PVN dùng dằng với ngân hàng
Sau khi kế hoạch hợp nhất Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVF) và Ngân hàng Phương Tây (Westernbank) được triển khai, cổ phần nắm giữ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã giảm từ 78% xuống còn 52%.
Trước đây, PVN cho rằng khi Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVF) chuyển thành ngân hàng thương mại sẽ dễ thoái vốn hơn. Vừa qua, PVN lại hẹn đến năm 2015, tức thời hạn cuối cùng mà họ phải thoái vốn ngoài ngành. Ở các ngân hàng PVN còn giữ vốn, tình hình cũng tương tự.
PVN đã trở thành đối tác của Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) năm 2009 và đến năm 2010 góp 20% vốn điều lệ. Trong số các đơn vị này, có lẽ chỉ có khoản góp vốn ở Ocean Bank là hiệu quả nhất. Mặc dù lợi nhuận Ocean Bank giảm trung bình 19%/năm trong giai đoạn 2010-2012 nhưng dù sao ngân hàng này vẫn có lãi. Tháng 10.2012, khi điều lệ ngân hàng quy định giảm sở hữu của tổ chức từ 30-40% xuống còn 15%, PVN mới rục rịch tính chuyện thoái bớt vốn khỏi Ocean Bank.
Ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), PVN còn giữ đến 40% cổ phần. Và thành viên của PVN là Công ty Cổ phần Xây lắp 3 giữ 1%. PVN vẫn chưa công bố kế hoạch thoái vốn nào liên quan đến khoản đầu tư này.
Vì sao chưa thoái vốn?
Theo chuyên gia tài chính Hoàng Thạch Lân, việc chần chừ thoái vốn khỏi ngân hàng của PVN có nhiều lý do. Dễ thấy nhất có lẽ do PVN chưa tìm được đối tác thích hợp để bán được giá tốt. Chủ trương thoái vốn của các Tập đoàn Nhà nước như PVN luôn là theo giá thị trường, bảo toàn vốn. Nhưng trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm rất nhiều so với thời điểm PVN góp vốn, thậm chí giảm dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). "Việc tìm được đối tác để thoái vốn với giá tốt rõ ràng là một thách thức không nhỏ với PVN. Nhất là khi chuyện cho phép bán cổ phần dưới mệnh giá vẫn chưa được cho phép", ông Lân nói.
Còn ngân hàng nước ngoài thì không mặn mà với những ngân hàng nhỏ. Lý do là, nếu mua cổ phần ở ngân hàng lớn, ngân hàng nước ngoài dễ mở rộng hệ thống chi nhánh hơn. Mặt khác, họ cũng dễ biết được thông tin chính sách sớm hơn khi ngồi ở các ngân hàng nhỏ.
Mặt khác, ngân hàng có thể được xem là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm. Vì vậy, những thay đổi quan trọng từ phía ngân hàng đều phải có sự xem xét và đồng ý của Ngân hàng Nhà nước. Các phương án thoái vốn ở những ngân hàng mà PVN nắm giữ rất có thể phải chờ Ngân hàng Nhà nước cho phép. Theo ông Lân, rất có thể PVN phải đối mặt với phương án thoái vốn bằng việc bán cổ phần dưới mệnh giá và việc này phải chờ Ngân hàng Nhà nước xem xét. Như năm 2012, chuyện sáp nhập giữa Ngân hàng Phát triển Nhà Hà Nội - Habubank và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng được tiến hành theo chỉ đạo. Trong đó, Habubank buộc phải hoán đổi cổ phiếu với SHB, với giá 5.100 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng phân nửa mệnh giá.
Một nghi vấn khác là các ngân hàng chưa muốn PVN thoái vốn. Nghi vấn này xuất phát từ mối liên hệ giữa PVN và các ngân hàng. Khoản vốn góp này có thể được xem như khoản ký quỹ của PVN tại các ngân hàng. Đáp lại, các ngân hàng này sẽ cho các công ty con của PVN vay vốn. Khi PVN cũng bắt buộc phải thoái vốn ở các công ty con và ngân hàng, các khoản nợ của các công ty con này sẽ trở thành các khoản vay không đảm bảo, thậm chí trở thành nợ xấu. Điều này rõ ràng là một tình huống khó xử với ngân hàng.
Theo ông Lân, trên thị trường từng xảy ra những trường hợp tương tự như vậy. Chẳng hạn giữa công ty chứng khoán và ngân hàng. Công ty Chứng khoán nắm giữ một tỉ lệ nhất định cổ phần ngân hàng, hoặc gửi tiền (tiết kiệm, của nhà đầu tư) ở ngân hàng để vay lại. Nếu khoản vay này có vấn đề thì ngân hàng siết luôn khoản tiền gửi kia.
Về việc PVN chậm thoái vốn ở các ngân hàng, Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán đặt vấn đề, không loại trừ khả năng lúc này PVN không thiếu tiền nên chưa vội thoái vốn. PVN vừa cho biết họ đang gửi 10.000 tỉ đồng tại PVF và chưa có kế hoạch sử dụng.
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư