Hủy
Sách hay

Chiến lược kinh doanh phi thường của hãng smartphone thứ 3 thế giới

Lê Phan Thứ Hai | 09/05/2022 17:15

Ảnh: Hà Nguyễn.

Sau 9 năm thành lập, Xiaomi - công ty sản xuất điện thoại Trung Quốc trở thành cái tên trẻ nhất lọt vào bảng xếp hạng Fortune 500.
 

Thành tích này là dấu ấn lớn đối với một công ty khởi nghiệp vô danh tại Trung Quốc và sở hữu cái tên quá khó đọc trong bối cảnh khi thị trường smartphone đang được hai ông lớn Apple và Samsung chiếm ưu thế.

6 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu của Xiaomi đạt 15,7 tỉ USD, mang về lợi nhuận 862,1 triệu USD. Thời điểm đó, Xiaomi sở hữu hơn 343,5 triệu người dùng hàng tháng trên hệ điều hành MIUI - một nền tảng tùy biến dựa trên hệ điều hành Android. Tại Ấn Độ, thị trường smartphone lớn thứ hai trên thế giới, Xiaomi là thương hiệu bán chạy nhất với hơn nửa tỷ thiết bị di động đang được sử dụng.

Nhờ những thúc đẩy này, tháng 11/2020, Xiaomi vươn lên trở thành thương hiệu smartphone lớn thứ ba trên thế giới với hơn 19.860 nhân viên, sản phẩm có mặt tại hơn 80 quốc gia trên thế giới.

Hành trình từ một kẻ vô danh trở thành gã khổng lồ đầy cảm hứng của Xiaomi đã được Jayadevan P.K, phóng viên công nghệ dày dạn kinh nghiệm, kể lại trong cuốn “Xiaomi: Hành trình của một công ty khởi nghiệp trở thành một thương hiệu toàn cầu”, gồm 6 chương.

Cuốn sách ghi lại hành trình của Xiaomi
Cuốn sách ghi lại hành trình của Xiaomi từ một gã khởi nghiệp vô danh thành công ty smartphone thứ 3 thế giới

Ở chương đầu, Jayadevan mô tả và phân tích lại ngành công nghiệp smartphone tại thời điểm Xiaomi xuất hiện. Theo các chuyên gia, những năm 2012-2014 là thời điểm nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh tại Trung Quốc tăng lên đáng kể. Bằng cách cung cấp một chiếc điện thoại giống như iphone, nhưng giá thành rẻ hơn và chiến lược tiếp thị sáng tạo, Xiaomi đã tận dụng được triệt để làn sóng đó.

Nhưng chưa phải là tất cả. Thành công của Xiaomi còn nhờ vào những người lãnh đạo kiên trì, ám ảnh với những ranh giới, am hiểu khách hàng.

Trong chương 2 cuốn sách, Jayadevan khắc họa chân dung nhà sáng lập Xiaomi - ông Lôi Quân. Là người hâm mộ Steve Jobs và iphone, ở tuổi 40 (năm 2010), ông Quân thành lập Xiaomi với mục đích củng cố di sản trong ngành công nghệ Trung Quốc. Hướng đi của ông Quân khá đặc biệt, thay vì tung mẫu điện thoại, ông lại chọn giới thiệu hệ điều hành MIUI trước tiên.

Lắng nghe tích cực phản hồi của khách hàng và đưa ra phiên bản cập nhật hàng tuần thay vì hàng năm như các hãng smartphone khác, Xiaomi đã gây dựng thành công niềm tin trong lòng khách hàng. Chiến lược này của Lôi Quân đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành khi hãng ra mắt mẫu điện thoại vật lý đầu tiên vào năm 2011.

Bên cạnh đó, chiến lược giá trung thực (bán smartphone chất lượng cao với giá gần với giá sản xuất nhất) càng khiến Xiaomi chiếm được lòng tin của khách hàng. Nửa đầu năm 2014, doanh thu của Xiaomi đạt 5,5 tỉ USD (vượt qua doanh thu của cả năm 2013), lãi ròng 566 triệu USD, đưa Xiaomi trở thành hãng samrtphone hàng đầu Trung Quốc.

Chương 3 là quá trình Xiaomi ra thế giới dưới bàn tay của CEO Hugo Barra, trước đó là CEO cao cấp của Google. Chương 4 viết về sự phát triển của Xiaomi tại Ấn Độ, thị trường lớn thứ hai trên thế giới, với sự chung tay của Manu Jain một người khởi nghiệp người Ấn, và là CEO của Xiaomi ở Ấn hiện nay.

Xiaomi hiện không chỉ bán smartphone mà còn bán tai nghe, pin sạc dự phòng, loa bluetooth, tivi, đồng hồ theo dõi sức khỏe, cân trọng lượng, máy lọc nước và nhiều sản phẩm khác sử dụng trong gia đình. Hàng triệu khách hàng sau khi sử dụng smartphone đã sắm thêm các thiết bị công nghệ khác của hãng.

Trong hành trình phát triển tại Trung Quốc và thế giới, Xiaomi phải đối mặt với vô vàn thách thức. Thứ nhất là sự cạnh tranh của những đối thủ trong nước, những hãng smartphone tên tuổi toàn cầu. Thứ hai, làn sóng bài trừ sản phẩm Trung Quốc tại nước ngoài (đáng chú ý nhất là làn sóng bài trừ tại Ấn Độ). Tuy nhiên, bằng trí tuệ và sự khôn khéo, các nhà lãnh đạo Xiaomi lần lượt hóa giải và giúp tập đoàn gặt hái được những thành công vang dội.

Các chiến lược phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường của Xiaomi (giá cả trung thực, lấy khách hàng làm trung tâm, áp dụng mô hình tiêu dùng có sự tham gia của khách hàng, tận dụng sức mạnh của cộng đồng để quảng bá sản phẩm) đều được Jayadevan P.K phân tích và dẫn chứng thuyết phục trong sách.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới