Cổ phiếu thép tiếp tục giảm sâu
Ảnh minh họa: TL.
Nếu như giai đoạn nửa đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu thép liên tục có những diễn biến giá tích cực, trở thành những “cái tên hot” được nhà đầu tư ưu ái thì nửa cuối năm 2021, cổ phiếu ngành này dường như lại bị “dòng tiền ghẻ lạnh”.
Khi VN-Index liên tục những vùng giá mới với những kỷ lục mới về thanh khoản thì dường như cổ phiếu ngành thép vẫn “bất động”. Trong ngành thép, HPG của Thép Hòa Phát, HSG của Tôn Hoa Sen và NKG của Thép Nam Kim là 3 cái tên được chú ý nhiều nhất. Kể từ đầu tháng 7/2021 đến nay, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 4,4% lên mốc 1.469 điểm (kết phiên 18/11).
Trong khi đó, cổ phiếu HPG và HSG, những cổ phiếu đã từng làm nên tên tuổi của ngành thép lại trên đà giảm điểm. Ở chiều ngược lại, NKG lại ghi nhận đà tăng hơn 45,1% trong cùng khoảng thời gian trên.
Hay những phiên gần đây, bất kể thị trường tăng điểm thì cổ phiếu ngành thép vẫn đỏ lửa. Đơn cử như quan sát của người viết ở phiên 19/11, đã có lúc chỉ số VN-Index tăng gần 10 điểm, nhưng các cổ phiếu ngành thép như HPG, HSG và NKG lại ngược dòng giảm điểm.
Trong báo cáo được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vẫn dành những đánh giá tích cực cho các doanh nghiệp trong ngành thép. Đối với tiêu thụ nội địa, VCBS cho rằng việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng, trong đó có thép cùng các sản phẩm từ thép.
Cổ phiếu ngành thép liên tục giảm giá từ cuối tháng 10 đến nay. Ảnh: PV. |
Ngoài ra, nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình triển khai dự án bị hoãn lại trong 9 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng giãn cách xã hội cùng với việc giá vật liệu xây dựng liên tục tăng từ đầu năm khiến cho việc triển khai các dự án bất động sản nhiều khó khăn. VCBS kỳ vọng từ quý IV/2021, các dự án sẽ nhanh chóng được triển khai sau 1 thời gian dài giãn cách.
Đối với thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đang siết chặt giảm sản lượng sản xuất thép hàng năm do các vấn đề về môi trường và hạn chế tiêu thụ năng lượng. Điều này khiến cho nguồn cung về thép trên toàn thế giới giảm đi khi Trung Quốc là nước xuất khẩu thép lớn nhất thế giới. Điều này không chỉ tác động đến giá thép, mà còn mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quanh thâm nhập vào thị trường xuất khẩu thép của Trung Quốc.
Ngoài ra, giá thành sản xuất thép trên thế giới vẫn giữ ở mức cao. Giá các mặt hàng năng lượng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì với đà hồi phục kinh tế thế giới, đồng thời đa số các nước có tỉ lệ lớn sản xuất thép bằng lò EAF. Trong khi đó, Việt Nam với lợi thế sản xuất thép từ công nghệ BOF là chính, đồng thời đang dần tự chủ được nguồn cung HRC trong nước đã giúp hạ giá thành sản phẩm.
Cùng với đó, nhu cầu thép trên thế giới vẫn đang tiếp tục gia tăng với các gói kích thích đầu tư công liên tục giải ngân nhằm kích thích kinh tế sau COVID-19. Điều này cũng tạo ra nhiều cơ hội đối với thị trường xuất khẩu thép của các doanh nghiệp Việt.
Có thể bạn quan tâm
Bán lẻ dược phẩm: Nóng cuộc đua giữa Thế Giới Di Động và FPT Retail
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư