Thái Lan và 92% của Malaysia (báo cáo của Solidiance tháng 5.2018).

Mặc dù vậy, Việt Nam đang có nhiều nền tảng thuận lợi để đẩy nhanh việc hình thành hệ sinh thái fintech với lĩnh vực đi đầu là tài chính - ngân hàng. “Với sự hợp tác của ngân hàng và fintech trong những năm qua, kỳ vọng 2-3 năm nữa lĩnh vực cho vay ngang hàng sẽ đạt được hiệu quả tương tự, trở thành cầu nối giúp kết nối với nhiều khách hàng hơn”, ông Dũng cho biết. Dự báo của Ngân hàng Nhà nước đến năm 2025, tín dụng cá nhân sẽ chiếm khoảng 24% thị trường fintech. Đặc biệt, nhu cầu tài chính cá nhân ở Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Qua đó, thị trường fintech tại Việt Nam đã định hình cơ bản: dịch vụ thanh toán trực tuyến (thanh toán di động, cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử) với những cái tên nổi bật như ZaloPay, MoMo, 1Pay, Moca, VnPay, Vimo...; dịch vụ tài chính cá nhân (ứng dụng hỗ trợ kiểm soát thu nhập, chi tiêu, đầu tư, hỗ trợ khoản vay cá nhân) với Money Lover, Timo, F88, Mobivi...; và dịch vụ tài chính doanh nghiệp hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là xu hướng mới với các ứng dụng cho vay ngang hàng, gây quỹ từ cộng đồng như Huydong, Comicola, Betado...

Khi các dịch vụ công đang được Chính phủ đẩy mạnh, các fintech này dần tạo cho Chính phủ một hệ sinh thái dịch vụ công. Thông tin khách hàng sẽ được chuyển từ bộ này sang bộ khác và không phải mất nhiều thời gian kê khai lại. Trong tháng 11 hoặc tháng 12 sẽ có một số dịch vụ công được Chính phủ cho ra đời.

Định hướng trong thời gian tới, ông Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hỗ trợ chuyển đổi số ngân hàng. Đồng thời, xây dựng khuôn khổ Sandbox, xây dựng hoàn thiện hạ tầng dùng chung, mở rộng hợp tác quốc tế, cấp phép ngân hàng...

Ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết trong xu hướng phát triển công nghệ, các ngân hàng hiện đẩy mạnh số hóa để phát triển ngân hàng số thông minh, theo kịp fintech. Đây không chỉ là sự thay đổi thức thời mà còn là chiến lược phát triển của các ngân hàng trong tương lai. Để thực hiện, các ngân hàng buộc phải liên tục nâng cấp công nghệ, kỹ thuật hạ tầng, quy trình số hóa, quản trị thông minh dựa trên công nghệ... Trong quá trình thực hiện, việc hợp tác với các công ty công nghệ cũng như các giải pháp thực hiện ngân hàng số là điều kiện không thể tách rời đúng với ý nghĩa của một hệ sinh thái.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới