Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 12,6% GDP năm 2022
Các ngân hàng đang tích cực mua lại trái phiếu trước hạn và phát hành kỳ hạn dài hơn. Ảnh: TL.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, thị trường trái phiếu tính đến cuối tháng 9/2023 có quy mô đạt khoảng 35,77% GDP năm 2022, trong đó thị trường trái phiếu chính phủ đạt 22,76% GDP và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 12,6% GDP.
Theo Bộ Tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm 2023 đến nay có tín hiệu tăng trưởng trở lại, tính đến hết tháng 10/2023, thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có 173 đợt phát hành thành công với giá trị phát hành đạt hơn 184.796 tỉ đồng, tuy nhiên, so với số liệu cùng kỳ năm 2022, giá trị phát hành thành công giảm 43,87%. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 41,4%, tổ chức tín dụng chiếm 45,4%, và trong số trái phiếu được phát hành có 46,9% trái phiếu có tài sản đảm bảo.
Bộ Tài chính cho hay, hệ thống giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào hoạt động đã góp phần tăng tính thanh khoản và nâng cao tính công khai minh bạch của thị trường theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Tính đến ngày 31/10, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có tổng cộng 451 mã trái phiếu doanh nghiệp của 114 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch tại HNX. Khối lượng đăng ký giao dịch đạt hơn 648,4 triệu trái phiếu, tương đương gần 336.800 tỉ đồng. Sau hơn 3 tháng hoạt động, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt gần 179,6 triệu trái phiếu, tương đương 49.392 tỉ đồng, thanh khoản bình quân phiên đạt 677 tỉ đồng/phiên.
Đặc biệt, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những tín hiệu mới cho phát hành trái phiếu xanh, gần đây đã có 2 doanh nghiệp Việt Nam là Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp xanh theo đúng tiêu chuẩn của ICMA.
Theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các ngân hàng đang tích cực mua lại trái phiếu trước hạn và phát hành kỳ hạn dài hơn do mặt bằng lãi suất suy giảm đáng kể so với giai đoạn trước và cơ cấu kỳ hạn để đáp ứng điều chỉnh tỉ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 34% xuống 30%. “Nếu không tính các hoạt động cơ cấu của các ngân hàng thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thực sự cho thấy dấu hiệu phục hồi bền vững”, KBSV nhìn nhận.
KBSV cũng đánh giá, hoạt động mua lại trái phiếu chậm đi trong thời gian gần đây nhưng đã tăng lại trong tháng 10. Trong tháng 11, tổ chức này dự tính sẽ có khoảng 7.400 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, giảm 28% so với tháng trước. Trong đó, nhóm bất động sản chiếm 38%, tổ chức tín dụng 35% và thương mại dịch vụ 15%. Tính chung trong quý IV/2023, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn đạt 32.000 tỉ đồng, hạ nhiệt đáng kể so với quý trước.
Có thể bạn quan tâm
Bức tranh ngành thép đang sáng dần
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Vân Nguyễn
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hải Đăng