Hủy
Kinh Doanh

"Tiền đồ" của tiệm cầm đồ

Ngọc Thủy Thứ Ba | 22/09/2020 07:30

F88 trở thành chuỗi dịch vụ cầm đồ quy mô nhất tại Việt Nam. Nguồn ảnh: TL

 
 
Các chuỗi cầm đồ ngày càng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài.

Công ty đứng đầu trong lĩnh vực chuỗi dịch vụ cầm đồ ở Việt Nam F88 vừa ký kết hợp tác chiến lược với tổ chức tài chính hàng đầu Hàn Quốc là KB Financial Group (KB). Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc F88, cho biết, với ký kết này, F88 có thể thực hiện được chiến lược trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi về tài chính, với nhiều dịch vụ đa dạng.

Hướng đến mô hình kênh tài chính

KB sở hữu tập khách hàng lớn chiếm 66% dân số Hàn Quốc, với tổng tài sản lên tới 428,9 tỉ USD. Vì thế, hợp tác với KB hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho F88. Trong khi đó, KB nhìn thấy ở F88 hệ thống phân phối rộng khắp, vị trí giao dịch thuận tiện, có đội ngũ bán hàng, dịch vụ khách hàng, nền tảng công nghệ tốt, có lãnh đạo năng lực và chuyên nghiệp. Tính đến nay, F88 đang dẫn đầu thị trường cho vay có tài sản cầm cố với 240 phòng giao dịch ở 35 tỉnh, thành. Mục tiêu của F88 là đạt tới 300 phòng giao dịch vào cuối năm nay, tiến đến 1.000 phòng giao dịch vào năm 2023.

Nguồn ảnh: TL
Nguồn ảnh: TL

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), chia sẻ, KB mong muốn cùng F88 mang các sản phẩm dịch vụ tài chính tới khách hàng Việt Nam và KB cũng là đối tác tư vấn tài chính, thu xếp nguồn vốn cho F88 trong tương lai.

 

Trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi về tài chính cũng là mục tiêu của Vietmoney, một chuỗi cầm đồ khác vừa gọi vốn thành công từ Probus Opportunities và Digi Ventures. Hai nhà đầu tư này đã nắm 30% vốn tại Vietmoney. Digi Ventures chuyên đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực tài chính, hàng tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe. Còn Probus Opportunities đã có hơn 10 năm tham gia thị trường Việt Nam với danh mục là các công ty nổi tiếng như FPT, Digiworld...

Vietmoney ra đời muộn hơn F88 (năm 2016) và tổ chức chuỗi cầm đồ theo mô hình O2O (Online to Offline). Hiện nay, Công ty có 16 chi nhánh tại TP.HCM và phục vụ hơn 20.000 khách hàng. Ông Trịnh Văn Phương, nhà sáng lập Vietmoney, cho biết Công ty sẽ dùng  số tiền huy động được để mở rộng lên 100 chi nhánh ở 28 tỉnh, thành trong thời gian tới. “Xa hơn nữa là tham vọng xây dựng một kênh tài chính tiện lợi và đảm bảo cho khách hàng trong phân khúc dưới chuẩn tại Việt Nam”, ông nói.

Thực tế, ngoài đầu tư tài chính, Probus Opportunities còn có thể hỗ trợ cho Vietmoney trên nhiều phương diện như kinh nghiệm có được từ tham gia vào những mô hình tương tự. Cụ thể, Probus hiện là cổ đông lớn của chuỗi cầm đồ Srisawad, thuộc top 3 nhà cho vay cầm cố lớn nhất ở Thái Lan. Srisawad đã vươn rộng hoạt động sang Việt Nam khi thành lập thương hiệu cầm đồ Sawad (năm 2017) và phát triển mạng lưới lên 59 chi nhánh từ Nghệ An đến Cà Mau.

Sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn

Những thương hiệu cầm đồ khác như Người Bạn Vàng, Camdonhanh... cũng nhận được sự trợ lực của các đối tác. Ví dụ, Người Bạn Vàng là đối tác chiến lược của PNJ, còn Camdonhanh là chuỗi cầm đồ do quỹ đầu tư Mỹ John Galt Ventures lập ra. Hay chuỗi Đồng Shop Sun nhận vốn đầu tư Nhật. 

Những mô hình cầm đồ theo chuỗi, chuyên nghiệp, tiện lợi đang là lĩnh vực được nhà đầu tư nhắm đến. F88 từng huy động hàng trăm tỉ đồng từ Mekong Capital và sau đó từ Granite Oak. Trước đó, F88 cũng đã gọi được vốn trong nước thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Các chuỗi cầm đồ có thể thu hút sự quan tâm đầu tư cũng bởi tiềm năng ngành. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh, đạt hơn 1 triệu tỉ đồng (48 tỉ USD) vào năm 2019.

Sang năm 2020 và các năm tiếp theo, với dân số Việt Nam xấp xỉ 100 triệu người nhưng hơn phân nửa người dân vẫn chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng, cơ hội cho các bên tham gia lĩnh vực tài chính tiêu dùng là rất lớn.

 

Đặc biệt, những khoản cầm cố tài sản để vay vốn nhỏ, kỳ hạn ngắn của cá nhân, tổ chức dù nhu cầu cao nhưng thường bị các tổ chức tín dụng xếp vào nhóm cho vay tiêu dùng dưới chuẩn và từ chối cho vay. Đây là lý do hàng chục ngàn tiệm cầm đồ tư nhân đã mọc lên khắp nơi để đáp ứng nhu cầu vay này. Những mô hình chuyên nghiệp hóa như F88, Vietmoney... cũng đã ra đời. 

Để thay đổi định kiến của người dân về cầm đồ, các chuỗi cầm đồ đã đầu tư mạnh cho cửa hàng, nền tảng công nghệ và cả quy trình, hệ thống định giá, minh bạch lãi suất, phí... Dù vậy, các chuỗi cầm đồ cũng phải kiên nhẫn và cần thời gian để thuyết phục khách hàng tin vào sự khác biệt của mình.

Khi người dân hiểu rõ dịch vụ của chuỗi cầm đồ và có cái nhìn thiện cảm hơn, khi các công ty gỡ được bài toán định giá tài sản và có cách quản trị rủi ro tốt (chọn loại tài sản phổ biến và có giấy tờ như điện thoại, laptop, xe máy, đồ trang sức...), các chuỗi cầm đồ như F88, Vietmoney có thể huy động nhiều vốn hơn, tìm được đối tác đồng hành và tiến sâu vào ngành dịch vụ tài chính.

So với các nước, dịch vụ tài chính ở Việt Nam còn khá non trẻ. Tỉ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam mới đạt khoảng 11,4%, trong khi theo Viện Chiến lược Ngân hàng, con số phổ biến ở các nước phát triển là 40-50%. Rõ ràng, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới