Hủy
Kinh Doanh

Thủ tướng nhận lỗi về khuyết điểm trong điều hành tập đoàn kinh tế

Thứ Hai | 22/10/2012 11:15

 
 
Năm 2013, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5%, lạm phát 8%. Lành mạnh thị trường chứng khoán, khôi phục thị trường bất động sản.

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII sáng nay (22/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, đã nhận lỗi trước Quốc hội về những yếu kém của Chính phủ trong quản lý điều hành, nhất là những khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Đặc biệt, một số tập đoàn, tổng công ty như Vinashin, Vinalines hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất về nhiều mặt, ảnh hưởng đến uy tín và vai trò của kinh tế Nhà nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và từng thành viên sẽ nghiêm khắc với mình, khắc phục cao nhất những khuyết điểm, Thủ tướng phát biểu.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, Thủ tướng cho hay, trong điều kiện còn nhiều khó khăn thách thức, hiện có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch và 5 chỉ tiêu chưa đạt.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ triển khai thực hiện tái cơ cấu ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng yếu kém, gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường thanh tra giám sát với tổ chức tín dụng, công ty tài chính, công ty chứng khoán, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo thị trường tài chính lành mạnh.

Thực hiện tái cơ cấu tập đoàn kinh tế, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, quy mô phù hợp với thị trường, năng lực quản trị và khả năng tài chính, quy định rõ trách nhiệm của người đại diện vốn Nhà nước...

Song, vẫn còn nhiều hạn chế như kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại, nợ xấu gia tăng, xử lý còn chậm và còn nhiều khó khăn. Lãi suất còn cao, tăng trưởng huy động vốn cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay còn lớn, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận được vốn, tồn kho lớn, số lượng doanh nghiệp giải thể tăng.

Thị trường bất động sản trì trệ, chưa có khả năng phục hồi sớm, một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất kinh doanh thấp, vi phạm pháp luật, gây thất thoát vốn, tái cơ cấu Vinashin còn nhiều khó khăn vướng mắc.

Tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, thị trường tài chính, ngân hàng thương mại còn ở giai đoạn đầu, còn nhiều khó khăn cao, cần có quyết tâm cao, nguồn lực cần thiết và lộ trình phù hợp.

Sang năm 2013, Chính phủ dự báo kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, tăng trưởng kinh tế không cao hơn nhiều 2012. Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm, nhưng nhiều chỉ tiêu sau 2 năm thực hiện vẫn còn khá thấp so với mục tiêu đề ra giai đoạn 2011 - 2015

Về mục tiêu tổng quát cho năm 2013, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét như sau: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội... tạo nền tảng vững chắc hơn cho các năm sau..

Về mục tiêu cụ thể: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế 5,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu 8%, tỷ lệ bội chi không quá 4,8% GDP, tốc độ tăng giá tiêu dùng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Nhiệm vụ Chính phủ đề ra cho năm 2013 như sau: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nâng cao năng lực dự báo, ứng phó kịp thời với những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Điều hành chính sách tiền tệ tài khóa linh hoạt, tiếp tục hạ lãi suất tín dụng phù hợp với diễn biến lạm phát. Điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, đảm bảo giá trị VND.

Hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường vàng, cải thiện cán cân thành toán quốc tế và dự trữ ngoại hối, tăng thu và tiết kiệm chi, quản lý nợ công trong giới hạn an toàn.

Cơ bản hoàn thành việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hỗ trợ phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, tăng cường thu hút các nguồn vốn nước ngoài như FDI, ODA, kiều hối...

Bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước với điện, than xăng dầu theo lộ trình phù hợp với việc kiềm chế lạm phát.

Hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hợp lý, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, nghiên cứu giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, áp dụng các biện pháp phù hợp như cơ cấu lại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ giữa ngân sách với các doanh nghiệp, nợ chéo các doanh nghiệp, khôi phục thị trường bất động sản, nghiên cứu lập công ty xử lý nợ...

Thực hiện các giải pháp phù hợp để giải quyết hàng tồn kho, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thị trường trong nước.

Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, cung cấp linh kiện, phụ kiện và dùng nhiều lao động, Phát triển ngành dịch vụ, khuyến khích phát triển ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như viễn thông, ngân hàng, du lịch, hàng không...

Mở rộng thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc vào một thị trường....

Nguồn Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới