Hủy
Kinh Doanh

Vinalines thoái 22% vốn tại VST

Mai Hân Thứ Sáu | 23/11/2018 19:42

 
 
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sẽ thoái hết vốn tại Công ty Vận tải và Thuê tàu Biển Việt Nam với mức giá khởi điểm 1.200 đồng/cổ phần.

Lên kế hoạch thoái vốn

Theo đó, ngày 5.12 tới đây, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ bán đấu giá phần vốn góp hơn 134 tỉ đồng (hơn 13,4 triệu cổ phần), tương đương 22,03% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu Biển Việt Nam (VST) với mức giá khởi điểm 1.200 đồng/cổ phần.

VST được hợp nhất từ Công ty Vận tải và thuê tàu biển “Transchart” và Công ty Vận tải biển Sovosco vào năm 1984. Đến năm 1995, công ty chuyển về trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

Năm 2007, công ty chuyển đổi thành Công ty Cổ phần và chính thức niêm yết trên sàn HoSE vào năm 2009. Năm 2015, công ty hủy niêm yết và chuyển giao dịch trên sàn UPCoM.

Công ty đã trải qua 2 lần tăng vốn, theo đó vốn điều lệ tăng từ 400 tỉ đồng ban đầu lên thành 610 tỉ đồng vào năm 2018. Cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của công ty gồm Vinalines nắm giữ 58,03% vốn và một cá nhân khác nắm giữ 5,43% vốn cổ phần.

Hoạt động kinh doanh chính của công ty gồm kinh doanh vận tải biển, đại lý tàu biển, môi giới và cung ứng xuất khẩu thuyền viên, cung ứng dịch vụ và xuất nhập khẩu, sửa chữa và bảo dưỡng tàu. Trong đó, kinh doanh vận tải biển là hoạt động kinh doanh mang lại doanh thu chính cho công ty, hiện công ty quản lý và khai thác 8 tàu biển với trọng tải 151.392 DWT hoạt động khắp thế giới.

Hoạt động kinh doanh năm 2017 của VST ghi nhận 602 tỉ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 233 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty lỗ tiếp 137 tỉ đồng trong khi lên kế hoạch lỗ 302 tỉ đồng cho cả năm.

Vinalines thoai 22% von tai VST
 

Nhiều công ty con âm vốn

Ngoài VST, Vinalines lên kế hoạch thoái vốn tại hầu hết những công ty thua lỗ. Vận tải biển là ngành kinh doanh chính của Vinalines, chiếm gần 86% cơ cấu doanh thu tại Công ty mẹ, Tổng công ty và xấp xỉ 38% cơ cấu doanh thu toàn Tổng công ty hợp nhất trong năm 2016.

Nhưng chi phí vay và khấu hao tàu cao dẫn đến một số doanh nghiệp của Tổng công ty liên tục lỗ từ năm 2008 đến nay. Năm 2017, riêng ngành lõi của Vinalines lỗ 624 tỉ đồng, các năm trước như 2014, 2015 lỗ hơn 3.000 tỉ đồng.

Thậm chí Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã từ chối đưa ra ý kiến đối kiểm toán về Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) do không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp đối với một số vấn đề quan trọng.

Các công ty con như Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam, Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship… đều bị đưa ra ý kiến ngoại trừ hoặc vấn đề nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của các công ty này hầu hết đều làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, âm vốn lưu động ròng, gánh nặng từ những khoản nợ quá hạn và đến hạn trả.

Thêm vào đó, các công ty này lại chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tổng tài sản và tổng nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất. Dù vậy, Ban lãnh đạo Vinalines vẫn cho rằng các công ty này vẫn đảm bảo yêu cầu về hoạt động liên tục với điều kiện thực hiện thành công việc tái cơ cấu các khoản vay đã quá hạn và đến hạn trả.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới