Hủy
Kinh Doanh

Việt Nam cần hành động ngay từ năm nay để đương đầu với bẫy thu nhập trung bình

Thứ Ba | 15/04/2014 10:34

 
 
Giáo sư Kenichi Ohno, chuyên gia kinh tế Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị giải pháp cho kinh tế Việt Nam để vượt qua giai đoạn này.

Sáng nay (15/4), Ban Kinh tế Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam" tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS. Vương Đình Huệ, trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam cũng như các nước khác khi đạt được mức thu nhập trung bình đều quan tâm tới nguy cơ vướng bẫy thu nhập trung bình liên quan đến các chỉ số về tốc độ tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động và năng suất tổng hợp; chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các chỉ số xếp hạng toàn quốc của quốc gia...

Kinh tế Việt Nam đã ra khoải tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp từ năm 2010 với mức thu nhập trung bình đầu người là 1.068 USD, năm 2013 là 1.960 USD. Tốc độ tăng trưởng khá cao, với GDP tăng 7,6% giai đoạn 1991 - 2000, 7,3% giai đoạn 2001 - 2010. Năm 2011 - 2013 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới vẫn đạt 5,6%/năm.

Giáo sư Kenichi Ohno, chuyên gia Nhật Bản về kinh tế Việt Nam khuyến nghị Việt Nam nên bắt đầu hành động ngay từ năm nay để đương đầu với bẫy thu nhập trung bình, thay vì tranh luận khi nào và việc đã hay chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Theo giáo sư Ohno, Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu cụ thể cho quốc gia hay doanh nghiệp bằng cách kiểm tra cẩn thận kết quả hoạt động của đối thủ để tăng trưởng kinh tế. Mở rộng quy mô của các dự án thí điểm, mô hình nên được mở rộng về quy mô địa lý và quy mô ngành ở cấp quốc gia. Giáo sư khuyến nghị thực hiện điều này bằng sáng kiến và nguồn lực của Việt Nam chứ không bằng vốn viện trợ phát triển không hoàn lại (ODA).

Thực hiện khuyến khích chuyển giao công nghệ, quan tâm nhiều hơn tới nâng cao năng suất lao động, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Kaizen để hợp lý hóa quy trình sản xuất cũng là điều được chuyên gia kinh tế Nhật Bản đề xuất Việt Nam áp dụng để tiếp tục tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Để hỗ trợ phát triển, Việt Nam cần có chính sách công nghiệp chọn lọc, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ mạnh mẽ nhằm đạt tăng trưởng, ông Ohno nói.

Trên thế giới hiện nay chưa có định nghĩa chính xác về bẫy thu nhập trung bình, chỉ miêu tả trạng thái của một nước khi rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Phương pháp đơn giản để xác định một nước có rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa là tính toán số năm tối đa một nước ở trong nhóm thu nhập trung bình. Khi một nước ở trong nhóm thu nhập trung bình thấp quá 28 năm, hay 14 năm với thu nhập trung bình cao thì sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Việt Nam, theo tiêu chuẩn của thế giới, World Bank thì đã là nước có thu nhập trung bình từ năm 2001.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới