Ông Dominic Scriven: Cổ phần hóa DNNN cần lộ trình mới
Chính phủ cần xác định một lộ trình mới cho cổ phần hóa DNNN
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2013 diễn ra sáng nay (3/6), ông Dominic Scriven - CEO Dragon Capital, Đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn dẫn báo cáo của nhóm cho rằng, cho đến nay chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) của Chính phủ Việt Nam đã gặt hái được một số thành công. Tuy nhiên, quá trình này thời gian gần đây đã bị chậm lại một phần do sự trì trệ của thị trường chứng khoán.
Ông Dominic cho biết, thị trường chứng khoán rất cần những “hàng hóa có chất lượng” để thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Do đó, nhóm đề nghị Chính phủ cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa thông qua việc xác định một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể.
Đồng thời, ông Dominic cho rằng, cổ phần hóa DNNN không nên chỉ quan tâm nhiều đến các khía cạnh tài chính mà còn những yếu tố khác như cơ cấu lại khu vực quốc doanh.
Ông cũng nhấn mạnh những lo ngại về việc có thể bán tài sản của nhà nước với giá quá rẻ và phải chịu trách nhiệm là những rủi ro gắn liền với quá trình này. Do đó, chủ sở hữu cần có sự phân bổ lợi ích để thu hút nhà đầu tư.
Để cổ phần hóa thành công, theo nhóm công tác của Diễn đàn Doanh nghiệp, cần phải thuê tư vấn độc lập đứng ra định giá và chào bán cổ phần theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cần phải có một tỷ lệ cổ phần bán ra phù hợp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài chứ không chỉ vài phần trăm.
Thời điểm thích hợp để bán các doanh nghiệp không cốt lõi
Về Cải cách DNNN, ông Fred Burke - Đại diện nhóm công tác đầu tư và thương mại cho biết, Chính phủ rất cần vốn cho cơ sở hạ tầng, năng lượng và các chức năng cơ bản khác của Nhà nước nhưng một lượng vốn khổng lồ lại bị bó chặt trong các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề cốt lõi như các tập đoàn khách sạn và các công ty bia.
"Có vẻ đây là thời điểm thích hợp để bán các doanh nghiệp này, để cho các doanh nghiệp này phải tuân theo các nguyên tắc của thị trường đang ngày càng cạnh tranh hơn, hoặc ít nhất là chứng khoán hóa và niêm yết các doanh nghiệp này trên Sở Giao dịch Chứng khoán", ông cho biết.
Cũng theo ông Fred Burke, nhóm công tác Diễn đàn Doanh nghiệp cho rằng, ngay cả đối với các DNNN đã có nhà đầu tư nước ngoài làm đối tác cũng cần chú trọng hành động một cách hợp lý về mặt thương mại, nếu không thì những dư luận bất lợi sẽ khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang nơi khác.
Ông dẫn ví dụ, hai doanh nghiệp khai thác cảng thuộc sở hữu Nhà nước đã bị tê liệt, không có khả năng thông qua kế hoặc tái cơ cấu cần thiết, khiến các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng rơi vào tình trạng không thể thanh toán các khoản vay của một số tổ chức tài trợ song phương/đa phương khác. Những trường hợp này cần sự can thiệp cũng như hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ để giúp thông qua kế hoạch chuyển dịch và phát triển.
"Những trường hợp như thế này ngày càng làm tăng thêm quan điểm rằng Việt Nam không có khả năng thực hiện các kế hoạch, mong muốn của mình trong việc tạo ra một môi trường an toàn và có thể dự đoán được cho đầu tư nước ngoài", ông nói.
Nguồn Dân Việt
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư