Hủy
Kinh Doanh

Phình to thời trang bà bầu

Thanh Hương Thứ Năm | 10/10/2019 14:00

Nhu cầu được chăm sóc và làm đẹp của các bà bầu đã mở ra cơ hội lớn cho một doanh nghiệp trẻ.
 

Ấp ủ mong muốn kinh doanh trong lĩnh vực mẹ và bé từ lâu nhưng chỉ khi gặp được  đối tác cùng ý tưởng và am hiểu thị trường, chị Phạm Huyền mới quyết định khởi nghiệp thời trang và dịch vụ dành cho bà bầu và sau sinh.

Bà bầu nghĩ về bà bầu

Vốn là biên tập truyền hình chuyên về mẹ và bé, cũng từng mang bầu, chị Phạm Huyền, Giám đốc Điều hành chuỗi cửa hàng Emum thuộc Công ty Cổ phần Thế Giới Bà Bầu, cho rằng phụ nữ mang thai cũng phải đẹp, nên quyết định tìm hiểu thị trường mới mẻ này. Thực tế, thị trường chủ yếu bán các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh trong khi nhu cầu của các bà bầu cũng lớn nhưng không có cửa hàng nào chuyên dành cho bà bầu. Nếu có thì chủ yếu là váy bầu, trong khi các bà bầu cần đồ bộ, áo bơi, áo cho con bú...
 
Mỗi ngày, ước tính có 4.270 trẻ em được sinh ra, trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 1,6 triệu trẻ em chào đời. Bên cạnh đó, theo dự thảo Luật Dân số được thông qua vào tháng 6.2018, sẽ cho phép sinh con thứ 3 kể cả cán bộ, công chức nhà nước. “Số lượng bà bầu và mẹ sau sinh sẽ còn tăng lên, thị trường bà bầu và mẹ sau sinh là rất tiềm năng”, chị Phạm Huyền chia sẻ. 

 

Emum ra đời vào tháng 10.2017. Bên cạnh quần áo bầu còn có gối ôm, lều xông hơi, quần áo lót, áo lót cho con bú, đồ bơi, thậm chí hạt nêm dành cho mẹ bầu và em bé. Vừa qua, Emum đưa sản phẩm làm đẹp sau sinh ra thị trường như rượu gừng, nghệ, mật ong nghệ, xịt khoáng, son dưỡng, tinh dầu, dầu gội đầu thảo dược, lá xông...

Theo chị Huyền, hiện đồ bơi và áo lót cho con bú đang bán rất chạy và Emum đang đẩy mạnh đầu tư dòng sản phẩm này. Ban đầu, Emum ký hợp tác cùng hệ thống đồ lót iBasic của Mỹ để sản xuất đồ lót cho bà bầu nhằm tiết giảm chi phí, nhưng iBasic không quá tập trung cho mảng này vì cho rằng đây là ngách nhỏ. Thế là Emum tự bỏ ra 2 tỉ đồng đầu tư 2 máy chuyên dụng cho dòng này.

“Trong vốn đầu tư 10 tỉ đồng, đầu tư thiết bị máy móc sản xuất đã tốn hết phân nửa. Nhưng nếu muốn thành công thì phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó nên tôi đầu tư cho nền tảng sản xuất chuyên nghiệp”, chị Huyền giải thích. Tính đến nay, Emum đã có 13 cửa hàng trên toàn quốc và sẽ nâng lên 20 cửa hàng vào cuối năm nay.

 

Thời gian đầu, Công ty từng bị chôn mấy trăm triệu đồng tiền hàng vì chủ quan, tồn kho rất nhiều do mẫu mã không hợp với thị trường. Emum dần cải tiến, tìm ra những ưu, khuyết điểm của sản phẩm, sau đó, đem những sản phẩm này nhờ các bà bầu mặc thử, cho ý kiến và hiệu chỉnh. Hiện nay, Công ty đủ khả năng sáng tạo các mẫu, 1-2 tuần là có mẫu mới. Thực tế, Công ty có những đầm bầu giá từ 1-2 triệu đồng/chiếc mà khách vẫn sẵn lòng mua, vì họ muốn mặc trong các ngày lễ, Tết, tiệc tùng.

Cơ duyên với Aeon Mall

Sau 4 tháng cửa hàng đầu tiên đi vào hoạt động, Emum vẫn gặp khó khăn vì phải giải bài toán hàng tồn và khắc phục mẫu mã. Thời điểm này, Công ty nhận được lời mời tham dự Hội chợ Hàng mẹ và bé chất lượng cao 2017 từ AEON MALL. Bất ngờ doanh thu bán 10 ngày hội chợ đạt 200 triệu đồng, cao bằng 1 tháng bán ở cửa hàng. Hết hội chợ, phía AEON MALL muốn giữ Emum ở lại và mời ký hợp đồng mở cửa hàng.

Đến tháng 5.2018, Emum chính thức có cửa hàng tại các AEON MALL và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng và doanh thu tăng gấp đôi. Thừa thắng xông lên, Công ty quyết định mở thêm cửa hàng bên ngoài. Làm sản phẩm với đối tác Nhật đòi hỏi chất lượng cao và giá cả phải chăng nhưng Emum có cơ hội mở rộng cửa hàng và quảng cáo thương hiệu đến nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Emum tiên phong dòng sản phẩm chuyên dành cho bà bầu nên không lo cạnh tranh. Tuy nhiên, lượng khách hàng của Emum sử dụng sản phẩm có vòng đời ngắn nên khó làm quảng cáo. Khách chủ yếu có nhu cầu trong 1 năm (4 tháng bầu và 6 tháng sau sinh) và chỉ khi sinh thêm con thì mới quay lại, trong khi xu hướng thời trang và công nghệ mỗi năm đều thay đổi, nên Emum phải luôn đổi mới để phục vụ khách hàng mới.

Hiện thị trường mẹ và bé đang rất sôi động và tiềm năng phát triển mạnh, thu hút nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đầu tư vào lĩnh vực này. Vào thời điểm Emum có 5 cửa hàng, Công ty đã được một quỹ đầu tư ngỏ ý mua nhưng bà chủ thương hiệu không muốn bán vì đứa con tinh thần vẫn còn nhỏ và cũng muốn đẩy mạnh thương hiệu.

 

Thời gian tới, Emum sẽ mở thêm 7 cửa hàng và chủ yếu tập trung cho thị trường miền Nam, miền Tây. Trong năm 2020, chuỗi cửa hàng này mới đẩy mạnh ra thị trường miền Bắc, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 5 cửa hàng. Trong năm 2020, Emum sẽ mở thêm 30 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng bán lẻ lên 50 trên toàn quốc. Mức tăng trưởng của Emum là 30-40%, sau khi hoàn tất đầu tư hệ thống bán lẻ, Emum sẽ tăng trưởng ổn định và 18 tháng sau sẽ thu lợi nhuận.

Để đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng, Emum đã chọn cách hợp tác với hệ thống Shoptretho. Hiện Shoptretho có 40 cửa hàng, trong năm 2020, dự kiến nâng tổng số cửa hàng lên 70.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới