Hủy
Tài Chính

Cửa hẹp lợi nhuận ngân hàng

Minh Phúc Thứ Hai | 30/10/2023 07:00

Phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính cả năm 2023, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng 5,2%. Ảnh: T.L

 
 
Lợi nhuận nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm trong khi nợ xấu gia tăng phản ánh những khó khăn dai dẳng của nền kinh tế.

Trong báo cáo mới nhất, dù đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng khá mạnh, khoảng 18-20% so với đầu năm nhưng VPBank chứng kiến lợi nhuận giảm quý thứ 4 liên tiếp. Trong 3 tháng gần nhất, VPBank có lãi trước thuế hợp nhất chỉ hơn 3.100 tỉ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.

Gánh nặng giảm lãi suất cho vay 

Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo nhiều ngân hàng có thể ghi nhận mức giảm lợi nhuận từ 4-30% trong quý III. Theo đó, VPBank, Techcombank và TPBank là 3 ngân hàng có thể chứng kiến mức giảm lợi nhuận mạnh nhất. Dự báo lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt khoảng 5.700-5.900 tỉ đồng trong quý III, giảm 12-15% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi mức giảm ở TPBank dự kiến lên tới 25-32%. Tại MSB, lợi nhuận trước thuế có thể chỉ đạt 1.300-1.400 tỉ đồng, tương đương giảm 6-13% so với cùng kỳ.

 

Trước các kết quả kinh doanh kém khả quan trên, ông Nguyễn Nhật Khánh, Trưởng Phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, giải thích, biên lợi nhuận ròng của ngân hàng thương mại đang thu hẹp (chưa bao gồm dự phòng rủi ro) trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp; CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cũng thấp. Lãi suất huy động giảm nhanh nhưng vẫn chưa lan tỏa mạnh nhằm giúp giảm chi phí đầu vào của ngân hàng, trong khi nợ xấu gia tăng cho thấy triển vọng lợi nhuận của nhiều ngân hàng chưa thật sự tích cực.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cũng nhận định lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng lớn và đầu tiên do xu hướng giảm lãi suất đã kéo theo giảm biên lợi nhuận của ngành. Trong khi đó, quý III, bức tranh kinh doanh chung khó lạc quan do tăng trưởng tín dụng ì ạch hơn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt 6,92% so với cuối năm ngoái, cách rất xa mục tiêu 14-15% của cả năm. Tăng trưởng tín dụng kém khả quan khi khả năng hấp thụ vốn tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đều chưa khởi sắc. Khi huy động tăng nhanh hơn tín dụng sẽ khiến gánh nặng chi phí lãi của nhiều ngân hàng tăng lên trong quý III, làm sụt giảm biên lợi nhuận. Tính đến cuối tháng 9/2023, ước tính tiền gửi khách hàng tại Vietcombank tăng 8,3%, trong khi tín dụng chỉ tăng 3,6%, một nguyên nhân chính khiến NIM của ngân hàng này sụt giảm. Tình trạng trên dự kiến diễn ra ở nhiều ngân hàng khác như VIB, HDBank, ACB…

Chống đỡ với nợ xấu

Một số ngân hàng tuy tín dụng tăng cao hơn huy động vốn, song lợi nhuận bị ăn mòn bởi chi phí dự phòng rủi ro gia tăng để chống đỡ với nợ xấu. Tiêu biểu như BIDV được dự báo là ngân hàng có lợi nhuận đi lùi duy nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh, dù tín dụng cao hơn huy động. Trích lập dự phòng gia tăng khiến lợi nhuận ngân hàng này dự kiến giảm 10-12% trong quý III.

 

Nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa phục hồi trong năm nay nên tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng sẽ khó đạt được như mục tiêu đặt ra. Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu của Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhận định, tín dụng tăng trưởng thấp và tăng trích lập dự phòng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nợ xấu có thể tăng cao.

Thực tế, nếu cuối năm 2022, tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 2%, thì đến cuối tháng 7/2023, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên 3,56%. Tình hình này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, khiến không ít doanh nghiệp lao đao.

Tuy nhiên, đại diện MBS cũng dự báo nợ xấu đến cuối năm sẽ về mức 3,3-3,4%. Với mức này, tỉ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng vẫn nằm trong kiểm soát. Tín dụng mới bắt đầu tăng tốt hơn từ giai đoạn cuối tháng 9 và sự tăng tốc này sẽ phản ánh nhiều hơn vào quý IV. Trong báo cáo mới đây, Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng xếp Ngân hàng nằm trong nhóm có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tích cực hơn trong quý IV do cùng kỳ năm ngoái có mức nền lợi nhuận thấp.

Phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính cả năm 2023, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng 5,2%. Nếu các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì biên lợi nhuận sẽ giảm. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không tăng lãi suất nữa và diễn biến kinh tế thế giới sẽ tích cực hơn, từ đó tác động thuận lợi đến kinh tế trong nước. Vì vậy, bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng sẽ tích cực hơn trong năm 2024. Theo đó, BVSC ước tính, năm 2024 tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng mới có thể khởi sắc, ước đạt 18,9% khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới