Hủy
Kinh Doanh

Niêm yết tại Mainboard của Singapore - FLC đã đủ điều kiện?

Thứ Năm | 07/08/2014 05:10

Những điều kiện để niêm yết trên SGX như lợi nhuận trước thuế 30 triệu USD, hay có 500 cổ đông toàn cầu, hiện tại vẫn khá xa vời với FLC.
 

Ngoài cái tiếng niêm yết sàn ngoại, thì dù sao lợi ích vẫn phải lớn hơn chi phí bỏ ra.
Ngoài cái tiếng niêm yết sàn ngoại, thì dù sao lợi ích vẫn phải lớn hơn chi phí bỏ ra.

Theo tin từ tập đoàn FLC, cuối tuần trước, Tập đoàn đã có buổi làm việc chi tiết với Công ty tư vấn Tài chính Putri Resources & Capital Pte Ltd và Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) để bàn về kế hoạch niêm yết cổ phiếu FLC trên thị trường chứng khoán Singapore (SGX) trong thời gian tới.

FLC cho biết, sau khi xem xét, tìm hiểu các thông tin, tài liệu hoạt động của FLC, ông Ernie Yap, Giám đốc Putri Resources & Capital nhận định: “Về cơ bản, những thông tin mà chúng tôi nắm được qua các báo cáo tài chính cho thấy FLC có đủ điều kiện để được niêm yết trên sàn giao dịch chính (Mainboard) của Singapore mà không cần phải trải qua niêm yết trên sàn giao dịch phụ (Catalist)”.

Vậy niêm yết trên SGX Mainboard cần những điều kiện gì?

SGX là sàn có tính quốc tế nhất thị trường chứng khoán Đông Nam Á với 40% các công ty niêm yết nằm ngoài lãnh thổ Singapore. SGX bao gồm một sàn chính là Mainboard và một sàn phụ là Catalist.

Mainboard dành cho các doanh nghiệp lớn và thuộc tầm kiểm soát của Sở Giao dịch Quản lý và Giám sát Singapore trong khi GSX Catalist nằm dưới sự giám sát của Sở Giao dịch Quản lý Công ty chứng khoán và dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với thời gian tiếp cận nhanh hơn cũng như tiêu chuẩn niêm yết dễ dàng hơn.

SGX Mainboard không yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải có hoạt động tại Singapore. Đồng thời, có 3 cách để doanh nghiệp có thể niêm yết tại đây.

Cách thứ nhất, lợi nhuận trước thuế năm gần nhất phải đạt 30 triệu đô la Singapore (tương ứng khoảng hơn 500 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế năm 2013 của FLC đạt 137 tỷ đồng.

Không đủ tiêu chuẩn theo cách thứ nhất, FLC có thể chọn theo cách thứ 2 và thứ 3, theo quy mô vốn hóa thị trường.
Với cách thứ 2, doanh nghiệp hoạt động tối thiểu 3 năm, có lợi nhuận tại thời điểm trước khi niêm yết và lượng cổ phiếu niêm yết tại Mainboard có vốn hóa thị trường lớn hơn 150 triệu đô la Singapore (tương đương 2.516 tỷ đồng).

Cách thứ 3 còn khó hơn khi lượng cổ phiếu niêm yết phải có vốn hóa thị trường lớn hơn 300 triệu đô la Singapore (tương đương hơn 5.032 tỷ đồng). Đây là trường hợp dành cho các doanh nghiệp mới ghi nhận hoạt động trong 1 năm.

FLC ra đời năm 2001 với vốn điều lệ chỉ 18 tỷ đồng. Trong 2 năm qua, vốn điều lệ của FLC tăng rất mạnh như sau:

Quá trình tăng vốn của FLC. Nguồn: bản cáo bạch FLC
Quá trình tăng vốn của FLC
(Đơn vị: Tỷ đồng
Nguồn: bản cáo bạch FLC)

Tính trên lượng cổ phần này, vốn hóa thị trường hiện tại của FLC là hơn 2.060 tỷ đồng. FLC cũng đang tiếp tục chào bán cổ phiếu để tăng vốn thêm gấp đôi, nghĩa là tăng vốn gấp 4 lần trong vòng 1 năm.

Lựa chọn theo 2 cách này, FLC sẽ phải chào bán lượng cổ phiếu thêm cổ phần tương đương vốn hóa thị trường hiện tối thiểu 150 triệu USD Singapore.

Những tiêu chuẩn nói trên mới là tiêu chuẩn định lượng cơ bản nhất. Ngoài ra, còn thêm hàng loạt tiêu chuẩn khác đi kèm với cả 3 lựa chọn.

Cụ thể, FLC đã thực hiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX), nên việc niêm yết tại Singapore sẽ là niêm yết tại sàn thứ 2. Mainboard quy định với những doanh nghiệp thuộc trường hợp này, với cả 3 cách trên là có ít nhất 500 cổ đông toàn cầu (shareholders worldwide).

Thêm vào đó, để niêm yết tại Mainboard, các báo cáo tài chính phải tuân thủ theo các chuẩn mực kế toán của Singapore (SFRS) hoặc Mỹ (GAAP) hoặc chuẩn mực Quốc tế (IFRS). Trong khi đó, gần như tuyệt đối các doanh nghiệp Việt chỉ lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).

Một số doanh nghiệp Việt Nam để thu hút vốn ngoại đã lập song song báo cáo tài chính theo VAS và IFRS. Còn nếu chưa từng lập báo cáo theo tiêu chuẩn này, chuyên viên tư vấn cho một doanh nghiệp lớn trong nước với ý định niêm yết cổ phiếu tại thị trường Singapore cho biết, thông thường phải mất từ 1-2 năm để có thể lập báo cáo theo chuẩn IFRS.

Không yêu cầu có hoạt động tại Singapore, SGX Mainboard yêu cầu tối thiểu 2 thành viên hội đồng quản trị độc lập phải là người cư trú tại Singapore.

Ngoài việc đáp ứng hàng loạt tiêu chí như nói trên, thêm một điều khiến các doanh nghiệp Việt chú ý khi niêm yết tại Singapore là phí. Các công ty phải chi một khoản phí 20.000 đô la Singapore cho việc đăng ký niêm yết tại Singapore không được hoàn trả.

Phí niêm yết tại Mainboard tối thiểu là 100.000 đô la Singapore và tối đa lên tới 200.000 đô la Singapore (100 đô la Singapore trên 1 triệu giá trị thị trường).

Ngoài ra, hàng năm, các doanh nghiệp mất từ 35.000 đô la Singapore và tối đa lên tới 150.000 đô la Singapore (30 đô la Singapore trên 1 triệu giá trị thị trường) cùng nhiều loại phí khác.

Niêm yết tại SGX không phải là điều vượt quá khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam và trên thực tế, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup đã niêm yết trái phiếu tại đây. Trong khi đó, Vinamilk còn đã được cấp giấy phép niêm yết cổ phiếu từ năm 2008.

Tuy nhiên, mục đích lớn nhất khi niêm yết trên sàn chứng khoán, dù ở trong nước hay nước ngoài thì cũng nhằm tạo tính thanh khoản, thu hút vốn đầu tư. SGX là sân chơi lớn, nhưng nên nhớ, Hoàng Anh Gia Lai đã hủy niêm yết trái phiếu sau một năm giao dịch và Vinamilk đã hủy phương án niêm yết dù đáp ứng đủ tiêu chuẩn, trong rất nhiều lý do, các doanh nghiệp này thừa nhận, tính thanh khoản đã không mang lại nhiều lợi ích như chi phí bỏ ra.

Nguồn Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới