Hủy
Kinh Doanh

Niêm yết doanh nghiệp nhà nước: Hầu hết đã lỡ hạn

Như Mai Thứ Tư | 08/08/2018 16:45

Tạp chí tài chính

Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp nhà nước có thể phải đối mặt với những trở ngại về mặt giá cả do những kỳ vọng rất cao.
 

Chậm chạp vì thiếu chế tài nghiêm và thêm trở ngại

Các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đang có những bước tiến chậm chạp trong việc gọi vốn đầu tư tư nhân, hầu hết đã lỡ thời hạn niêm yết trên thị trường chứng khoán - một phần quan trọng trong kế hoạch của chính phủ hiện đại hóa nền kinh tế đất nước Đông Nam Á.

Trong số 747 doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thành đợt chào bán công khai lần đầu vào tháng 8 năm 2017, chỉ có 150 cổ phiếu niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước tính đến đầu tháng này, theo số liệu của Bộ Tài chính. Ở Việt Nam, IPO và niêm yết thị trường chứng khoán là những quy trình riêng biệt cho hầu hết các doanh nghiệp nhà nước.

Việc niêm yết EVN Finance sau 10 năm thành lập cũng không giúp tình hình khá hơn là bao. Tuy nhiên, cổ phiếu của công ty giảm 29% trong ngày giao dịch đầu tiên. Việc giá cổ phiếu EVN Finance sụt giảm mạnh sẽ khiến các công ty nhà nước khác chần chừ niêm yết cổ phiếu của họ, ít nhất là trong vài tháng tới.

Tại Việt Nam, trong các đợt IPO, doanh nghiệp thường chào bán cổ phần thiểu số ra cho các cổ đông công chúng và cổ đông chiến lược. Sau đó, các doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hóa sẽ phải niêm yết trên một trong hai sàn giao dịch chứng khoán chính như HoSE, HNX, hoặc trên UPCoM, trong vòng một năm kể từ ngày IPO của họ.

Các nhà phân tích nói rằng các quy định mới có hiệu lực kể từ tháng 1.2018 gây trở ngại cho các đợt IPO, đặc biệt là về định giá. Tất cả các doanh nghiệp nhà nước hoàn thành định giá trước khi các quy định mới ban hành phải thực hiện lại theo các quy định chặt chẽ hơn về quyền sử dụng đất và các thay đổi khác.

Một báo cáo gần đây của Saigon Securities Research lưu ý rằng quyền sử dụng đất đã trở thành một vấn đề nổi bật trong các IPO nhà nước, với sự giám sát chặt chẽ hơn về đất đai của nhà nước chuyển giao cho các công ty tư nhân. Điều này giải thích sự chậm trễ trong IPO của các công ty, đặc biệt là đối với các công ty có trụ sở tại TP.HCM.

Chính phủ Việt Nam trong năm 2016 đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước tăng tốc hoạt động niêm yết. Nhưng các nhà quan sát thị trường nói rằng việc thiếu các hình phạt nghiêm khắc cho sự chậm trễ - mức phạt tối đa chỉ là  7.000USD - là một phần của vấn đề.

Nhà đầu tư bị thu hút nhiều hơn đối với các cổ phiếu niêm yết trên các sàn chính, đặc biệt là Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, áp dụng các quy định chặt chẽ hơn về công bố thông tin, quản trị và minh bạch vốn, trong số các yêu cầu khác. Các doanh nghiệp nhà nước đã bỏ lỡ thời hạn chuyển từ UPCoM sang các sàn chính bao gồm Vietnam Airlines, ACV và Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Hoạt động trầm lắng

Ba tháng vừa qua đã chứng kiến sự sụt giảm trong hoạt động tư nhân hóa các công ty nhà nước. Phần lớn các đợt niêm yết từ tháng 4 đến tháng 6 đến từ khu vực tư nhân, đó là FPT Retail, Vinhomes và Techcombank. Trong khi đó, hoạt động IPO và niêm yết của các doanh nghiệp nhà nước đã trầm lắng hơn hẳn bất chấp các đợt IPO thành công kéo dài từ quý IV năm 2017 đến quý đầu tiên của năm 2018.

Thống kê chính thức cho thấy tổng cộng 16 doanh nghiệp nhà nước đã tổ chức các đợt IPO và bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, thu về tổng cộng 968,9 triệu USD trong sáu tháng đầu năm 2018. Các giao dịch lớn nhất diễn ra trong quý đầu tiên, trong đó là đợt IPO của PV Power, mang về 301,9 triệu USD.

IPO và hoạt động thoái vốn có thể vẫn sẽ yên ắng trong thời gian tới, và chỉ có áp lực từ chính phủ mới có thể đưa quá trình này trở lại quỹ đạo, ông Hùng Phạm, chuyên gia phân tích của Saigon Securities cho biết.

Các chuyên gia cho rằng Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp nhà nước có thể phải đối mặt với những trở ngại về mặt giá cả do những kỳ vọng rất cao. Các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng ưa thích nắm giữ cổ phần chi phối hơn 51%.

Hôm 6.8, Vinalines đã trình bày một kế hoạch IPO mới sau khi không có nhà đầu tư chiến lược nào đáp ứng các yêu cầu để có được hơn 14% cổ phần được cung cấp bởi công ty. Nhà nước sẽ giữ lượng cổ phần chi phối ở mức 65% sau khi IPO.

Vào tháng 9, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), một doanh nghiệp nhà nước hoạt động ở đồng bằng sông Cửu Long, tìm cách thu về 2 triệu USD bằng cách bán 35,4% cổ phần trong đợt IPO. Nhà nước có kế hoạch giữ cổ phần đa số  64% trong công ty.

Nguồn Asian Nikkei Review


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới