Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, mùa mưa của các tỉnh Tây Nguyên bắt đầu từ tháng Năm và kéo dài đến tháng 10. Đây là giai đoạn cây càphê sinh trưởng, phát triển mạnh mẽ nhất, cần lượng dinh dưỡng chiếm từ 85-90% trong tổng nhu cầu dinh dưỡng của cây trong một năm.

Riêng đối với cây càphê đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, ngoài dinh dưỡng cần thiết để phát triển cành, lá, nhu cầu dinh dưỡng trong mùa mưa còn là nhân quyết định đến năng suất của vườn cây.

Do vậy, bón phân dưới gốc cho cây càphê trong giai đoạn này nếu không bảo đảm các tỷ lệ cân đối các chất dinh dưỡng đa lượng như đạm, lân, kali, các chất trung lượng chủ yếu như lưu huỳnh, canxi, magiê, các chất vi lượng như kẽm,… không những vườn cây cho năng suất thấp mà còn làm cho quả nhỏ, nhân bé, rụng quả nhiều.

Dựa vào các kết quả nghiên cứu, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên đã khuyến cáo đến các nông hộ và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càphê ở Tây Nguyên bón phân cho cây càphê, nhất là cây càphê đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch phải kịp thời, đúng cách, đủ hàm lượng, đúng thời điểm.

Viện cũng khuyến cáo các nông hộ, các doanh nghiệp sử dụng các loại phân bón chuyên dụng nuôi trái càphê để bón nhằm kích thích trái phát triển đều, chín tập trung vào cuối vụ, đồng thời tăng cường bón thêm phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục để vườn cây cho năng suất cao, ổn định.

Ngoài ra, Viện cũng đã hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càphê vệ sinh vườn cây, tỉa bỏ chồi vượt, cành khô, sâu bệnh, già cỗi, còi cọc hay cành vô hiệu mọc trong tán sát mặt đất hay các cành thứ cấp quá dày vượt trên tán… để tập trung dinh dưỡng nuôi quả càphê.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 561.530ha càphê, chủ yếu là càphê kinh doanh cho thu hoạch; trong đó tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích càphê nhiều nhất với trên 203.500ha. Kế đến là tỉnh Lâm Đồng có hơn 153.430ha và Đắk Nông có 114.188ha…