Hủy
Phát triển bền vững

Tình người trong tình thế

Quyên Phạm Thứ Ba | 01/02/2022 07:30

Chúng ta đã san sẻ trước hết là vì tình thế nhưng sau đó sự chia sẻ trở thành một đòi hỏi để cùng tồn tại, cùng phát triển.
 

Theo khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), có tới 77% người trong nhóm được khảo sát ở Việt Nam cho biết “họ bị mất thu nhập” và 1 trên 5 người “mất thu nhập toàn bộ” sau một năm dịch bệnh.

Đằng sau các con số là những cảnh đời lao động tha hương cầu thực, trong những ngày cùng quẫn phải đi bộ hàng trăm km về quê, là những công nhân ở trọ mất việc làm, không một đồng dính túi, phải trông chờ miếng cơm, chai nước từ thiện để duy trì sự sống.

Trong những thời điểm TP.HCM tê liệt vì dịch bệnh, vì các lệnh giãn cách nghiêm ngặt, cùng với chính quyền, người dân đã tìm mọi cách để giúp nhau vượt qua hoạn nạn. Dịch bệnh làm mọi người phải giữ khoảng cách với nhau nhưng tình người thì bừng sáng và lại gần nhau hơn.

Những siêu thị 0 đồng, ATM gạo, bình trà đá miễn phí, quán cơm 0 đồng, cửa hàng rau miễn phí... ngay lập tức xuất hiện ở mọi ngóc ngách của Sài Gòn. Những đoàn thiện nguyện ngày đêm trao quà, thuốc men, thực phẩm, sữa cho trẻ nhỏ, bình oxy cho người bệnh nặng... Tất cả khiến người dân gần nhau hơn trong nghĩa cử đồng bào và giúp thành phố “giảm đau” trước những thiệt hại rất lớn về người và của.

Đáng chú ý, dịch bệnh là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với xã hội. Theo công bố của Bộ Tài chính, nguồn tiền để dành mua vaccine khoảng 22.000 tỉ đồng, trong đó hơn 8.000 tỉ đồng do người dân, doanh nghiệp đóng góp và nhiều nhất vẫn là khối doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp còn góp sức bằng những nguồn lực sẵn có của họ như sân vận động, phương tiện vận chuyển, thiết bị, nhân viên y tế... Họ cho thấy sự hiệu quả và cần thiết trong việc chung tay cùng chính quyền ứng phó với những tình huống khẩn cấp cũng như giải quyết khó khăn chung.

 

Sự nghiệt ngã của dịch bệnh cho thấy, trách nhiệm xã hội (CSR) không chỉ đơn thuần là từ thiện, mà còn là định hướng để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, quan tâm hơn đến khách hàng và cộng đồng. Như ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sun Group, cho biết: “Ở thời điểm này, hỗ trợ đất nước và các địa phương phòng chống dịch cũng là cách để doanh nghiệp tự cứu mình”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Masan, đã nói với nhân viên của mình: “Masan không chỉ là doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần mà còn có nghĩa vụ bảo đảm an ninh lương thực, phụng sự nhân dân, đồng hành cùng đất nước vượt qua và đẩy lùi đại dịch”.

Đại dịch và thời gian giãn cách xã hội chính là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại hoạt động CSR cũng như nhìn lại cả chiến lược kinh doanh và sản xuất của họ trong tầm nhìn phát triển bền vững.

Ngày càng có nhiều công ty trên toàn cầu và tại Việt Nam đang đưa những vấn đề xã hội, môi trường và đạo đức vào hoạt động và chiến lược kinh doanh của mình. Họ đã nhận thấy, về lâu dài, lợi nhuận và lợi tức đầu tư của công ty phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn, bao hàm những vấn đề về kinh tế, xã hội và trách nhiệm của công ty. Họ tự nguyện theo đuổi các mối quan tâm xã hội và môi trường, ngoài những yêu cầu theo quy định pháp luật, từ các vấn đề môi trường cho đến tham gia và phát triển cộng đồng.

 

Theo chuyên gia kinh tế Michael E. Porter và Mark R. Kramer, trên thế giới nhiều công ty đã chú trọng hoạt động từ thiện như một thế mạnh để tối đa hóa giá trị kinh tế và xã hội, cũng là cải thiện tiềm năng cạnh tranh lâu dài của doanh nghiệp. Đánh bóng hình ảnh bằng số tiền tài trợ ấn tượng cũng có ích nhưng doanh nghiệp có thể và cần làm hơn thế nữa để tác động đáng kể, sâu sắc làm thay đổi các vấn đề xã hội.
Bà Ruth Shapiro, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Từ thiện Phát triển châu Á, cho biết: “Trong vòng 2 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều khó khăn, thách thức trên phạm vi toàn thế giới. Theo nghiên cứu, khảo sát gần đây của chúng tôi và MSD thực hiện, Việt Nam đang thực hiện khá tốt trong việc thành lập các hội đồng tổ chức phát triển xã hội dựa trên kinh nghiệm của các doanh nghiệp”.

Chia sẻ về mô hình hợp tác giữa tổ chức xã hội và doanh nghiệp, bà Hooyung Young, Phó Chủ tịch United Way Worldwide, phụ trách khu vực Đông Nam Á, Nhật và Hàn Quốc, cho biết: “Ở châu Á, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế và ngày càng quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề xã hội. Đây là một sự chuyển biến có xu hướng rõ ràng và thích ứng với bối cảnh của thời đại mới, với yêu cầu của thích ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu”.

Chúng ta đã san sẻ trước hết là vì tình thế nhưng sau đó sự chia sẻ trở thành một đòi hỏi để cùng tồn tại, cùng phát triển. Người dân có cơ sở chính đáng để kỳ vọng khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là đối tác của cả chính phủ và cộng đồng. Hợp tác này có thể tạo ra sự khác biệt thực sự và tìm ra các phương pháp mới và hiệu quả hơn để giải quyết những vấn đề xã hội cấp bách nhất.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới