Hủy
Kinh Doanh

TPHCM còn gần 65% doanh nghiệp hoạt động và liên hệ được

Thứ Hai | 21/05/2012 12:56

 
 
Trong hơn 1.900 doanh nghiệp tại TPHCM được điều tra, gần 28% doanh nghiệp không thể liên hệ trực tiếp được và không đúng địa chỉ.

Trong tháng 4/2012, Cục Thống kê thành phố đã tiến hành điều tra phỏng vấn 1.904 doanh nghiệp (được chọn mẫu) đang hoạt động tại thời điểm 1/1/2011.

Trong đó, doanh nghiệp nhà nước có 39 đơn vị (chiếm 8,1% trong tổng số doanh nghiệp nhà nước); doanh nghiệp ngoài nhà nước có 1.689 đơn vị (chiếm 1,9% trong tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước) và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có 176 đơn vị (chiếm 6,1% trong tổng số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Hơn 60% doanh nghiệp phá sản do thua lỗ

Kết quả điều tra của 1.904 doanh nghiệp cho thấy, sau 15 tháng (từ ngày 1/1/2011 đến ngày 1/4/2012), số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động có liên hệ và tiếp cận được chiếm 64% tổng số doanh nghiệp được chọn mẫu để điều tra. Số doanh nghiệp phá sản, giải thể chiếm 6,7% và số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất (dự kiến sẽ hoạt động trở lại) chiếm 1,6%.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp không thể tiếp cận được do chuyển địa chỉ hoạt động, không còn hoạt động đang làm thủ tục giải thể (điều tra viên không liên hệ trực tiếp được với đơn vị) và không đúng địa chỉ (tình trạng khác) chiếm tới 27,7% số doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 1/1/2011 trong trong tổng số doanh nghiệp được chọn mẫu để điều tra.

Báo cáo cho biết, 61,9% số doanh nghiệp giải thể, phá sản là do sản xuất kinh doanh thua lỗ; 28,6% là do thiếu vốn để sản xuất kinh doanh; 4,8% do không tiêu thụ được sản phẩm; 9,5% khó khăn về địa điểm sản xuất kinh doanh; 5,3%  phải đóng cửa doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp mới hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh và 4,8% doanh nghiệp đóng cửa doanh nghiệp để sát nhập với doanh nghiệp khác.

100% doanh nghiệp phá sản giải thể là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Doanh nghiệp thu hẹp sản xuất chủ yếu do nhu cầu giảm

Trong số các doanh nghiệp theo quy định phải nộp thuế năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế giá trị gia tăng là 11,8% (trong đó ngành vận tải kho bãi là 17,6%, ngành công nghiệp 15,2%. Doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế xuất nhập khẩu là 12,1% (riêng ngành công nghiệp là 18,3%). Số doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế tập trung chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Trong số doanh nghiệp được khảo sát vay vốn có tới 44,4% phải vay với lãi suất bình quân năm trên 19%/năm. 73% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng mức lãi suất bình quân năm chấp nhận được không quá 14%/năm.

Trong số 11 yếu tố được phỏng vấn thuộc môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của khu vực doanh nghiệp, có 5 yếu tố cản trở lớn nhất, trong đó: Lạm phát cao và biến động thất thường là yếu tố cản trở hàng đầu (chiếm 30,5%); Lãi suất vay vốn quá cao là yếu tố yếu tố thứ hai (24,3%); Xếp vị trí thứ ba là tiếp cận nguồn vốn khó khăn (10,7%); Chính sách điều hành kinh tế không ổn định (10,5%); Chi phí vận tải cao (8,5%); thuế suất (7,7%).

Hiện tại, có tới 41,1% số doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh mà nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu thị trường trong nước giảm (73,2%), do khó khăn tiếp cận vốn vay (38,1%) và do khó khăn trong việc mua nguyên liệu đầu vào (50,4%).

Có 13,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô về lao động, 9,9% số doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô về vốn và có tới 32,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm về doanh thu và 35,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm về lợi nhuận.

Trước tình hình này, TPHCM kiến nghị Chính phủ có những chính sách tập trung hỗ trợ cải thiện các yếu tố chủ yếu sau: Ổn định kinh tế vĩ mô; ổn định lãi suất vay vốn hợp lý; hỗ trợ lãi suất vay vốn; ổn định giá điện; cải thiện cơ sở hạ tầng; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước; tập trung nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải tiến thuế suất và công tác quản lý thuế,...

Nguồn DVT


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới