Hủy
Kinh Doanh

"Tiền tiết kiệm của Việt Nam đủ cho đầu tư"

Thứ Bảy | 27/09/2014 14:13

 
 
TS. Võ Trí Thành nói, tiền tiết kiệm của Việt Nam khoảng 30% GDP, đủ đầu tư nhưng chúng ta vẫn cần 10% FDI. Vậy 10% tiền tiết kiệm ở đâu?

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014, TS. Võ Trí Thành nêu nhận định thực trạng kinh tế vĩ mô Việt Nam từ năm 2012 đến quý III/2014 đã được cải thiện, song thiếu vững chắc. Lạm phát giảm mạnh, tỷ giá VND/USD tương đối ổn định, cán cân vãng lai cân bằng, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể, thanh khoản ngân hàng cải thiện rõ rệt; nhiều ngân hàng thương mại được bước đầu tái cấu trúc.

Nhưng, khó khăn ngân sách và nợ công còn khá rõ ràng (thâm hụt mục tiêu 4,8% GDP, nợ công tỷ lệ 60% GDP). Nợ xấu tăng, sở hữu chéo, tính minh bạch thấp vẫn là nguy cơ gây bất ổn tài chính.

Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn dù đã có một số dấu hiệu tích cực như chỉ số PMI trên 50 điểm (ngưỡng thể hiện sự tăng trưởng) kể từ tháng 9/2014, chỉ số công nghiệp xu thế tăng nhẹ. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng khá cao, 8 tháng tăng 14,1%.

Cải cách cơ cấu nhìn chung diễn ra chậm chạp, giảm lòng tin, nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước, dù có ý chí chính trị, chương trình và cả một số cơ chế khá mạnh để thực thi.

Từ đó, ông Thành đưa ra cái nhìn về những vấn đề chính sách chủ chốt như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thúc đẩy đầu tư tư nhân, cải cách cơ cấu, tăng cường năng lực chống đỡ các cú sốc...

Nêu quan điểm về chính sách tài khóa, TS. Võ Trí Thành cho rằng chính sách tài khóa ít dư địa do thâm hụt ngân sách cao và rủi ro nợ công tăng, trong đó đòi hỏi giảm thuế trong khi áp lực chi tăng, đặt ra bài toán lương tối thiểu và tăng lương.

TS. Võ Trí Thành nói hiện nay, tiết kiệm của Việt Nam khoảng 30% GDP, với số tiết kiệm này, tiền tiết kiệm của Việt Nam đủ cho đầu tư của Việt Nam. Nhưng, chúng ta vẫn cần 10% FDI, vậy 10% tiết kiệm của người Việt Nam ở đâu? Ông Thành cho rằng nó đang ở hầm tài chính, không dùng để đầu tư kinh doanh hoặc được dùng vào việc chơi trò chơi tài chính.

Về việc cải cách cơ cấu, TS. Võ Trí Thành nêu vấn đề cải cách trên các mặt doanh nghiệp Nhà nước, Hệ thống ngân hàng, đầu tư công, cải cách thị trường nhân tố sản xuất (vốn, đất đai, lao động) và lựa chọn lĩnh vực đột phá.

Trong đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước cần xử lý đồng thời 4 vấn đề: minh bạch, đại diện sở hữu và giảm sát, thông lệ quản trị tốt, cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty. Cải cách hệ thống ngân hàng chuyển từ tránh "đổ vỡ hệ thống" sang lành mạnh hóa và nâng cao năng lực xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, tăng cường manh bạch thông tin và năng lực giám sát, áp dụng chuẩn mực quốc tế và nâng cao năng lực quản trị rủi ro.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện quản lý kinh tế Trung ương dự báo tăng trưởng năm 2014 của nền kinh tế Việt Nam ở mức 5,5 - 5,7%, tỷ lệ lạm phát khoảng 5%. Đến năm 2015, tăng trưởng dự báo đạt 5,8 - 6,2%, tỷ lệ lạm phát khoảng 6 - 7%.

Nguồn Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới