Hủy
Kinh Doanh

Xuất khẩu hàng may mặc trước 2 ngã rẽ

Công Sang Thứ Ba | 02/03/2021 08:00

Theo dự báo lạc quan nhất của McKinsey, phải đến quý II/2022 nhu cầu của ngành thời trang mới phục hồi như năm 2019.

2021 được dự đoán vẫn là năm khó khăn của ngành dệt may nhưng cơ hội vẫn có.
 

Năm 2021 vẫn là một năm khó đoán của ngành dệt may dẫn đến 2 xu hướng rõ rệt trên thị trường: các nhà mua hàng lớn trên thế giới tập trung hàng hóa vào các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn ở Việt Nam, trong khi nhóm doanh nghiệp sản xuất có quy mô nhỏ hơn đang tìm cách mở rộng tập doanh nghiệp mua hàng vừa và nhỏ ở nước ngoài.

Cơ hội không dành cho tất cả

Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ đạt 35 tỉ USD so với mục tiêu hơn 40 tỉ USD đề ra. Đây là năm đầu tiên dệt may Việt Nam tăng trưởng âm 10,5% sau hơn một thập niên tăng trưởng liên tục.

Doanh thu sụt giảm là khó tránh khỏi khi ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Báo cáo tháng 12.2020 của McKinsey cho biết có hơn 10 thương hiệu và chuỗi thời trang lớn phá sản đã thổi bay 93% lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu.

2021 tiếp tục là năm khó khăn, theo dự báo của Bộ Công Thương, do phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch bệnh. Theo dự báo lạc quan nhất của McKinsey, phải đến quý II/2022 nhu cầu của ngành thời trang mới phục hồi như năm 2019.

Mặc dù vậy, với 13 hiệp định thương mại có hiệu lực đã hỗ trợ khá nhiều cho các đơn hàng may mặc, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt ra mức tăng trưởng cao hơn năm 2020. Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (Vitas), có 2 kịch bản tăng trưởng năm 2021 là 39 tỉ USD nếu thuận lợi và 38 tỉ USD trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, miếng bánh này sẽ không dành cho số đông. Điều này thể hiện rõ vào những quý cuối năm 2020 khi tăng trưởng doanh thu chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp đầu ngành dệt may.

Lý giải vấn đề này, theo ông Trần Như Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), trước đây khách hàng (các nhà bán lẻ hàng may mặc truyền thống) sẽ chọn một nhà cung cấp lớn và 2-3 nhà cung cấp nhỏ để giảm rủi ro. Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến thói quen đặt hàng thay đổi, theo đó đơn hàng cho các nhà cung cấp nhỏ sẽ giảm đi và tập trung vào các đơn vị lớn vì uy tín và bài toán công nợ được hỗ trợ tốt hơn.

“Quan điểm của khách hàng hiện nay là đi cùng các doanh nghiệp sản xuất lớn sẽ có cơ hội vượt qua khó khăn cao hơn. Nhìn chung, nhóm này có cơ hội tồn tại cao hơn trong mùa dịch”, ông Tùng nói.

Mở rộng tập khách hàng

Năm qua, lượng đơn hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế tăng mạnh đã là bệ đỡ giúp nhiều doanh nghiệp dệt may vượt qua khó khăn do COVID-19. Nhưng nay sức nóng mặt hàng này đã không còn cao như hồi đầu năm ngoái. Vì thế, sức ép dành cho các doanh nghiệp may mặc có quy mô nhỏ hơn là khá lớn. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony, đơn vị hưởng lợi rất lớn từ việc bùng nổ nhu cầu khẩu trang hồi quý II/2020, cho biết sản lượng khẩu trang dù giảm chưa nhiều nhưng giá đã giảm hơn 10% kéo theo biên lợi nhuận không còn như trước, ước tính giảm khoảng 20%.

Ông Quang Anh cũng cho rằng xu hướng tập trung hàng hóa vào các doanh nghiệp đầu ngành đã bắt đầu diễn ra và các doanh nghiệp chưa đạt đủ quy mô để được lựa chọn như Dony phải tìm cách khác, đó là khai thác tập khách hàng vừa và nhỏ ở nước ngoài, cụ thể là Mỹ vì giá bán tốt hơn so với châu Âu và châu Á.

Theo đó, chiến lược của Dony năm nay bên cạnh các khách hàng truyền thống, kênh bán hàng thương mại điện tử (như Amazon, Tiki, Lazada...), Công ty sẽ phát triển dòng sản phẩm chuyên xuất khẩu với sản lượng tối thiểu linh hoạt. Điều này kéo theo sự thay đổi của quy trình bán hàng, sản xuất. Theo đó, các bộ quy trình câu hỏi và trả lời được soạn sẵn để giải đáp thắc mắc của khách hàng, sản phẩm cũng được thiết kế theo khuôn mẫu sẵn.

“Các đơn hàng gia công trị giá hàng triệu USD thì mới có chi phí sắp xếp người, hỗ trợ sản phẩm. Với các đơn hàng chỉ vài ngàn USD, chúng tôi sẽ phải phân bổ lại để cân đối chi phí”, ông Quang Anh cho biết.

Trên thực tế, việc thay đổi quy trình sản xuất, quy trình bán hàng không quá khó đối với các doanh nghiệp có quy mô trung bình như Dony, rào cản lớn nhất trong chiến lược này chính là chi phí quảng cáo vào thị trường Mỹ.

Ông Quang Anh cho biết, Công ty đã tiến hành quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Alibaba từ năm 2015 nên có một lượng dữ liệu khách hàng nhất định, vì thế chi phí tiếp thị không đáng kể. “Đối với các doanh nghiệp mới bắt đầu quảng cáo, biên lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng bởi khoản chi phí này”, ông Quang Anh nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới