Hủy
Tài Chính

Cổ phiếu ngân hàng tăng tốc

Vũ Hoài Thứ Năm | 24/09/2020 13:25

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là động lực giúp thị trường chung duy trì đà tăng trong những phiên giao dịch gần đây.
 

Phiên giao dịch 23.9 là phiên thứ 4 liên tiếp thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến tích cực khi chỉ số VN-Index đóng cửa trên mức 900 điểm. Theo đó, động lực giúp thị trường vẫn duy trì đà tăng trong phiên giao dịch này đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.

STB dẫn đầu đà tăng

Trong phiên 23.9, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng có diễn biến tích cực, nổi bật như cổ phiếu của VCB, BID, CTG và VPB. Từ đầu tháng 9 đến nay nhiều cổ phiếu trong nhóm ngân hàng vẫn duy trì đà tăng tích cực, tiêu biểu là cổ phiếu của Ngân hàng Sacombank (HOSE:STB) với đà tăng 13,6%, dẫn đầu đà tăng trong nhóm VN30 từ đầu tháng 9 đến nay (23.9).

Đáng chú ý, phiên giao dịch 22.9, khối lượng khớp lệnh của cổ phiếu STB lên tới hơn 45,7 triệu cổ phiếu, đạt mức cao kỉ lục trong nhiều năm. Trên phương diện phân tích kỹ thuật, đồ thị giá của STB tiến sát về mức cao nhất 52 tuần với khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao so với mức khối lượng trung bình 20 phiên.

Cổ phiếu STB dẫn đầu đà tăng trong nhóm ngân hàng thuộc rổ VN30. Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Cổ phiếu STB dẫn đầu đà tăng trong nhóm ngân hàng thuộc rổ VN30. Nguồn: NCĐT tổng hợp.

Đánh giá về cổ phiếu STB, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết trong ngắn hạn, đồ thị giá đang tiến về vùng kháng cự của đỉnh tháng 3.2020 và 6.2020 cho nên áp lực điều chỉnh có thể gia tăng trong ngắn hạn.

Theo đồ thị tuần và tháng, Yuanta Việt Nam đánh giá cổ phiếu STB đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh và dần hình thành mô hình đảo chiều xu hướng tăng trung hạn với mức mục tiêu kỳ vọng 15.350 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi ở các nhịp tăng và chờ mua mới tại các nhịp điều chỉnh với mức hỗ trợ ngắn hạn là 11.870 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ và gia tăng thêm tỉ trọng STB tại các nhịp điều chỉnh với mức mục tiêu trung hạn 15.350 đồng/cổ phiếu.

Ngoài STB, nhiều cổ phiếu khác cũng ghi nhận đà tăng tích cực trong khoảng thời gian trên, tiêu biểu như cổ phiếu của Ngân hàng HDBank (HOSE: HDB) với đà tăng 11,7% hay như cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội (HOSE: MBB) với mức tăng 11,7% từ phiên giao dịch đầu tháng 9 đến nay (23.9).

Ngân hàng có thể tăng nợ, bớt lời

Trong một bài phỏng vấn được thực hiện bởi Phóng viên Nhịp Cầu Đầu Tư hồi đầu tháng 8.2020, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dành sự đánh giá tích cực đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng.

 

Theo ông Đức Anh, việc giảm lãi suất dự trữ bắt buộc mặc dù có ảnh hưởng tới nguồn lợi nhuận của các tổ chức tín dụng nhưng không đáng kể. Nguyên nhân là mức dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ khoảng 3% đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 năm và 1% đối với khoản tiền gửi trên 1 năm.

Theo ước tính sơ bộ của KBSV, mức tác động của việc giảm lãi suất này tới tổng hệ thống ngân hàng là vào khoảng 600 tỉ đồng, trong đó khối ngân hàng thương mại nhà nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất cũng chỉ khoảng trên dưới 60 tỉ đồng/ngân hàng.

Đối với tình hình kinh doanh của nhóm ngân hàng niêm yết, nhìn chung kết quả kinh doanh quý II tương đối khởi sắc với khá nhiều ngân hàng có tăng trưởng cao về lợi nhuận so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, ông Đức Anh cho rằng kết quả kinh doanh quý II trên thực tế không phản ánh chính xác tình hình hoạt động của ngân hàng do chịu sự điều chỉnh của Thông tư 01 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. “Ngay khi thông tư 01 kết thúc, không loại trừ khả năng chúng ta sẽ nhìn thấy số liệu nợ xấu của các ngân hàng có sự gia tăng mạnh, ảnh hưởng đến chi phí dự phòng và lợi nhuận ngân hàng trong các quý tiếp theo”, ông Đức Anh nhìn nhận.

Cũng theo quan điểm của ông Đức Anh, nhìn chung ngành ngân hàng là 1 ngành mang tính chu kỳ cao, dịch COVID-19 chắc chắn có nhiều ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Dù vậy, ông vẫn duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng nhóm cổ phiếu ngành này trong giai đoạn từ nay đến cuối năm nhờ 3 yếu tố chính.

Giá cổ phiếu cập nhật đến ngày 23.9. Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Giá cổ phiếu cập nhật đến ngày 23.9. Nguồn: NCĐT tổng hợp.

Đầu tiên, mặt bằng giá cổ phiếu các ngân hàng vẫn đang ở mức thấp so với giai đoạn trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Tiêu biểu như các cổ phiếu BID, VCB, MBB, TCB,… vẫn đang ở vùng giá thấp hơn so với mức giá hồi đầu năm 2020.

Yếu tố thứ hai đến từ triển vọng vĩ mô dài hạn tích cực của kinh tế Việt Nam, bất chấp tác động của dịch COVID-19, là yếu tố quan trọng hỗ trợ mặt bằng giá cổ phiếu ngành ngân hàng trong các nhịp điều chỉnh.

Cuối cùng là sự kỳ vọng vào 1 số yếu tố hỗ trợ từ nay đến cuối năm như một số ngân hàng niêm yết mới, chuyển sàn, tăng vốn, bancassurance.

* Có thể bạn quan tâm 

►Cổ phiếu ngân hàng xanh hay đỏ?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới