Nước hoa cho không gian sống
Logevy hiện phân phối 16 dòng nước hoa cho không gian sống, 5 dòng nước hoa và các loại nước hoa cho vải vóc. Ảnh: TL.
“Trong đại dịch, con người ở nhà nhiều hơn và nhận ra tầm quan trọng của không gian sống. Do đó, bên cạnh trang trí lại nhà cửa, phần lớn còn có nhu cầu biến không gian sống thành nơi chốn yên bình, thư giãn. Mùi hương là một trong những giải pháp được quan tâm nhiều nhất”, bà Phạm Cẩm Vân, sáng lập Logevy, thương hiệu chuyên nhập khẩu mùi hương cho không gian sống đến từ Ý, giải thích.
Việc sử dụng nước hoa tô điểm cho không gian sống đã phổ biến tại các khách sạn, spa hoặc resort, cửa hiệu thời trang từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, 5-6 năm trở lại đây, xu hướng này bắt đầu lan rộng đến người dùng cá nhân. Đặc biệt, dịch COVID-19 đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xu hướng này bùng nổ. Một nguyên nhân khác, theo bà Sophie, huấn luyện viên Yoga Quốc tế tại Việt Nam, chính là nhu cầu cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm căng thẳng trong công việc, các mối quan hệ...
Nhận thấy tiềm năng từ xu hướng này, bà Vân, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực spa và làm đẹp, đã quyết định “khởi nghiệp” cách đây hơn 1 năm. Chọn nhà hương từ Ý thay vì nhà hương nào khác, bà Vân nói, độ sâu của tầng hương và sự dày công của thương hiệu trong việc tạo ra những nốt hương được bà phát hiện trong một chuyến đi tình cờ đến nước này đã cuốn hút bà. Logevy hiện phân phối 16 dòng nước hoa cho không gian sống, 5 dòng nước hoa và các loại nước hoa cho vải vóc.
Theo bà Vân, khó khăn lớn nhất của các thương hiệu mới tại thị trường Việt Nam chính là tiếp cận đúng khách hàng. Nếu như thương hiệu lâu năm có ưu thế về danh tiếng, tiềm lực tài chính để mở gian hàng tại các trung tâm thương mại thì cách của những thương hiệu mới là tổ chức workshop hoặc dùng KOL (người có sức ảnh hưởng). Cách làm này vừa giúp khách hàng trải nghiệm trực tiếp mùi hương, vừa giúp thương hiệu “giáo dục” thị trường. Đây cũng là mục tiêu của bà Vân ít nhất trong 2-3 năm tới.
Trong đó, bà Vân đặc biệt kiên trì xây dựng cộng đồng hương một cách chậm rãi và bền vững. Mong mỏi của bà là từ Logevy có thể xây dựng được một cộng đồng dùng hương có kiến thức và sẵn sàng đón nhận những xu hướng mới thông qua workshop trải nghiệm.
Từ chối xuất hiện tại các sàn thương mại điện tử, những thương hiệu cao cấp như Logevy chọn bán trực tuyến qua website và fanpage của hãng. Thương hiệu này cũng kết hợp với spa tại 2 khách sạn 5 sao ở TP.HCM để khách hàng có thể trải nghiệm trực tiếp hiệu quả của hương thơm cho không gian sống. Một số thương hiệu ngoại nhập khác thì chọn kênh phân phối tại các cửa hàng trang trí nội thất.
Hướng đến khách hàng có thu nhập ổn định và trải nghiệm sống đa dạng là điểm chung của các thương hiệu. Mức giá trung bình cho một bình tán hương 250 ml là khoảng 750.000-950.000 đồng. Thời gian sử dụng từ 1-2 tháng, tùy mức độ dùng thường xuyên hay không.
Tương tự nước hoa cho cơ thể, nước hoa cho không gian sống hiện cũng được “cá nhân hóa” đến từng không gian khác nhau như phòng khách, phòng ngủ, bếp, toilet... Và tùy diện tích không gian, mỗi loại nước hoa sẽ có dung tích khác nhau từ 250 ml, 500 ml cho đến 1 lít. Với không gian công ty hoặc showroom, tòa nhà..., bình tán hương là lựa chọn thích hợp. Các loại này có dung tích từ 3-5 lít. Một số khách hàng cao cấp còn yêu cầu cá nhân hóa mùi hương cho riêng không gian của họ. Tất nhiên, chi phí có thể lên đến vài trăm ngàn USD.
Thực tế, các nhà làm hương trên thế giới luôn tích cực lắng nghe và dịch chuyển theo nhu cầu ngày một đa dạng của người dùng. Bên cạnh các xu hướng chung như nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, bền vững, không thử nghiệm trên động vật..., nhà sản xuất tung ra nhiều loại hương với đủ kiểu dáng, màu sắc, mùi và hình thức khác nhau. Chẳng hạn, trước đây, nước hoa cho không gian sống chỉ gồm các mặt hàng như nến thơm, xịt phòng, tinh dầu khuếch tán (bằng máy hoặc đốt nến) thì gần đây có thêm tán hương (bình tinh dầu cắm các que tán hương).
“Tán hương đơn giản, tiện dụng nhưng có độ lưu hương cao và có sự pha trộn cầu kỳ, đầu tư như nước hoa cho cơ thể thay vì chỉ có mùi đơn giản tinh dầu khuếch tán. Nến thơm thì mang đến vẻ lãng mạn cần thiết khi thắp”, bà Vân lý giải sự dịch chuyển của người dùng. Bà nhấn mạnh vì sự an toàn cho sức khỏe và không gian, tán hương sẽ chiếm ưu thế.
Nhận định về thị trường nước hoa không gian sống tại Việt Nam, bà Vân ước tính, nếu tiếp cận tốt, trong vòng 3-5 năm nữa, thị trường sẽ cán mốc ít nhất 50-60 triệu USD. Minh chứng rõ nét nhất là sự quan tâm và hình thành các hội nhóm chăm sóc không gian sống trên mạng xã hội. Rất nhiều nhóm có số lượng thành viên lên đến hàng trăm ngàn người. Bên cạnh đó là sự gia tăng hiện diện của các thương hiệu nước hoa cho không gian sống, dù chỉ mới chập chững ở giai đoạn đầu.
Dù vậy, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam hiện nay vẫn là các thương hiệu nước ngoài. Ngoài các thương hiệu lâu năm như Himalaya, Than, Yankee (hiện do ATZ Life phân phối), thị trường Việt Nam có khoảng 10 thương hiệu mới xuất hiện như I’Scent, Ol’ Kraft... Lý giải điều này, một nhà làm hương cho rằng thế mạnh của các thương hiệu Việt là sản xuất tinh dầu cung cấp cho máy khuếch tán hoặc dùng nến đốt. Ngay cả nến thơm, nếu so với thương hiệu ngoại cũng không thể cạnh tranh về mẫu mã, mùi hương và chất lượng. “Để làm được nước hoa phức tạp như tán hương, đòi hỏi công nghệ khuếch tán phải chuẩn và cực kỳ tốn kém. Thị trường Việt Nam cần ít nhất 3-5 năm nữa mới xuất hiện những nhà làm tán hương đạt chuẩn”, vị này nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư