Hủy
Phong Cách Sống

Người Việt mê uống bia, quên đọc sách

Phan Lê Chủ Nhật | 27/08/2023 08:42

Mỗi năm, một người Việt đọc 6 quyển sách nhưng cả nước chi hơn 6 tỉ USD tiền mua bia.
 

Mức tiêu thụ bia của Việt Nam chiếm 2,2% thị trường toàn cầu, ở mức 3,8 triệu lít bia hằng năm. “Thành tích” này khiến Việt Nam dẫn đầu khu vực ASEAN, thứ 3 châu Á và đứng thứ 9 trên thế giới về tiêu thụ bia trong năm 2022, theo kết quả khảo sát của VIRAC Research.

Những con số trên khá phù hợp với kết quả khảo sát của Heineken. Hãng sản xuất bia của Hà Lan ước tính giá trị doanh số bán lẻ thị trường bia của Việt Nam đạt 11 tỉ euro (12,07 tỉ USD) trong năm 2022. Người Việt chi hơn 153.000 tỉ đồng (6,53 tỉ USD) cho việc uống bia nhưng chỉ chi hơn 4.000 tỉ đồng cho việc đọc sách trong năm qua.
Nghịch lý này nói lên điều gì về thói quen, lối sống của người Việt?

Thà uống bia hơn làm mọt sách?

 

Kết quả của một cuộc khảo sát nhanh do NCĐT thực hiện cho thấy hơn 80% người được phỏng vấn cho biết, họ không hề ngạc nhiên khi biết người Việt uống bia nhiều hơn đọc sách. “Chỉ cần đi một vòng quanh các tuyến đường đông đúc tại TP.HCM, mọi người dễ dàng nhận thấy quán bia, quán nhậu mọc lên khắp nơi trong khi số lượng cửa hàng sách, thư viện hầu như rất hiếm”, anh Trần Thanh Hoài (33 tuổi), nhân viên IT ở quận 3, cho biết.

Cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc uống bia và đọc sách thuộc 2 phạm trù khác nhau, không nên so sánh sẽ tạo nên sự khập khiễng. Tuy nhiên, hãy nhìn vào số liệu thống kê để thấy nghịch lý này bỗng dưng... có lý.

Tại Trung Quốc và Nhật, 2 quốc gia dẫn đầu châu Á về tiêu thụ bia, tỉ lệ đọc sách trên đầu người lần lượt là hơn 10 và 20 đầu sách mỗi năm. Trong khi đó, Việt Nam, quốc gia đứng thứ 3 châu Á về tiêu thụ bia, tỉ lệ đọc năm 2022 lần đầu cán mốc 6 quyển/người/năm, thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hơn 50% sách được đọc là sách giáo khoa, sách tham khảo.

Nghịch lý này phần nào phản ánh được thói quen và nhu cầu chi tiêu của người Việt. “Trong tất cả các nhu cầu cần thiết, ăn uống, giải trí được đặt lên hàng đầu. Sách vở được xếp sau cùng. Nếu như chi tiêu bị ảnh hưởng thì sách là mặt hàng được xếp vào diện cắt giảm đầu tiên”, chị Nguyễn Chiều Xuân, nhà sáng lập Lion Books, chia sẻ.

Chị Nguyễn Thanh Hà, chủ một hiệu sách trên đường Trần Nhân Tôn (quận 10, TP.HCM), cho biết chị đã chứng kiến không ít người sẵn sàng chi hàng triệu đồng mua quần áo, mỹ phẩm nhưng một cuốn sách vài trăm ngàn thì cầm lên đặt xuống, đắn đo rất lâu.

Lý giải về thói quen thích uống bia hơn đọc sách, anh Lê Hoàng Minh (25 tuổi), nghiên cứu sinh tại Mỹ, cho rằng đó là tâm lý thường thấy ở con người. Tuy nhiên, sâu xa hơn, cần nhìn lại triết lý giáo dục của người Việt. Từ xưa đến nay, việc học hay đọc nặng về quan niệm học để kiếm tiền, để thành đạt.

“Xã hội phát triển hơn, nhu cầu về vật chất cao hơn, mối quan tâm của con người với xung quanh tự thu hẹp lại. Khi ấy, họ sẽ không có động lực nhìn ra thế giới bên ngoài và việc đọc do đó trở nên không còn hấp dẫn nữa. Lâu dần, thói quen này sẽ tạo nên sự thiếu hụt về tinh thần, đấu đá, cạnh tranh nhau và nhiều hệ lụy khác trong hành xử”, anh Minh cho biết thêm.

Mọt sách trong thế giới số 

“Hiện nay trẻ em hầu hết đều hứng thú với các thiết bị công nghệ điện tử, cầm điện thoại di động, máy tính bảng xem YouTube hơn là đọc sách. Bố mẹ muốn trẻ có hứng thú với việc đọc sách thì nên thường xuyên dẫn con đi nhà sách, mua cho bé sách phù hợp, dành thời gian đọc sách cùng trẻ và trong nhà nên có nhiều sách. Có thể yêu cầu con dành thời gian đọc sách cố định thì mới cho con cầm điện thoại tương ứng”, ông Trung Nghĩa, Đại sứ Văn hóa đọc 2023 tại TP.HCM, nói.

 

Ông Nghĩa cũng cho rằng, mạng xã hội và internet phát triển khiến thói quen đọc của người Việt thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. “Mọi người có thể đọc thông tin và tiếp nhận tri - kiến thức đa dạng, phong phú hơn bên cạnh sách giấy. Người đọc sách hôm nay có thể là đọc sách nói, sách điện tử và các thông tin từ nhiều nền tảng. Trong thời chuyển đổi số, thói quen đọc của người Việt đã, đang và sẽ còn tăng lên rất nhiều nếu ta không nghĩ bó hẹp là đọc theo kiểu truyền thống qua sách in”.

Hơn 61 triệu người Việt dùng thiết bị thông minh là thử thách nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội cho các công ty làm sách. Bên cạnh cửa hàng vật lý, các đơn vị làm sách mở gian hàng tại các sàn thương mại điện tử, bán trực tuyến qua website.

Không chỉ có sách in, họ còn có các đầu ebook, sách nói, thậm chí tràn lên mạng xã hội như Facebook, TikTok... “Ở các video dạng ngắn trên các nền tảng, chúng tôi không đặt mục tiêu bán hàng mà hy vọng những thông tin được chia sẻ sẽ thu hút nhiều người đọc hơn, đặc biệt là người đọc trẻ có thói quen dùng thiết bị thông minh”, bà Nguyễn Thủy Hằng Giang, Giám đốc Dong A Books, chia sẻ.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ, khẳng định, bất kỳ lứa tuổi nào cũng cần phải đọc và việc đọc nên bắt đầu từ khi còn bé, phải luôn được duy trì trong suốt cuộc đời không ngừng nghỉ.

Trong khi chờ đợi những chính sách vĩ mô hiệu quả thì việc khuyến đọc và thay đổi triết lý giáo dục từ gia đình, nhà trường và nỗ lực của các công ty làm sách là những tia hy vọng mới.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới