Hủy
Kinh Doanh

Người Phú Mỹ Hưng bức xúc vì 'bom nổ chậm' trong khu phố

Chủ Nhật | 26/10/2014 08:57

Dự án xây trạm cung cấp gas đầu tiên tại Việt Nam bị người dân Phú Mỹ Hưng phản đối vì nằm gần khu dân cư và liền kề 2 trường học.
 

Hàng trăm hộ dân tại phường Tân Phong (quận 7, TP HCM) gần 10 tháng nay đứng ngồi không yên vì dự án trạm gas rộng 3.000 m2 nằm ngay trong khu dân cư. Đặc biệt, trạm gas chỉ cách trường Tiểu học Võ Thị Sáu vài bước chân.

“Xây trạm gas ở đây chẳng khác nào đặt bom nổ chậm, bất trắc ám ảnh thường trực. Áp lực cuộc sống đã mệt, về nhà cũng phải lo ngay ngáy”, chị Đinh Thùy Linh, ở khu Hưng Thái 1 cách trạm gas khoảng 200 m cho biết.

Công ty cổ phần Gas đô thị (PV Gas City) đã tiến hành động thổ xây dựng hệ thống cung cấp khí đốt trung tâm và khí đốt cho khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tháng 12/2013, theo hợp đồng với công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng. Diện tích xây dựng lấy từ quỹ đất được quy hoạch làm công viên. Thời gian cấp phép cho trạm gas là 7 năm. Sau thời gian này, PV Gas City phải ngừng hoạt động, chuyển trạm đi nơi khác để tiếp tục xây dựng công viên cây xanh.

Theo thiết kế được các cơ quan chức năng duyệt, đây là nơi cung cấp gas cho toàn bộ khu Phú Mỹ Hưng. Gas được phân phối đến từng gia đình thông qua hệ thống đường ống dài 21 km chôn cách mặt đất 0,8 m. Đây cũng là trạm cung cấp gas đầu tiên ở Việt Nam.

Khu Phú Mỹ Hưng vốn là vùng đất đầm lầy, nền yếu, sụt lún. Anh Nguyễn Lương Bình, khu Hưng Thái 1 cho biết, nhiều nơi việc đường ống nước vỡ là thường xuyên nên không lấy gì đảm bảo đường ống gas sẽ an toàn. “Đó là chưa kể tình hình đào lên lấp xuống của các đơn vị điện lực, môi trường, cáp quang… đường ống bị ảnh hưởng, tràn khí gas ra ngoài thì hậu quả không tưởng tượng nổi”, anh này nói.

Sống gần khu vực dự án trạm cung cấp gas, cựu binh Nguyễn Trường Bội bày tỏ lo lắng khi dẫn chứng hồi đầu năm trên thế giới có hai vụ rò rỉ gas nghiêm trọng. Trong đó, sự cố khí gas tại Cao Hùng (Đài Loan) đã khiến khoảng 300 người chết và bị thương. Còn vụ nổ khí gas còn lại đã đánh sập 2 khu chung cư ở New York. "Nguy cơ cao là vậy nhưng lại đem trạm cung cấp gas 3.000 m2 ra thí điểm ở khu dân cư thì không thể hiểu nổi", ông Bội nói.

Còn chị Đặng Minh Phương tỏ ra bức xúc khi cho biết, gia đình chị mua nhà, đất ở Phú Mỹ Hưng khá tốn kém với mong muốn môi trường xanh, sạch, an toàn. Trong khi đó dự án cung cấp gas nằm trong khu dân cư chỉ đến khi động thổ người dân mới biết. “Khi mua nhà xem bản quy hoạch, nơi bây giờ xây trạm gas là công viên cây xanh chứ biết có trạm gas, tôi chẳng mua”.

Theo người dân, hầu hết các gia đình trong khu Phú Mỹ Hưng đã bỏ bếp gas chuyển sang dùng bếp điện cho an toàn. Thế nên nhiều người tỏ ra băn khoăn khi trạm cung cấp gas được xây dựng trong khi người dân không có nhu cầu.

Cô Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, phụ huynh lo lắng và phản đối nhiều vì con em họ đi học kế trạm gas. Nếu đưa vào hoạt động, có bất trắc gì thì trường là nơi hứng chịu đầu tiên.

Trước sự phản đối của người dân, hồi giữa tháng 10, UBND phường Tân Phong tổ chức lấy ý kiến thì 100% không đồng tình kế hoạch xây trạm gas. Phó chủ tịch UBND phường Tân Phong Trương Thanh Tú cho biết, tất cả các kiến nghị cũng như kết quả biểu quyết sẽ được chuyển lên UBND quận 7 để chuyển tiếp UBND TP xem xét.

Trước đó, tháng 12/2013, Công ty cổ phần Gas đô thị (PV Gas City) đã tiến hành động thổ xây dựng hệ thống cung cấp khí đốt trung tâm và khí đốt cho khu đô thị Phú Mỹ Hưng theo hợp đồng với công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng ký ngày 1/11/2011.

Diện tích xây dựng lấy từ quỹ đất được quy hoạch làm công viên. Thời gian cấp phép cho trạm gas là 7 năm. Sau thời gian này, PV Gas City phải ngừng hoạt động, chuyển trạm đi nơi khác để tiếp tục xây dựng công viên cây xanh.

Theo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, hiện Việt Nam chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh và thủ tục cấp giấy chứng nhận đối với khí nén thiên nhiên. Các điều kiện đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vẫn chưa có con số cụ thể.

Trong khi đó Phó giám đốc chi nhánh PV Gas City tại TP HCM Nguyễn Thanh Sơn cho biết, về độ an toàn môi trường, cháy nổ đã được cơ quan chức năng kiểm tra và có văn bản đồng ý. Theo ông Sơn, kế hoạch xây trạm cung cấp khí gas tại Phú Mỹ Hưng nhằm thay thế việc sử dụng bình gas hóa lỏng đang được sử dụng rộng rãi ở khu vực này.

"Trước phản ứng của người dân, công trình hiện đã ngừng thi công để chờ xem xét, người dân không có nhu cầu sử dụng thì xây dựng cũng không hiệu quả", ông Sơn nói.

Ngày 15/10, công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng gởi công văn cho PV Gas City với nội dung, nếu chủ đầu tư không thuyết phục được cư dân xây dựng dự án, 2 đơn vị này sẽ họp bàn tìm giải pháp khả thi hơn để thực hiện hợp đồng.

Nguồn Vnexpress


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới