Hủy
Phát triển bền vững

Thị trường tài chính bền vững ASEAN có nhiều "điểm sáng"

Hải Miên Thứ Tư | 17/05/2023 14:13

Trong năm 2022, Singapore và Philippines gia nhập nhóm các nước phát hành trái phiếu chính phủ ASEAN.

 
 
Thị trường vẫn có nhiều điểm tích cực đáng lưu ý, mặc dù thu hẹp chủ yếu do tình trạng sụt giảm chung trên thị trường vốn nợ

Trên khắp ASEAN, thị trường nợ xanh, xã hội, bền vững, liên kết bền vững và chuyển đổi (green, social, and sustainability – GSS+) trong năm 2022 chứng kiến sự sụt giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với xu hướng chung trên toàn cầu (-24% so với cùng kỳ năm ngoái trên toàn cầu, 858,5 tỉ USD năm 2022 vs. 1.1 nghìn tỉ năm 2021). Mặc dù vậy, lượng phát hành duy trì ở mức mạnh mẽ, cao gấp đôi so với năm 2020 và còn nhiều điểm tích cực đáng lưu ý như tăng phát hành trái phiếu chính phủ và một loạt sáng kiến phát triển chính sách và thị trường qua đó củng cố thêm khung pháp lý và chuyên môn. Phát hành GSS+ ở Indonesia và Philippines cũng ghi nhận tăng trưởng vượt trội, chủ yếu nhờ phát hành trái phiếu chính phủ mạnh mẽ và lượng phát hành trái phiếu Hồi giáo Sukuk và trái phiếu xã hội cao kỷ lục.

Quy mô giao dịch lớn hơn và kỳ hạn dài hơn

Khu vực ASEAN đã chứng kiến sự gia tăng cả trong quy mô giao dịch lẫn kỳ hạn, tỉ lệ giao dịch đạt quy mô tiêu chuẩn (500 triệu USD trở lên) tăng lên đáng kể (71% trong năm 2022 so với 52% năm 2021) và lần đầu tiên có trái phiếu bền vững kỳ hạn trên 20 năm (không bao gồm trái phiếu vĩnh viễn) được phát hành trong năm 2022. Singapore dẫn đầu trong hầu hết các mảng nợ, chiếm 63% tổng lượng phát hành cộng dồn và 60% lượng phát hành của năm 2022.

Trái phiếu chính phủ đóng vai trò chủ đạo trong kích thích các hoạt động và phát triển thị trường cũng như phân bổ các khoản vốn lớn vào những dự án và hoạt động bền vững. Trong năm 2022, Singapore và Philippines gia nhập nhóm các nước phát hành trái phiếu chính phủ ASEAN. Trái phiếu chính phủ trong khu vực tập trung vào trái phiếu bền vững cho phép chính phủ huy động vốn cho cả những dự án xanh và xã hội.

 

Một năm năng động với nhiều sáng kiến phát triển chính sách và thị trường

2022 là một năm năng động của khu vực xét về các sáng kiến phát triển chính sách và thị trường với sự ra mắt của hệ thống Tiêu chuẩn Trái phiếu Liên kết Bền vững ASEAN cũng như tham vấn ý kiến các bên về phiên bản đầu tiên của Hệ thống phân loại ASEAN (ASEAN Taxonomy) trong suốt cả năm, bên cạnh một loạt sáng kiến và biện pháp tài chính bền vững tầm cỡ quốc gia của các nước thành viên ASEAN, bao gồm các mảng như công bố thông tin, tài chính chuyển dịch và hệ thống phân loại.

 

Điểm nhấn ở các nước

Việt Nam

Tổng quan thị trường

• Việt Nam chứng kiến sự đa dạng trong phát hành trái phiếu theo chủ đề trong những năm gần đây, cả về loại công cụ và chủ đề.

Chính sách và phát triển

• Các nỗ lực và chính sách hỗ trợ về tài chính bền vững được Chính phủ Việt Nam ủng hộ, với sự ra mắt của hướng dẫn quản trị rủi ro môi trường trong các hoạt động mở rộng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bên cạnh đó là công bố chương trình quốc gia nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển kinh doanh bền vững tới năm 2025.

• Trên nền tảng Thỏa thuận Chuyển dịch Năng lượng Công bằng với nguồn vốn ban đầu trị giá 15,5 tỉ USD nhằm giúp ngành năng lượng Việt Nam chuyển dịch, Chính phủ cũng cam kết cải thiện khung pháp lý tài chính xanh của Việt Nam để thúc đẩy sự quan tâm trong lĩnh vực này.

Phát hành

• Chỉ có các khoản vay (xanh và liên kết bền vững) được phát hành trong giai đoạn năm 2022, với năm giao dịch đến từ các nhà phát hành khác nhau.

• Giao dịch lớn nhất là khoản vay xanh trị giá 500 triệu USD của công ty sản xuất và thương mại VinFast (một công ty con của Tập đoàn Vingroup JSC), giao dịch thứ 2 của công ty này sau khoản vay xanh 400 triệu năm 2021. Một công ty con khác của Vingroup là Vinpearl JSC cũng gia nhập thị trường với một trái phiếu bền vững trị giá 425 triệu phát hành năm 2021, trái phiếu bền vững duy nhất ở Việt Nam từ trước tới giờ.

Singapore

Tổng quan thị trường

• Singapore sở hữu thị trường nợ theo chủ đề quy mô lớn nhất và đa dạng nhất ASEAN với lượng phát hành đạt 81 tỉ USD từ 127 nhà phát hành (một trong những quốc gia có số lượng nhà phát hành nhiều nhất thế giới) và chủ yếu là nợ xanh và các khoản vay liên kết bền vững (sustainable-linked loan – SLL), chiếm 96% tổng lượng phát hành.

Chính sách và phát triển

• Singapore đã giới thiệu một loạt sáng kiến về chính sách và thị trường trong năm 2022, một vài trong số đó tập trung vào chủ đề quan trọng như công bố thông tin, sự phát triển của hệ thống phân loại xanh và chuyển dịch cho các tổ chức tài chính ở Singapore cũng như những bước phát triển thị trường và xây dựng năng lực, nhằm phát triển một hệ sinh thái tài chính bền vững sôi đội cho cả Singapore lẫn ASEAN nói chung.

Phát hành

• Công ty kinh doanh nông nghiệp đa quốc gia Olam International đứng đầu năm 2022 với 2 khoản nợ liên kết bền vững (2,9 tỉ USD và 1,975 tỉ USD) thông qua công ty tài chính Olam Agri Holdings của họ.

• Chỉ có thêm một nhà phát hành khác có giao dịch trên 2 tỉ USD là Perennial Shenton Property với một khoản vay xanh đầu tiên trị giá 3 tỉ SGD (tương đương 2,09 tỉ USD)

• Chính phủ Singapore trở thành chính phủ đầu tiên phát hành trái phiếu xanh kỳ hạn 50 năm trị giá 2,4 tỉ SGD (tương đương 1,75 tỉ USD) huy động nguồn tài chính cho nhiều dự án mang lại lợi ích cho môi trường.

Malaysia

Tổng quan thị trường

• Malaysia chứng kiến các đợt phát hành trong các mảng nợ theo chủ đề xuyên suốt cả năm, trong đó trái phiếu bền vững chiếm 99% lượng phát hành năm 2022, nhờ các nhà phát hành quan tâm đến cung cấp vốn cho lĩnh vực xã hội cùng với các dự án mang lại lợi ích cho môi trường.

Chính sách và phát triển

• Một loạt sáng kiến và chính sách hỗ trợ đã được giới thiệu trong năm 2022, ví dụ như Hệ thống phân loại Đầu tư Bền vững và có trách nhiệm dựa trên nguyên tắc của SG cùng với các khung, tiêu chuẩn, hướng dẫn và yêu cầu công bố thông tin liên quan đến ESG do các nhà quản lý Malaysia đưa ra.

• Cùng với những nỗ lực và chương trình của Ủy ban hợp tác về Biến đổi khí hậu (Joint Committee on Climate Change), những sáng kiến và chính sách này sẽ củng cố vị thế dẫn đầu mảng tài chính bền vững Hồi giáo của Malaysia.

Phát hành

• Trong năm 2022, quy mô giao dịch trung bình là 79 triệu USD, tương đối nhỏ so với các nước láng giềng trong khu vực, mặc dù hầu hết các nhà phát hành đều đến thị trường này hơn một lần. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Cagamas vẫn là nhà phát hành thường xuyên nhất với 4 giao dịch, tương đương với nhà phát hành lần đầu Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tư nhân Pengurusan Air Selangor. Ngân hàng CIMB là nhà phát hành duy nhất có một giao dịch, trị giá 500 triệu USD, cũng là giao dịch lớn nhất của năm.

Indonesia

Tổng quan thị trường

• Các giao dịch và nhà phát hành của Indonesia đều có quy mô lớn, với lượng phát hành chủ yếu là các giao dịch trái phiếu chính phủ. Trái phiếu chính phủ Hồi giáo xanh lớn nhất được phát hành bởi chính phủ Indonesia vào năm 2022 trị giá 1,5 tỉ USD; tuy nhiên, không có trái phiếu bền vững nào do chính phủ phát hành trong suốt cả năm, trước đó có một trái phiếu loại này phát hành năm 2021.

Chính sách và phát triển

• Năm 2022 chứng kiến Indonesia đưa ra những chính sách và công cụ hỗ trợ quan trọng được kỳ vọng sẽ kích thích thị trường nợ theo chủ đề của quốc gia này, trong đó bao gồm ra mắt hệ thống phân loại xanh, giới thiệu thuế carbon cũng như công bố Nền tảng Quốc gia để triển khai cơ chế chuyển dịch năng lượng (Energy Transition Mechanism Country Platform) và Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership)

Phát hành

• 2022 đánh dấu cột mốc Indonesia phát hành trái phiếu Hồi giáo xanh (Sukuk) lớn nhất, một giao dịch trị giá 1,5 tỉ USD kỳ hạn 10 năm được thị trường đón nhận nhiệt tình.

• Mặc dù lượng phát hành đạt mức kỷ lục 3,7 tỉ USD, chỉ có 5 trong số 28 giao dịch từ trước tới giờ của quốc gia này được tiến hành trong năm 2022, đồng nghĩa với quy mô giao dịch trung bình ở mức 743 triệu USD.

• Bên cạnh trái phiếu chính phủ Hồi giáo xanh, một giao dịch lớn khác trị giá 1 tỉ USD (cả trong năm 2022 và tính chung từ trước tới giờ) là một khoản vay liên kết bền vững (SLL) từ PT Bank Rakyat, đây là lần phát hành trái phiếu theo chủ đề đầu tiên của họ.

Thái Lan

Tổng quan thị trường

• Trong khi thị trường Thái Lan nhìn chung là đa dạng về phát hành theo chủ đề, quốc gia này lại chủ yếu tập trung vào trái phiếu bền vững chính phủ trong những năm gần đây.

• Thái Lan chứng kiến các đợt phát hành trái phiếu xã hội đều đặn hằng năm kể từ năm 2019 (một hiện tượng khá hiếm trong khu vực ASEAN).

Chính sách và phát triển

• Thái Lan tiếp tục hành trình phát triển tài chính bền vững với những nỗ lực của các nhà quản lý và ngành tài chính, các nỗ lực phát triển năng lực cũng như phát triển hệ thống phân loại thông qua một nền tảng liên kết. Hệ thống phân loại được kỳ vọng sẽ ra mắt vào nửa đầu năm 2023 và sẽ tập trung vào lĩnh vực năng lượng và vận tải.

Phát hành

• Giao dịch trị giá 10 tỉ THB (tương đương 295 triệu USD) của Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ (Government Savings Bank) là trái phiếu duy nhất trong năm 2022 của khu vực, cũng là giao dịch lớn nhất.

• Năm 2022 đánh dấu sự kiện Chính phủ Thái Lan mở rộng quy mô trái phiếu chính phủ bền vững cao gấp 3 lần năm 2020, tổng cộng trị giá 55 tỉ THB (1,76 tỉ USD) cũng như phát hành một trái phiếu mới trị giá 948 triệu USD.

• Về mặt tài chính xanh, Global Power Synergy (PTT PCL) là nhà phát hành lớn nhất trong năm 2022 với năm trái phiếu xanh tổng cộng trị giá 12 tỉ THB (341 triệu USD), đưa tổng trái phiếu xanh lên 19 tỉ THB (565 triệu USD).

Philippines

Tổng quan thị trường

• Philippines có một thị trường vốn nợ theo chủ đề đang ngày càng phát triển và đa dạng hơn.

• 2022 là một năm quan trọng với các đợt phát hành trái phiếu chính phủ đầu tiên: 3 giao dịch tổng giá trị 2,3 tỉ USD. Tất cả đều là trái phiếu bền vững tài trợ vốn cho một loạt hạng mục xanh và bền vững. Các giao dịch này bổ sung thêm vào lượng phát hành ở các nhánh khác, bao gồm các công cụ xanh và liên kết bền vững.

Chính sách và phát triển

• Theo định hướng của Bộ nguyên tắc hướng dẫn và lộ trình tài chính bền vững Philippines do các bộ ban ngành phối hợp đưa ra bên cạnh việc ra mắt Khung Tài chính Bền vững của Phòng Tài chính trong năm 2022, Ngân hàng Trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas) bắt đầu một chiến lược ngân hàng trung ương bền vững sau khi công bố một loạt hướng dẫn quỹ bền vững của Ủy ban Chứng khoán.

Phát hành

• Năm 2022 chứng kiến 3 giao dịch trái phiếu chính phủ bền vững tổng giá trị 2,3 tỉ USD, với trái phiếu mệnh giá JPY phát hành 4 loại kỳ hạn từ 5-20 năm. 

• BDO Unibank lần đầu phát hành (52,7 tỉ PHP/1,03 tỉ USD) và Rizal Commercial Banking Corp -  nhà phát hành cũ trở lại (14,8 tỉ PHP/289 triệu USD) là 2 đơn vị đóng góp cho phát hành trái phiếu bền vững.

• Thị trường còn có trái phiếu xanh trị giá 10 tỉ PHP (170 triệu USD) do Acen Finance phát hành cùng với một giao dịch vay liên kết bền vững 100 triệu USD do SMC Global Power Holdings phát hành, đây là công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia San Miguel Corp.

Có thể bạn quan tâm:

Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng xanh


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới