Quyền lực đích thực
Quyền Lực Đích Thực chuyển ngữ từ nguyên tác The Art of Power. Đây được xem là liều thuốc tinh thần cho doanh giới với thông điệp khá sâu sắc: Ngưng chạy theo quyền hành, tiền tài, danh vọng và sắc dục.
Mở đầu bằng câu hỏi lớn, cũng là chủ đề của cuốn sách: Quyền lực có ý nghĩa là gì? Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đồng thời khẳng định, xã hội chúng ta đang được xây dựng trên một khái niệm rất hẹp về quyền lực. Đó là giàu có, sung túc, thành công nghề nghiệp, danh tiếng, sức khỏe, sức mạnh quân sự và quyền năng chính trị. Đó có phải là tất cả yếu tố mà khi hội đủ, chúng ta thỏa mãn được chính mình? Câu trả lời là không. Theo thiền sư, đời sống còn có một thứ quyền lực vượt bậc, là quyền lực giúp ta thoát khỏi những ám ảnh của mê đắm, sợ hãi, tuyệt vọng. Quyền lực ấy có thể giúp con người trấn ngự được những kỳ thị, sân hận, ngu dốt. Và quyền lực ấy cũng giúp ta đạt hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
Sinh năm 1926 tại Thừa Thiên, Huế, năm 16 tuổi, thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia ở chùa Từ Hiếu, nơi ông thọ giáo với thiền sư Thanh Quý Chân Thật. Ông tốt nghiệp Phật học Viện Báo Quốc, Huế và tu học thiền theo trường phái Đại thừa của Phật giáo và chính thức trở thành nhà sư vào năm 1949. Thiền sư đã đến Mỹ nhiều lần để diễn thuyết và giảng dạy về Phật giáo tại Viện Đại học Princeton, Viện Đại học Cornell và sau này giảng dạy tại Viện Đại học Columbia.Không định danh chính xác quyền lực nhưng bằng những chỉ dẫn cụ thể, quyển sách mang đến người đọc những thực tập đơn giản, thiết thực và hữu hiệu để có thể đạt được quyền lực đích thực. Đó chính là tự do, hạnh phúc mà tất cả chúng ta đều mong muốn, nơi đây, ngay bây giờ, cho chính chúng ta, cho gia đình, cộng đồng, xã hội. Thứ quyền lực tâm linh ấy, theo tác giả, khi chúng ta chú trọng và xây dựng nó, lòng từ bi cũng sẽ phát khởi, sẽ trở thành mục đích của ta trong quá trình làm việc, bên cạnh mục đích tối hậu là cầu lợi. Không phủ nhận những cố gắng trong việc tạo ra giá trị kinh tế, sách khuyến khích người đọc nỗ lực lao động nhưng phải lao động trong tỉnh thức. Nghĩa là, biết việc mình làm, không sa đà, ôm đồm và bất chấp. “Tạo dựng quyền lực chân thực đâu cần phải khước từ cuộc sống cao sang. Bạn sẽ sống thỏa mãn hơn, sẽ cảm thấy thảnh thơi hơn, hạnh phúc khi đem niềm vui tới cho người và giúp người bớt khổ”, thiền sư nói.
Từng được đề cử cho Giải Nobel Hòa bình, thiền sư được xem là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây. Tờ New York Times nhận định, trong số các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở Tây phương, thiền sư Thích Nhất Hạnh được xếp vào vị trí thứ 2, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Nữ nhà văn, tác giả, tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học người Mỹ, nổi tiếng với tác phẩm Ăn, Cầu nguyện, Yêu, Elizabeth M. Gilbert cho rằng, thiền sư Thích Nhất Hạnh là một sứ giả của hòa bình. “Người đàn ông Việt Nam nhỏ nhắn này đã thu hút chúng tôi từng người một vào tĩnh lặng của ông. Hay có lẽ chính xác hơn nếu nói thầy đã đưa từng người của chúng tôi vào trong yên tĩnh của chính mình, vào trong an tịnh mà mỗi người chúng tôi vốn đã sở đắc nhưng chưa khám phá hay khẳng định”, Elizabeth M. Gilbert nói.
Những tác phẩm, bài giảng của thiền sư nhiều năm qua soi rạng cho người đọc sự cao quý khuất lấp của chính mình. Quyền Lực Đích Thực là một trong những cuốn sách như vậy. Sách do Phương Nam Books, Nhà Xuất bản Tri Thức ấn hành
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Kim Dung - Thanh Hằng
-
Minh Đức