ODA từ Nhật Bản sẽ giảm trong năm nay
Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, ông Fujita Yasuo, cho biết những dự án được ký kết Hiệp định vốn vay trong năm tài khóa 2017 và những dự án từ năm tài khóa 2018 trở đi sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu vay vốn từ phía Chính phủ Việt Nam và tình trạng chuẩn bị của các dự án.
Khoản giải ngân trong năm tài khóa 2017 đang được xem xét, nhưng dự kiến sẽ giảm một chút so với năm tài khóa 2016. Lý do chính là việc giải ngân cho dự án Xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình, dự án chiếm tỷ trọng lớn trong năm tài khóa 2016, đã qua giai đoạn giải ngân cao điểm, và sự hạn chế về ngân sách vay vốn của Chính phủ Việt Nam.
Theo JICA, chính phủ Việt Nam đang đặt ra nhiều hạn chế đối với việc vay vốn cho từng dự án. “Chúng tôi hiện đang đề nghị Chính phủ Việt Nam không nên đặt hạn chế đối với từng dự án mà nên phân bổ nguồn vốn vay hợp lý theo tiến độ của mỗi dự án”, ông Fujita Yasuo nói.
Hiện vẫn còn 5 dự án, trị giá 130 tỷ Yên, đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua trong năm tài khóa 2016 nhưng vẫn chưa ký kết Hiệp định vốn vay. Trong số này bao gồm:
- Dự án nâng cao năng lực đảm bảo an ninh an toàn hàng hải Việt Nam: 38,482 tỷ Yên.
- Dự án các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai sử dụng thông tin vệ tinh quan sát trái đất, Giai đoạn 2: 30 tỷ Yên.
- Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre: 24,257 tỷ Yên.
- Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại thành phố Biên Hòa, Giai đoạn 1: 24,7 tỷ Yên.
- Dự án Xây dựng thành phố Khoa học công nghệ cao Hòa Lạc: 12,865 tỷ Yên
Từ năm 2012 trở lại đây, Nhật Bản duy trì giá trị khoản vay của các năm ở mức độ tương đương. Ông Yasuo nhận xét, tỷ lệ thực thi các nguồn vốn ODA của Việt Nam là khá cao, nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề như sự chậm trễ trong việc xử lý thủ tục hành chính, đặc biệt năm ngoái phát sinh thêm mức trần giải ngân.
Chẳng hạn, ở dự án Đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1 và dự án Cải tạo môi trường nước giai đoạn 2, từ tháng 9 năm ngoái, công tác giải ngân của dự án đã bị ngừng lại, khoản tiền chưa chi trả lên đến 10 tỷ Yên.
“Một bộ phận bị chậm trễ khiến cho các công việc trên không được thực hiện, đã không tạo nên hiệu ứng tích cực đối với sự phát triển kinh tế”, ông Fujita Yasuo nhận xét.
Việt Nam có thể làm tốt hơn nếu công tác giải ngân được thực hiện đúng tiến độ, từ đó người lao động Việt Nam được thanh toán tiền lương đúng hạn, doanh thu cũng như lợi nhuận của các công ty sẽ tăng lên, đem lại hiệu ứng tác động phát triển kinh tế tốt hơn.
Ông Yasuo cho biết giá trị giải ngân thực tế giảm từ năm ngoái là do mức trần giải ngân. Năm nay, tổng giá trị khoản vay ODA mới đã cam kết có giảm đi một chút, nhưng sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến tổng thể.
Từ tháng 7.2017, Việt Nam sẽ không còn được vay từ Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) với mức lãi suất thấp nhất. Thế nhưng, không phải tất cả các nhà tài trợ đều thay đổi điều kiện vay cùng một lúc, có thể vài năm nữa thì Việt Nam mới không còn nhận được các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Fujita Yasuo nhận xét.
Ông Fujita Yasuo cho biết, JICA hàng năm cũng tiến hành xem xét lại các điều kiện vốn vay, tuy nhiên sẽ không xảy ra trường hợp các điều kiện bị thay đổi đột ngột theo chiều hướng xấu đi. Hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang nghiên cứu các điều kiện cho vay vốn và thông tin có thể được công bố sau 1 tháng nữa.
Hải Vân
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư