Hủy
Phát triển bền vững

Tiền đâu cho Net Zero?

Arthur Do và Nick Wood Thứ Ba | 13/02/2024 07:30

Ảnh: Shutterstocks

Không chỉ cần thêm hàng ngàn tỉ USD để giải quyết hậu quả biến đổi khí hậu, việc huy động tài chính cho chống biến đổi khí hậu cũng rất quan trọng.
 

Đây chính là một trong các nội dung quan trọng tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai năm 2023.

Kế hoạch huy động 15,5 tỉ USD
Việt Nam đã công bố tại hội nghị này kế hoạch huy động 15,5 tỉ USD từ các khoản vay theo Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) - với tư cách là một bên rất quan tâm đến tài chính khí hậu bao gồm an ninh lương thực, sử dụng đất, các tác động về sức khỏe cộng đồng và chuyển đổi năng lượng. Hơn nữa, Việt Nam là một trong số ít quốc gia tham dự COP28 công bố bộ tiêu chí về giảm carbon như một phần trong chiến lược chuyển đổi năng lượng.

Mặc dù có sự thay đổi rõ ràng trong hiểu biết về tài chính khí hậu tại sự kiện này, nhưng mức độ cam kết vẫn ở mức thấp và được cho là “không đủ” trong văn bản cuối cùng được đại biểu ký kết. Nó cho thấy khoảng cách ngày càng lớn trong tài chính thích ứng và thừa nhận rằng cam kết tăng gấp đôi nguồn tài chính cần được mở rộng quy mô. Một báo cáo được công bố tại Hội nghị biến đổi khí hậu cho thấy chỉ có 16% nhu cầu tài chính khí hậu toàn cầu được đáp ứng và chỉ có 13 quốc gia đăng ký “Tuyên bố của các nhà lãnh đạo UAE về Khung tài chính khí hậu toàn cầu” nhằm mục đích cung cấp tài chính, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng.

 

Khung tài chính khí hậu toàn cầu không chỉ nhắm đến việc mở khóa tiềm năng đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu, mà còn vươn xa hơn với tham vọng huy động tối đa nguồn lực trong nước, giải phóng ngân sách cho các hoạt động khí hậu, tạo ra “dòng chảy mạnh mẽ” của vốn tư nhân, mở rộng nguồn tài chính ưu đãi và xây dựng thị trường carbon minh bạch, đáng tin cậy.

Điều đáng chú ý là khung tài chính khí hậu toàn cầu phản ánh sự thay đổi về khái niệm “tài chính khí hậu”. Không còn đơn thuần là rót vốn vào năng lượng tái tạo, khái niệm này giờ đây đã mở rộng, bao hàm sự tham gia toàn diện và tích cực vào các kế hoạch chuyển đổi, quản lý rủi ro khí hậu tiên tiến, phát triển công cụ tài chính xanh sáng tạo, mở rộng thị trường carbon tự nguyện, khai thác các sáng kiến thuế quốc tế và nhiều hơn nữa.

Việt Nam nhận thức sâu sắc về cả sự cần thiết của cách tiếp cận đa tầng phức tạp để đạt được Net Zero lẫn những rủi ro từ khoảng cách  ngày càng lớn về tài chính. Vấn đề là các ngân hàng và chủ đầu tư trong nước không có đủ năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong tương lai. Việt Nam chỉ có thể đạt được mục tiêu Net Zero nếu huy động được nguồn  tài chính quốc tế.

Các chuyên gia ngành năng lượng đã mô tả tầm quan trọng của JETP đối với chiến lược Net Zero của Việt Nam tương tự như việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 dẫn đến việc cải tổ hệ thống lập pháp và ban hành các luật mang tính bước ngoặt như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Sở hữu trí tuệ. Việc đảm bảo hỗ trợ tài chính từ các nước G7 và liên minh GFANZ để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang năng lượng tái tạo là cơ hội rõ ràng cho đất nước nhưng nó vẫn chỉ chiếm 12% khoản đầu tư cần thiết để thực hiện các cam kết Net Zero của mình vào năm 2050 theo Quy hoạch phát triển điện lực VIII.

 

Đối với nhiều nhà quan sát, JETP là bàn đạp để thu hút thêm đầu tư tư nhân bằng cách xây dựng một loạt chính sách toàn diện trong nước và cải thiện thể chế nhằm tạo môi trường hấp dẫn cho đầu tư, phát triển những dự án năng lượng tái tạo có carbon thấp cũng như sự thích ứng rộng rãi hơn của xã hội để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, đào tạo lại lực lượng lao động và xây dựng những thành phố hiện đại có carbon thấp.

Nếu Việt Nam có chiến lược và kế hoạch phù hợp cho JETP sẽ mở đường cho các hỗ trợ trong tương lai đến năm 2050. Điều đó có nghĩa là không chỉ xem xét kỹ lưỡng việc quản lý nhận thức bên ngoài về rủi ro đầu tư vào Việt Nam và các rào cản tiềm ẩn đối với đầu tư, mà còn phải chủ động tiếp thị Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn, an toàn và ít rủi ro cho nhà đầu tư.

Chìa khóa dẫn đến thành công
Vẫn còn sớm cho JETP ở Việt Nam nhưng 2 chìa khóa dẫn đến thành công và đầu tư tiếp theo sẽ là (1) Tiếp tục cải cách: tạo ra một hệ sinh thái tài chính, đầu tư và thương mại nhằm thu hút đầu tư, đơn giản hóa các quy trình phê duyệt, đồng thời mang lại bộ đệm trước rủi ro dài hạn; (2) Tiếp thị Việt Nam ra quốc tế: một chương trình tiếp thị toàn cầu nhằm đảm bảo các nhà đầu tư tiềm năng tiếp cận được thông tin và ra quyết định đầu tư. Việc khắc phục những nhận thức tiêu cực cố hữu về Việt Nam cần phải được giải quyết như một phần của nỗ lực này.

 

Đối với ưu tiên hàng đầu, cải cách chính sách và quy định hiện hành nhằm tăng sự quan tâm và niềm tin của nhà đầu tư, các lĩnh vực chính sau đây đã được các nhà đầu tư, nhà phân tích và quan sát viên xác định, bao gồm cả Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Cần nhìn vào thực tế là nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về chương trình Giá bán điện (FIT) cho các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam được áp dụng từ năm 2017. PPA tiêu chuẩn trao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyền ngừng mua hàng trong thời gian không xác định, điều này không phù hợp với thông lệ tốt nhất trên toàn cầu.

Các công ty Việt Nam đã có thể giảm thiểu rủi ro này bằng cách hợp tác với những bên liên quan, điều mà các công ty quốc tế khó tiếp cận hơn. Điều này dẫn đến hầu hết các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng công suất năng lượng tái tạo cần thiết cần có sự hỗ trợ của quốc tế, bất chấp những tiến bộ đã đạt được cho đến nay. Cụ thể hơn, một nửa trong số vốn 15,5 tỉ USD cam kết cho JETP dự kiến sẽ đến từ các ngân hàng thương mại. Chỉ những ngân hàng chấp nhận PPA của Việt Nam với các điều khoản hiện hành mới chấp thuận đầu tư và giải ngân vốn.

FIT là một công cụ hiệu quả để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng một khi thị trường điện đã được hình thành hoàn chỉnh, việc để thị trường tự định giá là điều hợp lý. Rất nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra tại COP28 về tầm quan trọng của việc loại bỏ trợ cấp để khuyến khích đầu tư và xây dựng các hệ thống bền vững theo định hướng thị trường.

Bộ Công Thương đã nghiên cứu phát triển thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) từ năm 2012, nhưng đến nay thị trường phát điện mới hoàn thiện một phần, năng lượng tái tạo bị loại do giá FIT và đơn giá cao. Thị trường bán buôn vẫn đang trong quá trình hình thành, còn thị trường bán lẻ chưa có. Cần tập trung phát triển toàn diện thị trường điện, đặc biệt là thị trường phát điện, để xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư về tình trạng bất ổn giá. Dự thảo Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp đang được Chính phủ xem xét để thí điểm có thể đưa ra giải pháp vượt qua rào cản này và để phù hợp hơn với các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu.

Vượt qua rào cản chính sách
Việc đăng ký một dự án mới có sự tham gia của nhiều phòng ban từ khâu phê duyệt dự án ban đầu đến việc lồng ghép vào quy hoạch cấp tỉnh cho đến cấp phép đất đai... Quá trình này có thể khó điều hướng đối với các nhà đầu tư quốc tế nếu không có kết nối địa phương. Các nhà đầu tư đã nhận xét về sự thiếu minh bạch, thống nhất và nhất quán trong những chính sách và quyết định của Chính phủ đối với các dự án thương mại. Khó khăn trong việc thu hồi đất, cơ sở hạ tầng kém và thiếu lao động có tay nghề cũng được nêu ra, trong khi mối lo ngại về tham nhũng vẫn tồn tại dù Việt Nam đang hành động quyết liệt về vấn đề này.

 

Tuy nhiên, ngay cả những chính sách và quy định hấp dẫn nhất cũng không khiến các nhà đầu tư kéo đến xếp hàng dài trước cửa. Có rất nhiều chương trình và sáng kiến đầu tư cạnh tranh liên quan đến các ngân hàng quốc tế, chính phủ, tổ chức đa phương và nhà đầu tư, tất cả đều liên quan đến tài trợ khí hậu và nhiều chương trình đang cạnh tranh để giành được cùng một nguồn tài trợ, đặc biệt là các chương trình JETP ở Nam Phi, Indonesia và nhiều chương trình JETP khác sẽ sớm được công bố.

Kế hoạch Huy động nguồn lực JETP được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại COP28 đã ghi nhận rõ ràng về việc tư vấn cho các bên liên quan trên toàn quốc nhằm tạo điều kiện phát triển các kế hoạch toàn diện mang lại lợi ích cho xã hội cũng như xây dựng sự hiểu biết và hỗ trợ. Điều này cần được kết hợp với định vị Việt Nam trên thị trường quốc tế như một điểm đến hấp dẫn có rủi ro thấp. Công ty tư vấn FTI đã tham gia vào một số chương trình để đạt được điều đó ở nhiều quốc gia khác nhau, hợp tác chặt chẽ với chính quyền trung ương và thành phố cũng như các bên liên quan khác.

Việt Nam có lợi thế nhờ thành tích 35 năm thu hút FDI thành công, đóng góp 70-80% thu nhập xuất khẩu hằng năm của cả nước (không bao gồm dầu thô). Ưu tiên chiến lược của Chính phủ nhằm thu hút FDI chất lượng là minh chứng cho cam kết trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa vào năm 2045. Với sự hiểu biết sâu sắc về lợi ích và hạn chế của các quy định quản lý đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, khả năng Chính phủ sẽ đưa ra quyết định cân đối các ưu tiên thúc đẩy ngành năng lượng hướng tới đạt mục tiêu Net Zero trong khi vẫn duy trì mức độ hấp dẫn về chi phí với tư cách là một trung tâm sản xuất hướng đến xuất khẩu.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới