Hủy
Tài Chính

Bản đồ lợi nhuận quý II

Vũ Hoài Thứ Tư | 19/07/2023 07:30

Những doanh nghiệp trụ vững trên thị trường và có kết quả kinh doanh khả quan được đánh giá sẽ là điểm đến của dòng tiền trong thời gian tới. Ảnh: Quý Hòa

Những con số đầu tiên về báo cáo quý II đã được công bố, cho thấy bức tranh kinh doanh từ nay đến cuối năm rõ ràng hơn ở nhiều nhóm ngành.
 

Theo thống kê của NCĐT, trong quý I, lợi nhuận toàn thị trường đã giảm khoảng 20%, với sự suy yếu rõ nét của khối phi tài chính khi giảm gần 30% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh những khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng thấp đi kèm với rủi ro suy thoái tại nhiều nước đối tác lớn trong khi sức cầu trong nước chưa hồi phục hoàn toàn.

Kỳ công bố kết quả kinh doanh bán niên 2023 đang đến gần, Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) dự báo tổng lợi nhuận các doanh nghiệp trên cả 3 sàn có thể tiếp tục giảm nhẹ hoặc đi ngang sau khi đã giảm khoảng 20% trong quý I. Tuy nhiên, các chuyên gia của Agriseco Research kỳ vọng với các chính sách hỗ trợ, khơi thông dòng vốn nền kinh tế sẽ thẩm thấu và giúp doanh nghiệp dần vượt qua khó khăn, trước khi bước vào chu kỳ tăng trưởng mới trong những quý tới.

Nửa đầu tháng 7 vừa qua, những con số đầu tiên về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã dần được hé lộ, nhiều công ty vẫn đạt mức tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm 2023. Đơn cử như Công ty Cổ phần FPT (mã FPT) với mức tăng hơn 20% về lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm, nhờ sự bứt phá của khối công nghệ, bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và nước ngoài, đặc biệt là sự tăng tốc của thị trường Nhật. Hay như Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR) có lợi nhuận sau thuế đột biến trong quý II chủ yếu nhờ ghi nhận doanh thu 74,8 tỉ đồng từ thanh lý cây cao su, cùng với đó là tiền cổ tức đợt 2 từ Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên. Còn Công ty Chứng khoán Liên Việt (mã LVS) thoát lỗ hàng chục tỉ đồng trong quý II/2023 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của danh mục tự doanh...

Nhìn về bức tranh tổng thể, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng lãi suất thấp hơn sẽ có tác động tích cực lan tỏa đến nhiều ngành. Lãi suất cho vay giảm sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, đặc biệt với các ngành có nợ ròng cao như xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản. Ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi lãi suất huy động thường giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến ngành chứng khoán khi đây là ngành được hưởng lợi cả đầu vào và đầu ra nhờ thanh khoản thị trường cải thiện và nhu cầu margin (vay ký quỹ) tăng khi mặt bằng lãi suất giảm. Mặt khác, đầu tư công như một phần của chính sách tài khóa mở rộng vẫn là câu chuyện đầy hứa hẹn trong nửa cuối năm 2023.

Những doanh nghiệp trụ vững trên thị trường và có kết quả kinh doanh khả quan được đánh giá sẽ là điểm đến của dòng tiền trong thời gian tới. Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong quý II, ngành bán lẻ ước duy trì tăng trưởng EPS bình quân so với cùng kỳ khoảng 25%, trong đó có những doanh nghiệp nổi bật như Thế Giới Di Động, PNJ... Ngành du lịch và hàng không cũng đang khôi phục dần sau giai đoạn đóng băng vì đại dịch.

Tuy nhiên, đà suy giảm lợi nhuận tập trung ở nhóm bất động sản (PDR), khí (GAS), logistics hay vận tải thủy (HAH, VOS), phân bón (DCM, DPM), gỗ (SAV, GTA) và thủy sản (VHC, ANV) khi thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn và nhiều yếu tố vĩ mô bất lợi như xuất nhập khẩu suy giảm, FDI kém tích cực và cầu tiêu dùng yếu... Ngành dệt may và gỗ cũng chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt về doanh thu và lợi nhuận. Xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ước đạt 18,6 tỉ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán MB (MBS), đánh giá năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đi lên, chỉ có điều mức đi lên sẽ tương đối chậm và có thể xen lẫn những nhịp điều chỉnh. “Những nhà đầu tư có xu hướng dài hạn có thể tập trung vào nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ môi trường vĩ mô trong thời gian tới”, ông nói.

 

Cũng theo ông Tuấn, một số nhóm ngành có xu hướng tạo đáy về mặt lợi nhuận và sẽ bắt đầu đi lên, đơn cử như với môi trường thị trường chứng khoán ấm lên thì khả năng cao nhóm chứng khoán vẫn tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II, quý III và quý IV. Thứ 2 là nhóm ngân hàng, với mặt bằng lãi suất giảm thì sẽ tương đối tốt cho nhóm này. Và cuối cùng là những công ty sẽ phục hồi sau khoảng thời gian lao đao do nền kinh tế vĩ mô gặp khó khăn, ví dụ như sắt, thép hay một số doanh nghiệp bán lẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định, khi lãi suất huy động giảm mạnh, dòng tiền từ kênh tiết kiệm có thể dịch chuyển một phần sang kênh chứng khoán. Tuy nhiên, với bối cảnh bức tranh kinh tế chưa thể hồi phục và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng âm hay đi ngang, dòng tiền vẫn còn thận trọng nhất định, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn có khả năng tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong 6 tháng cuối năm.

Có thể bạn quan tâm:

VDSC: Thận trọng với rủi ro mất giá tiền đồng trong nửa cuối năm 2023


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới