Kỷ nguyên mới của ngành năng lượng sạch
Cánh tua-bin gió ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế đề cập đến việc thế giới đang dần tiến đến “một kỷ nguyên mới của ngành công nghệ sản xuất năng lượng sạch”. Dự kiến bước tiến này có thể mang đến giá trị hàng trăm tỉ USD mỗi năm bắt từ cuối thập kỷ này. Điều đó cũng có ý nghĩa là hàng triệu việc làm mới sẽ được tạo ra trong quá trình chuyển đổi “kỷ nguyên mới”.
Theo báo cáo Triển vọng Công nghệ Năng lượng năm 2023 được IEA công bố vào tuần trước, các nhóm ngành sản xuất công nghệ bao gồm tua-bin gió, máy bơm nhiệt, pin cho xe điện, tấm pin mặt trời và máy điện phân cho hydro được gọi là “bình minh của thời đại công nghiệp mới”.
Dựa theo dữ liệu phân tích thu được, IEA cho biết, thị trường toàn cầu của ngành công nghệ sản xuất năng lượng sạch ước tính trị giá 650 tỉ USD vào năm 2030, tăng gấp ba lần so với giá trị hiện tại. “Các hoạt động liên quan đến sản xuất năng lượng sạch sẽ tạo ra số lượng việc làm tăng hơn gấp đôi từ 6 triệu hiện nay lên gần 14 triệu vào năm 2030”, IEA cho biết thêm trong báo cáo.
Dây chuyền sản xuất tấm quang năng. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên vẫn còn một số lưu ý trong quá trình chuyển đổi. Trước tiên là việc các quốc gia trên toàn thế giới cần phải thực hiện đúng những gì đã cam kết trong các vấn đề liên quan đến năng lượng và khí hậu. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm và sức mạnh tài chính của một đất nước.
Ngoài ra, cũng có những “cơn gió ngược chiều” trong chuỗi cung ứng. Căng thẳng địa chính trị kéo dài và đại dịch COVID-19 là một trong các nguyên nhân hàng đầu trong việc gián đoạn chuỗi cung ứng, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình chuyển đổi.
Khi nói đến các công nghệ sản xuất hàng loạt như pin, tấm pin mặt trời, gió, máy bơm nhiệt và máy điện phân, Trung Quốc là quốc gia có năng lực sản xuất năng lượng sạch đứng đầu. Đất nước tỉ dân này cũng đang thống trị hầu hết các dây chuyền sản xuất và giao thương công nghệ năng lượng sạch trên thế giới. Và hơn hết, Trung Quốc là một trong ba quốc gia bên cạnh Úc và Chile chiếm hơn 90% sản lượng lithium toàn cầu. Theo đó, nền kinh tế thứ hai thế giới hiện là lực lượng chính trong các công nghệ quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng theo kế hoạch.
Có nhiều câu hỏi được đặt ra. Tại sao các Chính phủ lại đồng ý tiến hành chuyển đổi năng lượng tái tạo? Vì biến đổi khí hậu hay vì màu xanh của hành tinh này?
Hồi tháng 10, ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA đã nói với hãng tin CNBC rằng an ninh năng lượng mới là động lực chính để các quốc gia đầu tư năng lượng sạch. Năng lượng tái tạo, ô tô điện, năng lượng mặt trời, hydro, năng lượng hạt nhân dần sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Ông Birol chia sẻ khi nhắc đến vấn đề địa chính trị: “Khi phụ thuộc quá nhiều vào một công ty, một tổ chức, một quốc gia hay một hoạt động thương mại nào đó, chúng ta có nguy cơ phải trả giá đắt nếu có sự gián đoạn xảy ra. Như chúng ta đã thấy sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga”.
Trong thời điểm khủng hoảng năng lượng và lạm phát diễn ra ở châu Âu, năng lượng tái tạo là con đường lạc quan nhất để đảm bảo các vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng, bao gồm nhiều yếu tố khác như biến đổi khí hậu và chính sách cho ngành công nghiệp trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm:
Quốc gia nào chi tiền mạnh nhất cho hàng hiệu?
Nguồn CNBC
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hằng Nguyễn
-
An Hạ