Hủy
Tài Chính

Cá Vĩnh Hoàn gặp nước

Thái Dương Thứ Hai | 08/07/2019 15:00

Ảnh: QH

Dự án nuôi cá giống đóng vai trò then chốt cho việc nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của Vĩnh Hoàn, Chứng khoán KB (KBSV) nhận xét.
 

Với Hiệp định thương mại giữa EU và Việt Nam (EVFTA) được thông qua vào cuối tháng 6.2019, việc thoái vốn khỏi các công ty liên kết để tập trung nguồn lực phát triển chuỗi giá trị, hưởng thuế suất có lợi tại các thị trường xuất khẩu chính, Vĩnh Hoàn (VHC) đón nhận nhiều động lực tăng trưởng cho năm 2019 hơn bao giờ hết.

Cuối quý II/2019, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tiết lộ trong cuộc gặp với các chuyên viên phân tích, VHC công bố sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi 2 công ty liên kết. Thương vụ thoái vốn dự kiến sẽ mang về hơn 100 tỉ đồng lợi nhuận, giúp Công ty giảm áp lực nợ vay và có thêm nguồn tài chính để mở rộng vùng nguyên liệu.

Ca  Vinh Hoan gap nuoc
 

 “Dự án nuôi cá giống đóng vai trò then chốt cho việc nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của Vĩnh Hoàn”, báo cáo của Công ty Chứng khoán KB (KBSV) nhận xét. Đầu năm 2019, VHC khởi động giai đoạn 1 dự án nuôi giống cá tra công nghệ cao trên diện tích có sẵn 48ha tại An Giang và sau đó sẽ mở rộng ra với diện tích tổng cộng hơn 200ha trong giai đoạn 2. Tự chủ về con giống giúp VHC giải quyết thách thức kỹ thuật trên thị trường, đặc biệt và vấn đề kiểm soát dư lượng kháng sinh và thuốc cấm trên sản phẩm. Đồng thời, Công ty cũng hạn chế được rủi ro về biến động giá cá giống trên thị trường, vốn bị đẩy lên cao trong 2 năm trở lại đây khi nguồn cung bị thiếu hụt trầm trọng.

Đồng quan điểm, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng về dài hạn khả năng tự chủ (hiện tại khoảng 50%) tăng và chất lượng nguyên liệu nâng cao sẽ đóng vai trò quyết định trong việc ổn định sản xuất, giảm giá thành đồng thời tăng tính cạnh tranh về chất lượng.

KBSV cho rằng trọng tâm của chiến lược tăng trưởng 3 năm (2018-2020) của VHC là đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, với tổng đầu tư 800 tỉ đồng trong năm 2019, đưa đến kỳ vọng tăng đến 20% công suất trong năm.

Ca  Vinh Hoan gap nuoc
 

Năm 2018, doanh thu nhóm sản phẩm Collagen & Gelatin chiết xuất từ da cá, một phụ phẩm trong quy trình sản xuất cá fillet, được ra mắt từ năm 2015, đã chứng tỏ tiềm năng. Tăng gần gấp đôi doanh số so với năm 2017, đạt 300 tỉ đồng tương đương với 3% tổng doanh thu, KBSV đánh giá dòng sản phẩm Collagen & Gelatin, với biên lợi nhuận cao, sẽ trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho VHC trong thời gian tới.

Tại thị trường Mỹ, VHC vẫn được hưởng thuế suất xuất khẩu 0% trong khi hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành bị áp thuế chống bán phá giá cá tra ở mức cao. Thêm vào đó, các dòng cá cạnh tranh trực tiếp với cá tra gặp nhiều bất lợi lớn, điển hình như nguồn cung cá tuyết được dự báo sẽ giảm mạnh và giá cá rô phi nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc sẽ bị áp mức thuế mới 25%. Vì vậy, KBSV vẫn lạc quan về việc VHC giữ vững đà tăng trưởng tốt tại Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu đặc biệt quan trọng với Công ty khi chiếm gần 70% tổng doanh thu và ghi nhận tăng trưởng đến 63% trong năm 2018, đạt 242 triệu USD (khoảng 5.600 tỉ đồng).

Nhờ danh tiếng tại thị trường Mỹ, VHC được Alibaba chọn làm nhà cung cấp vào thị trường Trung Quốc. VHC nhiều năm nay chủ yếu phân phối cá tra vào các chuỗi nhà hàng và siêu thị trong khi bán lẻ chưa nhiều, dù đã hợp tác với Alibaba từ cuối năm 2017. Từ năm 2019, VHC sẽ đẩy mạnh kênh bán lẻ thông qua trang thương mại điện tử Alibaba, tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng có giá bán cao. VDSC nhận xét VHC đẩy mạnh kênh phân phối này sẽ tạo được lợi thế về tiếp thị và tăng hiệu quả kinh doanh so với nhiều công ty trong ngành. Thêm vào đó, dịch tả lợn châu Phi và việc giảm thuế nhập khẩu cá, thuế VAT thủy sản và thương mại biên mậu bị siết chặt tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu của toàn ngành.

Theo VDSC, nguồn cung cá biển thiếu hụt trong giai đoạn 2019-2021 sẽ là yếu tố chính kích thích nhu cầu cá tra của người dân châu Âu. Chính thức được ký kết vào cuối tháng 6.2019, EVFTA sẽ giúp giảm thuế nhập khẩu cá tra từ Việt Nam xuống 0% trong 3-7 năm, giúp hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này. KBSV nhận thấy đây sẽ là cú hích lớn cho các sản phẩm giá trị gia tăng (cá tra chế biến) của VHC, hiện chiếm hơn 50% doanh số tại thị trường EU. Để đón đầu cơ hội đó, VHC trong năm nay đã quy hoạch riêng nhà máy Thanh Bình để chuyên sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng và hợp tác với các đối tác Anh để phát triển các sản phẩm bột chiên.

Ca  Vinh Hoan gap nuoc
 

Doanh nghiệp đối diện với các rủi ro suy giảm kinh tế Trung Quốc cũng như sự mất giá của đồng nhân dân tệ trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ còn kéo dài có thể sẽ làm giảm sức mua của thị trường này, theo VDSC, khiến giá cá xuất khẩu chịu áp lực giảm mạnh. Bên cạnh đó, KBSV còn nhận thấy rủi ro đến từ việc đánh giá lại chính sách nhập khẩu thủy sản hằng năm của Mỹ, điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng lên con giống; sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các đối thủ ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Nhận thấy giá bán trong các quý còn lại của năm khó có khả năng duy trì mức cao như quý đầu năm, VDSC dự báo doanh thu thuần năm 2019 của VHC tăng nhẹ 8,8% so với năm 2018, đạt 10.086 tỉ đồng, với biên lợi nhuận gộp 18,8%, thấp hơn năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 1.273 tỉ đồng, giảm 12%. VHC được các công ty chứng khoán định giá trong khoảng 112.000-117.000 đồng/cổ phần.

► Vì sao doanh thu Vĩnh Hoàn giảm nhưng lợi nhuận tăng mạnh?

►  Thuế 0%, Vĩnh Hoàn rộng đường vào Mỹ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới