Hủy
Phong Cách Sống

Tiến sĩ Derek Yach: Cần nhiều phát kiến mới để chấm dứt hút thuốc lá trên toàn cầu

Thứ Hai | 07/09/2020 10:36

Ảnh: minh họa

Chuyên gia kêu gọi những phát kiến đổi mới trong công tác kiểm soát thuốc lá, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
 

Tiến sĩ Derek Yach, chuyên gia về sức khỏe toàn cầu và là người vận động chống hút thuốc trong hơn 30 năm, là chủ tịch của Tổ chức “Vì một thế giới không khói thuốc”. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã hỗ trợ và lãnh đạo nhiều nghiên cứu và phát triển chính sách về cai thuốc lá, đồng thời kêu gọi tập trung nhiều hơn vào việc giảm thiểu tác hại thuốc lá kể từ năm 2005.

Ông cũng là cựu Giám đốc Điều hành Khoa các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông là tác giả/đồng tác giả của hơn 250 bài báo được bình duyệt về sức khỏe toàn cầu và nhiều lần được mời làm thành viên ban cố vấn, bao gồm ban cố vấn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Tập đoàn Cornerstone Capital và tổ chức Wellcome Trust. Từ năm 2007 đến năm 2016, ông làm việc trong Ủy ban cố vấn chương trình của Quỹ toàn cầu Clinton.

Tiến sĩ Yacht tham gia phỏng vấn với báo Asia Times để trao đổi về các chiến lược kiểm soát thuốc lá cần thiết nhằm chấm dứt việc hút thuốc lá trên toàn cầu. Bản trích từ phỏng vấn như sau.

Trong nghiên cứu gần đây của ông “Đẩy nhanh việc chấm dứt hành vi hút thuốc: Lời Kêu gọi Hành động nhân dịp Hội nghị các Bên phiên thứ 9 (COP9) về Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC)” được Emerald Publishing xuất bản, ước tính rằng ngay cả khi toàn bộ khuyến nghị của Công ước FCTC được áp dụng, số ca tử vong liên quan đến hút thuốc hằng năm vẫn tăng từ 7 triệu lên 10 triệu vào đầu năm 2030. Xin ông hãy giải thích về căn cứ cho lập luận đó?

Các nghiên cứu đoàn hệ được thực hiện qua nhiều thập kỷ đã cho thấy sự lệch pha giữa thời điểm một người bắt đầu hút thuốc lá với thời điểm khởi phát các triệu chứng bệnh do hút thuốc lá gây ra.

Sự lệch pha này có thể dao động từ một vài năm (ví dụ như đối với trường hợp các triệu chứng về hô hấp) đến nhiều thập kỷ (ví dụ như sự hình thành bệnh ung thư phổi và bệnh COPD (Tắc nghẽn phổi mạn tính)). Tương tự, có sự chậm nhịp giữa thời điểm một người bắt đầu cai hút thuốc và sự giảm nguy cơ kèm theo đối với những bệnh lý sau: nguy cơ đau tim giảm dần sau vài năm và nguy cơ ung thư giảm dần trong nhiều thập kỷ.

 

Đối với những bệnh lý khác, người hút thuốc sẽ luôn luôn có nguy cơ cao hơn so với những người chưa bao giờ hút thuốc lá, ngay cả sau khi họ đã cai hút thuốc. Ở quy mô dân số, sự lệch pha tương ứng cũng tồn tại. Sự sụt giảm trong tỉ lệ hút thuốc toàn cầu sẽ cần thời gian mới thể hiện qua số liệu về các ca tử vong sụt giảm đáng kể.

Với kinh nghiệm nhiều thập kỷ trong lĩnh vực y tế toàn cầu, bao gồm cả vai trò Giám đốc cấp cao tại WHO và là người đề xuất quan trọng cho Công ước FCTC kể từ khi được áp dụng, theo ông, Công ước FCTC cần được cập nhật ở nội dung nào, kể cả những nội dung đã bị phớt lờ từ lâu nhưng cần được quan tâm và cải tiến rất cấp bách?

Sau khi rời khỏi vị trí ở WHO được 10 năm, tôi cho xuất bản một văn kiện bình luận về sự phát triển của Công ước FCTC, trong đó có trả lời cho câu hỏi này. Cụ thể, tôi đã nói rằng để cải tiến Công ước FCTC đòi hỏi: phá bỏ sự chủ quan, xây dựng cơ sở cho khoa học ở những nước đang phát triển, quan tâm nhiều hơn đến nữ giới, và cân nhắc đến vai trò của Giảm thiểu Tác hại Thuốc lá. Những quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị.

 

Gần đây, tôi đã quan sát kỹ hơn về những bước tiến bộ trong công tác thực hiện Công ước FCTC, bao gồm cả những báo cáo đánh giá của chính WHO, cũng như của các nhà nghiên cứu độc lập. Sau những phân tích đó, tôi xác định được 4 nội dung lớn cần được cải thiện của Hiệp ước:

- Công ước FCTC cần được cập nhật hiện đại hơn để khai thác được các tiến bộ khoa học về Giảm thiểu Tác hại.

- Cộng đồng y tế công cộng cần đẩy mạnh hành động nhằm chấm dứt hành vi hút thuốc. Việc này yêu cầu: cải thiện các chiến lược cai thuốc lá, nâng cao tập trung vào phụ nữ và các chính sách thuế cần dựa trên sở cứ.

- Những bên hữu quan cần phát triển những chiến dịch giúp giải quyết các nhu cầu. Việc này bao gồm các chương trình quan tâm đến sinh kế thay thế cho các nền kinh tế phụ thuộc vào trồng thuốc lá; giải quyết các thiếu hụt tài chính cho những chiến dịch quan trọng; đồng thời giải quyết những thiếu hụt về nghiên cứu quốc gia hoặc quốc tế.

- Việc thực hành Công ước FCTC đòi hỏi sự thay đổi triết lý. Thực chất, cộng đồng kiểm soát thuốc lá nói chung sẽ nhận lợi ích nếu sự thay đổi này hướng đến sự tham gia giữa nhiều bộ ngành, tăng cường tính minh bạch và đối thoại một cách tôn trọng.

- Sau những hậu quả do đại dịch COVID-19 để lại, sự cấp thiết của việc cai hút thuốc đã được nâng cao hơn, vì đó là một nguyên nhân gây ra bệnh lý và tử vong với khả năng ngăn chặn cao nhất thế giới. Dù vậy, tôi e rằng việc ưu tiên chuẩn bị phòng chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 có thể thu hút hết mọi quan tâm so với vấn đề thuốc lá.

80% trong số 1,1 tỉ người hút thuốc trên thế giới đang sống ở những quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình (LMICs). Tiến sĩ sẽ khuyến nghị điều gì cho những đất nước bị giới hạn về nguồn lực này để giúp họ vượt qua khủng hoảng?

Lịch sử kiểm soát thuốc lá cho chúng ta bài học rằng các bác sĩ y khoa có thể đóng vai trò ảnh hưởng để kìm hãm sự sử dụng thuốc lá trong cộng đồng của họ. Khi các bác sĩ chủ động dẫn dắt - bằng cách giải quyết vấn đề sử dụng thuốc lá của bệnh nhân, bản thân bác sĩ cai hút thuốc, và vận động ủng hộ thay đổi chính sách - những hành động duy trì khác cũng theo sau.

Các bác sĩ y khoa, thực chất đã có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tiến bộ của nước Mỹ và các nước trong khối OECD, nơi đã có tỉ lệ hút thuốc lá sụt giảm dần qua nhiều thập kỷ. Ở những nước này, tỉ lệ hút thuốc ở các bác sĩ bắt đầu sụt giảm và một thập kỷ sau đó, tỉ lệ hút thuốc cũng giảm trên toàn dân số, Trong nhiều nước LMICs tiêu biểu, tỉ lệ bác sĩ hút thuốc vẫn ở mức rất cao. Tương ứng với điều đó, tiếng nói và vận động của các bác sĩ vẫn còn rất hạn chế. Nếu điều này không thay đổi, tiến bộ sẽ rất chậm.

Bên cạnh đó, tôi cũng lưu ý rằng tỉ lệ hút thuốc lá điếu sụt giảm khi quốc gia đó áp dụng những chính sách dựa trên khoa học. Ở những đất nước này, các nghiên cứu về về dịch tễ học, kinh tế và nhận thức công chúng đã thành công trong 2 việc: (1) cung cấp cơ sở trung lập cho các nhà hoạch định chính sách hành động; (2) xây dựng một cộng đồng của những nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách có đầy đủ thông tin và biết cách ứng dụng khoa học.

Trong một nghiên cứu gần đây, Navin Kumar đã cho thấy nguồn lực nghiên cứu ở các nước LMICs còn rất thiếu. Vấn đề này cần được giải quyết nếu các nước này muốn giải quyết lâu bền với vấn đề thuốc lá.

Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm tiến bộ trong việc đưa yếu tố giới tính là chủ đạo trong kiểm soát thuốc lá, khi vấn đề này gây ra những hậu quả kinh tế và y tế tiêu cực? Tiến sĩ có thể vui lòng đề xuất các biện pháp giúp giải quyết sự thiếu hụt này?

 Nhìn vào lịch sử, các nỗ lực kiểm soát thuốc lá toàn cầu đã không phân biệt giới tính - nghĩa là các biện pháp này không cân nhắc đến những nhu cầu riêng biệt của nữ giới hoặc những chiến lược cụ thể giúp giảm tỉ lệ hút thuốc trong họ. Hậu quả là, tỉ lệ hút thuốc ở nam giới đang giảm dần, nhưng tỉ lệ hút thuốc ở nữ giới thậm chí vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm mà vẫn được dự tính sẽ tiếp tục tăng ở nhiều nước - đây là luận điểm được đặt ra gần đây trong văn bản của Alexandra Solomon.

 

Tuy Công ước FCTC đề cập đến nhu cầu giải quyết vấn đề giới tính, Công ước không xác định cụ thể chiến lược nào để tiếp cận vấn đề này. Solomon nhận xét rằng vấn đề này một phần là do sự thiếu đa dạng giới trong ngành kiểm soát thuốc lá: Sự tham gia của nữ giới là thiếu hụt trong nghiên cứu, phát triển công nghệ, và lãnh đạo y tế công cộng.

Hậu quả của việc thiếu quan tâm này chính là có rất ít cuộc thảo luận trong cộng đồng y tế hay sức khỏe nữ giới toàn cầu bàn về việc ở nhiều nước tỉ lệ tử vong vì ung thư phổi đã vượt tỉ lệ tử vong do ung thư vú ở nữ giới.

Trong tương lai, nữ giới cần được đóng góp vào công tác hướng dẫn, phát triển và ứng dụng các chương trình cai hút thuốc và giảm thiểu tác hại, vốn được phát triển chủ yếu hướng đến nam giới làm “đối tượng mặc định”. Cuối cùng, điểm bắt đầu để phân tích về giới tính và chính sách luôn là phân loại và báo cáo về tỉ suất hút thuốc và kết quả dựa trên giới tính trong tất cả báo cáo.

Nguồn Asia Times


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới