Hủy
Bảo vệ - Bảo tồn

Toyota bye bye V-League!

Hoài Sa Thứ Tư | 03/01/2018 10:30

 
 
Chỉ sau 3 mùa giải, Toyota đã dừng tài trợ cho giải vô địch Việt Nam

Trên lý thuyết, V-League được coi là giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất trong khu vực. Hai mùa giải liên tiếp, ngôi quán quân chỉ được quyết định ở vòng đấu cuối cùng. Ở giải vừa kết thúc, thậm chí có tới 4 đội bóng tham gia cuộc đua tới tận phút chót. Ấy vậy mà chỉ sau 3 mùa giải, Toyota đã dừng tài trợ cho giải vô địch Việt Nam.
Gần như cùng lúc chia tay với V-League, hãng xe hơi Nhật lại chi đậm cho giải vô địch Thái Lan.

Theo thông tin được đăng tải trên trang web của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), hợp đồng mới giữa Thai-League và Toyota lên tới 19,76 triệu USD trong vòng 4 năm. Trong khi đó, dù không công khai, nhưng con số “rò rỉ” mà Toyota tài trợ cho V-League trong bản hợp đồng 3 năm mới kết thúc chỉ là 1,76 triệu USD mỗi mùa. Nghĩa là tiền tài trợ của Thai-League trong một mùa giải bằng tới 3 mùa giải ở V-League. Đấy là chưa kể, thời hạn hợp đồng của hãng xe hơi Nhật với Thai-League cũng dài hơn hợp đồng với V-League.

Những nguồn thạo tin nói rằng nguyên nhân chính là do hai bên không đi đến được thống nhất về số tiền, VPF muốn tăng lũy tiến, còn Toyota muốn giữ nguyên. Nhưng có điều không cần đến ai xác nhận thì người hâm mộ nào cũng thấy rõ là hình ảnh của V-League không “lung linh” như những lời tán dương.

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt câu hỏi rằng bóng đá nội có còn tình trạng nhường điểm hay không; hay tại sao nhà vô địch V-League không được tham dự AFC Champions League. Đấy là chưa kể, công tác tổ chức, đặc biệt là công tác trọng tài còn quá nhiều lấn cấn, đến mức VPF phải mời trọng tài ngoại điều khiển những trận đấu được cho là then chốt.

Toyota bye bye V-League!

Đành rằng 2017 được coi là năm thành công của các đội tuyển quốc gia, từ bóng đá trẻ cho tới bóng đá nữ, nhưng giải vô địch chuyên nghiệp mới là xương sống của nền bóng đá. Chừng nào giải vô địch Việt Nam chưa giải quyết được hàng loạt tồn tại kể trên thì thật khó mà nói đến chuyện so kè với Thai-League.

Dù cũng đối mặt với nhiều vấn đề, điển hình là vụ trọng tài bị bắt ngay sau khi được mời sang điều khiển một trận đấu ở V-League, song Thai-League vẫn được coi là hình mẫu về công tác tổ chức cũng như chất lượng chuyên môn. Mạng xã hội Việt Nam từng xôn xao với đoạn clip ghi cảnh hàng vạn cổ động viên Thái đi cổ vũ cho đội nhà trong một trận đấu ở giải vô địch Thái Lan, vừa cuồng nhiệt nhưng cũng rất kỷ luật. Thái độ của cổ động viên chính là sự bảo chứng tốt nhất cho sức khỏe của một giải đấu.

Cũng cần nói thêm là trong khi V-League mất nhà tài trợ chính, nhiều đội bóng lại ký được các hợp đồng tài trợ tầm cỡ với những thương hiệu từ... Thái Lan. Chẳng hạn, Hà Nội FC ký hợp đồng với SCG hay một đội bóng ở giải hạng Nhất như Đồng Tháp FC ký hợp đồng với Grand Sport. Những người trong cuộc đều khẳng định, không chỉ khả năng vận động tài trợ, mà công tác tổ chức tạo sự minh bạch, bền vững mới là lý do chủ yếu giúp họ kiếm được những bản hợp đồng ấy.

Rõ ràng, đã đến lúc giải vô địch Việt Nam phải nhìn lại chính mình, nếu không muốn thấy những thương hiệu lớn cứ đội nón ra đi


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới