Hủy
Phong Cách Sống

Những tiếng nói “lạ” của mỹ thuật đương đại

Phan Lê Thứ Ba | 15/08/2023 08:35

Tranh của họa sĩ Ngô Đồng.

Nhiều họa sĩ Việt Nam ưa chuộng, 2 họa sĩ Ngô Đồng và Ty đã góp thêm những tiếng nói mới, lạ vào mỹ thuật Việt đương đại.
 

Không hẹn mà gặp, cuối tháng 5 đầu tháng 6, trong 2 không gian triển lãm khác nhau, họa sĩ Ngô Đồng và họa sĩ Ty (tên thật Mai Hoàng Minh) đã giới thiệu những sáng tác mới nhất, lần đầu tiên hoặc lần cuối của họ đến công chúng.

Cảm hứng từ biển cả

Họa sĩ Ty (1960-2023) bắt đầu vẽ từ cuối những năm 90. Trong khi rất nhiều họa sĩ giai đoạn này chuộng vẽ cây đa, giếng nước, mái đình hay áo dài thì Ty - một họa sĩ tự học, không qua trường lớp - lại thử nghiệm với nhiều đề tài khác nhau như tình yêu đôi lứa, tình gia đình, sự cô đơn của con người... Mãi đến năm 2010, Ty bỗng dưng thích đi câu. Cuộc hội ngộ với biển đã mở ra một cánh cửa khác cho anh. Từ đó, Ty dành nhiều thời gian lênh đênh trên biển cùng ngư dân, ăn, ngủ, nghỉ cùng họ, vui nỗi vui của họ và đau nỗi đau của họ. Cá, tàu, ngư dân, những chiếc nón lá bạc màu, những đôi quang gánh, những chiếc đèn dầu hay bát cơm của con người đầy nét khắc khổ trở thành chủ đề chính trong tranh Ty.

Hình ảnh người và vật trong tranh Ty được thể hiện bằng những nét cọ đơn giản, nghịch ngợm và khỏe khoắn, họa tiết được cách điệu, tối giản hóa khiến người xem liên tưởng đến sự gân guốc, bươn chải của người dân vùng biển. Sắc màu sặc sỡ trong tranh Ty thường tương phản với tạo hình nhân vật với bàn tay xương xẩu, hàm răng to lởm chởm hay những chiếc nón lá, quang gánh... vốn gần với phong cách tranh hí họa, tạo thành một phong cách riêng biệt, rất hiếm thấy ở các họa sĩ Việt Nam cùng thời. Đại diện phòng tranh Lotus Gallery nhận định, tranh Ty để lại sự suy ngẫm, thậm chí nỗi ám ảnh trước đời sống dữ dội của ngư dân, nhưng cũng có những bức êm đềm, mơ mộng và lấp lánh hy vọng.

Tranh của họa sĩ Ty.
Tranh của họa sĩ Ty.

Tại “Biển và Ty”, triển lãm mới nhất của Ty do Lotus Gallery tổ chức tại C. Space Design Complex (quận 7), 43 bức tranh đã kể một câu chuyện đầy sắc màu và thanh âm về biển cả, con người vùng duyên hải miền Trung. Góc xúc động nhất có lẽ là những tấm bưu thiếp lưu bút của các nhà sưu tập từ khắp nơi trên thế giới gửi về, nắn nót tình cảm dành cho họa sĩ. Đến nay, Ty có hơn 1.000 tranh quanh chủ đề biển và đời sống ngư dân, phần lớn trên chất liệu sơn dầu và acrylic. Anh có hơn 10 triển lãm chung và riêng thực hiện trong, ngoài nước. Tranh của Ty đặc biệt được nhiều nhà sưu tập nước ngoài yêu thích. Nhưng Ty đã ra đi vĩnh viễn, ngay trên chiếc thuyền lênh đênh giữa biển, trong vòng tay những ngư dân mà anh yêu quý.

40 năm tổ chức triển lãm solo đầu tiên

Họa sĩ Ngô Đồng học vẽ từ những năm 1975. Ông đặc biệt thích xu hướng tranh hiện thực và siêu thực, lấy cảm hứng từ cuộc sống thực tế, với mong muốn để mọi người dễ dàng cảm nhận điều ông muốn diễn đạt mà không cần phải suy ngẫm phức tạp. Ông cảm thấy chỉ có thiên nhiên, cuộc sống hằng ngày sống động bên ngoài mới thật sự đẹp, như cảnh một cô gái chạy xe máy tóc bay trong gió, ánh trăng bên kia, mặt nước lấp lánh dưới ánh mặt trời, tất cả đều làm cho thế giới trở nên phong phú vô hạn. Ông cũng tâm sự, vùng đất ảnh hưởng nhiều nhất đến ông là Sài Gòn. “Đi đâu cũng chỉ thích về Sài Gòn, vẫn muốn vẽ về Sài Gòn”, ông nói.

 

83 bức tranh sơn dầu trong triển lãm Hiện Thực Đa Chiều lần này của Ngô Đồng sử dụng bút pháp hiện thực ảnh (photorealism), mô tả tỉ mỉ, sống động và sắc nét các chi tiết trên bề mặt canvas dựa trên các bức ảnh chụp - một trào lưu nghệ thuật đại chúng phát triển mạnh tại Mỹ vào cuối những năm 60, đầu 70 thế kỷ trước. Mặc dù vậy, tranh Ngô Đồng lại mang đến góc nhìn khác, đa diện hơn khi thiết lập những không gian được đồng hiện trên cùng một bức tranh.

“Không chuyên chú khai thác một chủ đề chân dung, phong cảnh, hoặc một chủ thể con người để tạo nên đặc điểm nhận dạng hay dấu ấn phong cách như các đồng nghiệp cùng trường phái hiện thực, họa sĩ Ngô Đồng xây dựng nét riêng trong nghệ thuật bằng quan điểm thẩm mỹ nhất quán dù lựa chọn rất nhiều chủ đề từ mềm mại đến gai góc của cuộc sống. Khi nhìn nhận về cái đẹp, họa sĩ cho thấy sự hòa mình vào nhịp sống thời đại, chịu khó quan sát, tiếp xúc, lắng nghe giới trẻ và nhạy bén nắm bắt cuộc sống xung quanh. Tất cả đã hình thành nên một phong cách hiện thực bình dị tràn đầy niềm vui và tươi mới những sắc màu. Trọng tâm của xã hội thu nhỏ trong các tác phẩm của họa sĩ đều thuộc về thế hệ trẻ, thế hệ của hiện tại và tương lai”, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan nhận định.

Hiện thực đa chiều của Ngô Đồng vì vậy được giới chuyên môn đánh giá là một làn gió hiện thực mới, đầy sức sống trẻ trung và nhịp thở thanh xuân như tâm hồn họa sĩ, dù sau 40 năm cầm cọ, ông mới có triển lãm solo đầu tay.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới