Hủy
Bảo vệ - Bảo tồn

Biệt đãi bóng đá: Nên hay không?

Hoài Sa Thứ Bảy | 26/08/2017 10:51

golfchannel.com

Xã hội hóa thể thao cũng đồng nghĩa với việc kêu gọi nguồn vốn từ doanh nghiệp để phát triển, thay vì ngồi chờ bầu sữa ngân sách vốn luôn eo hẹp.
 

Cứ mỗi mùa SEA Games là y như rằng sẽ lại có cả dàn đồng ca, từ chuyên gia, báo chí cho đến dư luận trên mạng xã hội đòi hỏi quyền lợi cho các vận động viên thể thao thành tích cao, cho rằng việc dồn sự chú ý quá lớn cho đội tuyển bóng đá là bất công với các môn thể thao khác. Đặc biệt, khi đội tuyển bóng đá nam đã phải rời SEA Games quá sớm.

SEA Games 29 đang diễn ra đương nhiên cũng không phải là ngoại lệ. Cứ mỗi lần đội tuyển U22 Việt Nam ra sân là gần như mọi hoạt động liên quan đến giải đấu ở Malaysia đều “đóng băng”, cho dù cùng thời điểm đó còn rất nhiều vận động viên của các môn thể thao khác cũng đang tranh tài.

Hãn hữu mới có những vận động viên thể thao khác “cạnh tranh” được với đội tuyển bóng đá về mức độ quan tâm, chẳng hạn như xạ thủ giành huy chương vàng Olympic Hoàng Xuân Vinh hay kình ngư từng giành 8 huy chương vàng SEA Games 28 Nguyễn Thị Ánh Viên. Song theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn SEA Games 29, đoàn Việt Nam có tới 471 vận động viên (211 nữ, 260 nam), ai cũng đổ mồ hôi nước mắt suốt mấy năm qua vì mục tiêu chung giành vinh quang về cho Tổ quốc.

Thế nên, việc chỉ dành sự quan tâm cho bóng đá nam, với 20 thành viên thì rõ ràng là điều không công bằng cho lắm. Hơn nữa, nếu như đội tuyển bóng đá nam được hứa thưởng rất lớn từ trước khi lên đường, từ vài tỉ đồng đến hàng chục tỉ đồng nếu như giành huy chương, thì hầu hết các vận động viên thể thao khác chỉ nhận được khoản “cứng” từ Nhà nước. Theo đó, mỗi tấm huy chương vàng sẽ được thưởng 35 triệu đồng, cộng thêm một số hiện vật từ các nhà tài trợ chung cho cả đoàn.

Biet dai bong da: Nen hay khong?

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra thì đấy lại là điều hết sức bình thường. Còn nhớ, hồi Olympic 2008, đội tuyển bóng đá nam Ý từng bị dư luận nước này chỉ trích nặng nề khi được đi hẳn chuyên cơ riêng dù bị loại từ sớm, trong khi các ngôi sao thể thao khác phải đi máy bay thương mại, hoặc nhồi nhét trên chuyến bay chung. Việt Nam có vẻ chưa quen với điều ấy, bất chấp việc lâu nay chúng ta vẫn luôn kêu gọi “xã hội hóa thể thao”.

Ai cũng hiểu bóng đá là môn thể thao “vua”, thu hút sự quan tâm lớn nhất. Xã hội hóa thể thao cũng đồng nghĩa với việc kêu gọi nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp để phát triển, thay vì ngồi chờ bầu sữa ngân sách vốn luôn eo hẹp. Doanh nghiệp thì luôn nghĩ đến hiệu quả. Họ bỏ tiền đầu tư cho thể thao để quảng bá thương hiệu, nên nếu chi tiền cho đội tuyển đấu kiếm chẳng hạn, thì liệu tên tuổi doanh nghiệp đó có được khuếch trương tương xứng với số tiền bỏ ra?

Việt Nam đang nỗ lực tranh thủ vận động các nước công nhận có nền kinh tế thị trường. Nhưng dường như tư duy bao cấp vẫn ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ. Vì thế, một khi thể thao vận động theo nguyên tắc thị trường thì chúng ta cũng phải chấp nhận những “bất công” như vậy.

Điều đáng nói nhất chính là vai trò điều tiết của Nhà nước, mà ở đây là Tổng cục Thể dục Thể thao, sao cho có chế độ đãi ngộ tốt nhất từ bầu sữa ngân sách dành cho những môn thể thao ít nhận được tài trợ từ các doanh nghiệp. Hoặc tránh đầu tư dàn trải, chỉ tập trung trọng điểm cho các môn Olympic để dễ dàng kêu gọi nguồn tài trợ, đồng thời phát triển thể thao học đường thay vì nuôi gà nòi.

Nhưng đó là chuyện ở tầm vĩ mô. Còn giờ, cứ có SEA Games là có bất công. Không thể nào khác được.

Hoài Sa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới