Hủy
Kinh Doanh

Tăng trưởng tín dụng: Hãy chọn số đúng

Việt Dũng Thứ Ba | 12/09/2017 12:30

Quý Hòa

 
 
Trong khi chờ chỉ tiêu tăng lên, tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn ở mức kỷ lục so với nhiều năm trước.

Sẽ có thêm khoảng 220.000 tỉ đồng được bơm ra nếu Ngân hàng Nhà nước nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ mức 18% đặt ra hồi đầu năm lên 22%, nhằm nỗ lực “đẩy” con số tăng trưởng GDP lên mức 6,7% đúng như kế hoạch. Cái giá nào phải trả để đạt được con số này và tăng trưởng tín dụng có phải là phương án duy nhất?

Áp lực từ chỉ tiêu tăng trưởng

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay là một con số đầy thách thức, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định ngay từ hồi đầu năm và chỉ đưa ra dự báo tăng trưởng cả năm nay là khoảng 6,4%. Trong khi đó, Ngân hàng HSBC Việt Nam gần đây đưa ra mức dự báo tăng trưởng chỉ khoảng 6%. Trên thực tế, đà suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu từ năm ngoái. Năm 2016, tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,21%, thấp hơn kế hoạch đặt ra (6,3%) và thấp hơn con số 6,68% của năm 2015.

Để giải tỏa áp lực con số tăng trưởng trong năm nay, trước đó, Chính phủ đã “cho phép” ngành dầu khí tăng sản lượng khai thác, để đóng góp vào tăng trưởng nhiều hơn. Tuy nhiên, một phương án được chú ý nhiều là việc cho phép kích thích tăng trưởng tín dụng. Theo đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng giới hạn tăng trưởng tín dụng lên trên 20%. Một vài thông tin cho thấy con số 22% đang được Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thay cho mức 18% được đưa ra từ hồi đầu năm.

Phát biểu chính thức của Ngân hàng Nhà nước cho biết mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 18% và “có thể linh hoạt khi điều kiện cho phép”. Dù vậy, các động thái gần đây cũng thể hiện quan điểm cho phép các ngân hàng có cơ hội đẩy tín dụng ra nhiều hơn trong dịp cuối năm. Chẳng hạn, động thái giảm lãi suất ưu tiên, giảm lãi suất tái cấp vốn, hay gần đây nhất là kéo giãn thời gian thực hiện việc điều chỉnh tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 50% xuống 40% (thời hạn 2 năm thay vì cuối năm nay) trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2016.

Tang truong tin dung: Hay chon so dung

Thông tin nới trần tăng trưởng tín dụng thực tế đã xuất hiện từ tháng trước, khi các ngân hàng thương mại bắt đầu tăng tốc đẩy tiền vào nền kinh tế. Rất nhiều ngân hàng có nhu cầu tăng trưởng đã đề xuất một mức trần tăng trưởng tín dụng mới cho ngân hàng mình, tương tự như nhiều năm trước.

Nếu được chấp thuận, năm 2017 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao trở lại (trên mức 20%) trong thời kỳ vốn rẻ từ năm 2001-2010. Sau giai đoạn này, nền kinh tế gặp khó khăn, dòng tiền bị thắt chặt, lãi suất tăng cao làm ảnh hưởng đến việc tăng trưởng tín dụng. Dù vậy, trong khi chờ chỉ tiêu tăng lên, tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn ở mức kỷ lục so với nhiều năm trước. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ước tính đến hết tháng 8, tín dụng tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ tăng 10,2%).

Không chỉ là bơm tiền

Hãy thử tính toán, theo quy mô tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ở mức khoảng 5,5 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2016, thì lượng tín dụng trong cả năm nay dự kiến tăng thêm khoảng 1,21 triệu tỉ đồng, theo kế hoạch mới là tăng trưởng ở mức 22%. Như vậy, lượng tín dụng tăng thêm so với dự kiến đầu năm là 220.000 tỉ đồng. Trong 4 tháng cuối năm, lượng tín dụng được bơm ra để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng mới là khoảng 577.500 tỉ đồng. Con số này gần với tổng mức nợ xấu được công bố tại kỳ họp Quốc hội tháng 6.

Thực tế, việc đẩy tăng trưởng hiện nay là khả thi, ngoài thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, còn do lạm phát đang ở mức dễ chịu nhất có thể trong nhiều năm nay. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, chỉ số tiêu dùng CPI tháng 8 tăng tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2016 và 1,23% so với đầu năm. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tín dụng năm nay chỉ nên tăng không quá 18%. “Tăng trưởng thêm 0,1-0,2 điểm phần trăm GDP cũng không để làm gì”, ông Thiên nhận định.

Lợi ích ngắn hạn của việc tăng trưởng tín dụng là sự kỳ vọng của Chính phủ vào việc cải thiện con số tăng trưởng GDP trong năm nay, nhưng theo ông Thiên, đây là khoảng thời gian quá ngắn vì tác động chính sách tín dụng có độ trễ. Theo đó, 2018 mới là năm nhận kết quả tác động của chính sách chứ không phải trong năm nay, trong khi sang năm thì kế hoạch đã khác.

Tang truong tin dung: Hay chon so dung

Trong khi đó, lợi ích tác động lên các doanh nghiệp cũng không cao, vì khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế hiện nay không tốt. “Số doanh nghiệp đủ năng lực nộp thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ còn 33%, giảm một nửa so với những năm trước. Khả năng chuyển hóa tín dụng thành tăng trưởng là vô cùng thấp”, ông Thiên nhận định. Thêm nữa, dẫn lại một nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân gần đây, lợi ích của việc tăng tín dụng không lớn bằng chi phí đánh đổi bằng lạm phát. “Tác động của tăng trưởng tín dụng lên tăng trưởng GDP chỉ bằng khoảng một phần năm so với lạm phát”, ông Thiên nói.

Một nguy cơ đánh đổi khác cũng được nhiều chuyên gia, tổ chức cảnh báo là sự chệch hướng của dòng tiền tín dụng, thay vì đi vào khu vực sản xuất thì sẽ vào hướng đầu cơ, tạo bong bóng tài sản. Năng lực đầu cơ của Việt Nam rất cao, dòng tiền vào chứng khoán và bất động sản vượt trội. Xu hướng tăng trưởng bất động sản giờ đã khá rõ ràng. Thực tế, có thể nhận thấy tín dụng trong năm nay vẫn đang tăng trưởng ở mức kỷ lục so với nhiều năm trước, đi kèm theo đó là thông tin phục hồi của thị trường bất động sản, hay chỉ số VN-Index cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục trong 9 năm qua.

“Chúng tôi đã nói những điều này với Thủ tướng”, ông Thiên cho biết với tư cách thành viên của Tổ Tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng mới thành lập gần đây. Một giải pháp khác mà Tổ Tư vấn nhắc đến là sự thay đổi cơ bản về cách thức quản lý của nhà điều hành. “Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng khác chúng ta chưa tính đến đầy đủ. Nỗ lực của Chính phủ không phải là tín dụng, mà còn chú trọng đến câu chuyện tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hiệu quả của đồng vốn bỏ ra từ đó cũng cải thiện thêm nhiều”, ông Thiên cho biết.

Hiện Chính phủ bắt đầu chú ý đến việc tháo gỡ những rào cản về mặt chính sách, thủ tục hành chính vốn đã “trói buộc” các doanh nghiệp, bắt đầu từ Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. “Sự thay đổi này đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn vì liên quan đến nhiều nhóm lợi ích, có khi đến vài năm. Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu tăng trưởng dài hạn hơn chứ không phải dựa vào biện pháp tình thế từng năm, từng quý như hiện nay”, ông Thiên kết luận.

 Việt Dũng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới