Hủy
Tạp chí số 857

Từ con ốc vít đến A.I

Hồ Đắc Nguyên Ngã Thứ Ba | 21/01/2025 08:26

Để có khả năng phát triển công nghệ, chúng ta cần ít nhất 4 thành phần: technoware, humanware, infoware và orgaware. Ảnh: shutterstock.com

 
 
Việc Nvidia mua lại VinBrain, một công ty A.I của Việt Nam, có lẽ sẽ làm thất vọng những người vẫn hay chê Việt Nam không làm được con ốc vít...

Nvidia có thể chọn một con đường khác để đầu tư vào mảng trí tuệ nhân tạo (A.I) ở Việt Nam là mở một trung tâm nghiên cứu A.I rồi tuyển những người giỏi A.I vào làm việc. Nhưng Nvidia lại chọn mua một công ty A.I của Việt Nam để phát triển, chứng tỏ Nvidia đánh giá VinBrain có giá trị cao hơn là tập hợp những cá thể làm A.I ở Việt Nam. Như tỉ phú Jensen Huang, CEO Nvidia, chia sẻ: “Đây là một startup phi thường và tuyệt vời tại Việt Nam. Với VinBrain, giờ đây chúng tôi có điểm khởi đầu cho một trung tâm thiết kế tương lai lớn”.

Một số người hay hỏi tại sao Việt Nam có nhiều tiến sĩ nhưng lại không tạo ra được một sản phẩm công nghệ cao nào? Tất nhiên là nhận định này sai ở nhiều chỗ: Việt Nam thật ra không có nhiều tiến sĩ và Việt Nam có tạo ra được một số sản phẩm công nghệ cao.

Chúng ta sẽ nói tới cái logic “nhiều tiến sĩ sẽ tạo ra sản phẩm công nghệ cao”. Để tạo ra được các sản phẩm công nghệ cao, chúng ta cần phải có nhiều thứ, chứ không phải chỉ có một nhóm tiến sĩ. Để có khả năng phát triển công nghệ, chúng ta cần ít nhất 4 thành phần: technoware, humanware, infoware và orgaware. Giả sử Việt Nam có nhiều tiến sĩ giỏi thì cũng chỉ mới có humanware. Nếu thiếu 3 thành tố còn lại thì cũng không có khả năng tạo ra các sản phẩm công nghệ cao.

Technoware là trang thiết bị từ phần cứng đến phần mềm. Chúng ta không thể tạo ra các sản phẩm công nghệ cao từ tay không được mà cần phải có trang thiết bị phù hợp. Để tạo ra được các sản phẩm A.I, chúng ta cần phải có máy tính đủ mạnh, data đủ nhiều, và có các công nghệ nền tiên tiến nhất về A.I trên thế giới. Để có thể làm ra chip bán dẫn, chúng ta cần phải có phần mềm thiết kế chuyên dụng, có trang thiết bị hiện đại để sản xuất và thử nghiệm.

Infoware là các thông tin để sử dụng các công nghệ cho hiệu quả. Sau khi có đầy đủ các technoware ở trên, chúng ta phải thu thập, xây dựng và quản lý các thông tin cần thiết để sử dụng các technoware đó.

Và orgaware là năng lực tổ chức nhân sự và công việc để quy trình tạo ra sản phẩm công nghệ cao được hiệu quả. Nếu phần orgaware không tốt thì humanware có giỏi mấy cũng không có thể sử dụng technoware và infoware cho hiệu quả được.

Việc Nvidia mua lại VinBrain chứng tỏ VinBrain đã xây dựng được cả 4 thành tố đó ở một mức độ mà theo đánh giá của Nvidia là có giá trị cao hơn việc Nvidia tuyển người vào xây dựng team từ đầu. Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ cho nền công nghệ cao của Việt Nam.

Thế tại sao Vingroup lại bán VinBrain cho Nvidia? Tại vì Vingroup hy vọng VinBrain sẽ được tăng cường technoware, humanware, infoware và orgaware từ Nvidia để phát triển nhanh hơn và mạnh hơn. Điểm yếu của các công ty Việt Nam hiện nay là thiếu các yếu tố đó, chúng ta cần phải học hỏi từ các công ty và tổ chức đang thành công như Nvidia.

Một điều nữa là Nvidia có nhiều tiền, rất nhiều tiền. Tiền là yếu tố thứ 5 rất quan trọng trong việc phát triển sản phẩm công nghệ cao mà nãy giờ chúng ta chưa nói tới.

Apple đã tiêu tốn tầm 15-20 tỉ USD cho dự án xe tự lái nhưng không thành công. Cuối cùng Apple đã dừng dự án này lại để tiêu tiền cho dự án A.I, đến giờ vẫn chưa biết có thành công hay không. Phát triển công nghệ cao rất tốn tiền vì technoware, humanware, infoware và orgaware đều rất tốn kém. Hơn nữa, rủi ro trong lĩnh vực này rất cao. Bạn phải có đủ tiền để đốt cho nhiều dự án thất bại thì may ra có một dự án thành công.

Vậy đó, làm công nghệ không đơn giản chỉ cần một nhóm tiến sĩ này nọ là tự nhiên làm được. Việt Nam chưa mạnh về mảng này thì không có nghĩa là các tiến sĩ, kỹ sư của Việt Nam không giỏi, mà nhiều khi là do thiếu technoware, infoware, orgaware và nhất là thiếu... tiền.

Việc Nvidia mua lại VinBrain có thể là một tín hiệu cho thấy, Việt Nam bắt đầu bước vào sân chơi công nghệ cao. Hy vọng là chúng ta sẽ còn nhiều thành công phía trước.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới