Hủy
Tài Chính

Bối cảnh kinh tế còn nhiều “điểm mù”, nhà đầu tư nên làm gì?

Kim Anh Thứ Bảy | 07/10/2023 09:54

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Khi giá chiết khấu sâu, nhà đầu tư có thể canh mua cổ phiếu với giả định là “mọi chuyện sẽ bình yên”.
 

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 

Trong báo cáo chiến lược thị trường được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán DSC đánh giá Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức cần kích thích kinh tế trong bối cảnh toàn cầu đang thắt chặt. Những số liệu kinh tế quý III/2023 cho thấy đà phục hồi tích cực sau những nỗ lực, nhưng cũng khó để khẳng định liệu các số liệu đó có thể thỏa mãn kỳ vọng của nhà đầu tư/nhà hoạch định chính sách hay không do mức tăng trưởng vẫn thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng. Việc hạ lãi suất điều hành và sự đánh đổi về áp lực tỉ giá có vẻ vẫn chưa mang lại những hiệu quả về tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế tương xứng.

Ảnh: DSC.
Ảnh: DSC.

Theo DSC, một trong những câu chuyện được tranh luận nhiều khi số liệu kinh tế xã hội quý III/2023 được công bố là con số tăng trưởng GDP quý III/2023 đang tích cực hay tiêu cực. Rõ ràng số liệu cho thấy ít nhiều sự cải thiện khi ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%). Nhưng cũng cần nhớ lại, chúng ta đã cần đến 4 lần hạ lãi suất và rất nhiều chính sách hỗ trợ khác để đạt được con số này. Các cơ quan quản lý gần như đã sử dụng tất cả những công cụ của mình để đạt được kết quả này.

“Chứng khoán không phải là nền kinh tế, nhưng tại thời điểm khi những lá bài chính sách được gần như đã được lật toàn bộ và không còn nhiều dư địa, thì nền kinh tế lại là câu trả lời sát sườn cho những kỳ vọng. Rất khó để nền kinh tế đạt được kế hoạch chính phủ đặt ra đầu năm. Thậm chí, để đạt được mức tăng trưởng GDP hơn 5% cho cả năm 2023, thì quý IV/2023 Việt Nam cũng cần đạt tăng trưởng trên 7%”, DSC nhận định.

 

Cẩn trọng là điều cần thiết 

Chia sẻ với NCĐT về diễn biến của thị trường chứng khoán, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc vùng, Công ty Chứng khoán DSC miền Nam cho hay, thị trường sau đợt điều chỉnh này đã trở nên hấp dẫn hơn và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên với bối cảnh còn nhiều “điểm mù” thì việc cẩn trọng một chút cũng là cần thiết. “Thị trường đã tăng một quãng dài và nghỉ ngơi 1-2 tháng là bình thường. Sóng lớn trong năm (nếu có) thường bắt đầu từ tháng 11-12 và kéo dài đến tháng 4-5 năm sau. Do đó cũng cứ thong thả với các cơ hội”, ông Huy nói. 

Chia sẻ thêm với NCĐT, đại diện DSC đánh giá ẩn số lớn hiện nay đến từ thị trường thế giới. “Thực sự tôi cảm giác không thể dự đoán được, nên nói kiểu gì cũng đúng. Thế giới hiện tại lãi suất cao và câu chuyện là nền kinh tế thế giới có trụ vững qua 6-9 tháng tới hay không. Nếu mọi chuyện êm đẹp, một chương mới sẽ được mở ra trong năm 2024”. 

Nhìn nhận về các cơ hội đầu tư, ông Huy cho rằng khi giá chiết khấu sâu, nhà đầu tư có thể canh mua cổ phiếu với giả định là “mọi chuyện sẽ bình yên”. Và đương nhiên khi nhà đầu tư đã mua vào thì cần theo dõi sát diễn biến của thị trường trong và ngoài nước. Đối với tình hình trong nước, “câu chuyện nợ” sẽ là điểm nhấn cần lưu tâm: nợ trái phiếu, nợ xấu ngân hàng, nợ margin trên thị trường. 

Về nhóm ngành cụ thể, ông Huy cho biết mình vẫn ưu tiên ngân hàng (ngành trụ cột của mọi sóng), nhưng cần lưu ý về chất lượng tài sản, nợ xấu. Ngành chứng khoán cũng là lựa chọn hay, nhưng vị chuyên gia này cho rằng nhiều cổ phiếu đang hơi đắt, trong khi các cổ phiếu thuộc nhóm ngành  sản xuất cũng đáng chú ý khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Ngoài ra một số câu chuyện như xu hướng đầu tư công, xu hướng dịch chuyển FDI, sự tăng trưởng trở lại của xuất - nhập khẩu, hay các cổ phiếu liên quan đến thị trường hàng hóa có thể là sự gợi ý.

Có thể bạn quan tâm 

Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tháng 10


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới