DPM tươi tốt nhờ dưỡng chất
→Sau 10 tháng, Đạm Phú Mỹ ước đạt 7.078 tỉ đồng doanh thu
→Nông dân đánh giá cao hiệu quả sử dụng NPK Phú Mỹ
Cấu trúc ngành nông nghiệp Việt Nam đang có những thay đổi mang tính xu hướng quan trọng. Theo đó, nhu cầu cho các sản phẩm phân bón tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao (NPK, DAP) và nông nghiệp xanh/hữu cơ. Dự đoán được xu hướng đó, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - mã chứng khoán: DPM) vừa hoàn thành việc nâng cấp xưởng NH3 lên 90.000 tấn trong quý I/2018 (+20%), và đưa vào vận hành thương mại nhà máy NPK công suất 250.000 tấn trong quý III/2018.
Chiếm thị phần hàng đầu tại miền Nam, doanh thu thuần trong 9 tháng năm 2018 của PVFCCo đạt 6.970 tỉ đồng (tăng trưởng 7,9%), lợi nhuận ròng thu về 550,8 tỉ đồng. Dự phóng doanh thu cả năm 2018, PVFCCo dự kiến thu về 8.975 tỉ đồng, lợi nhuận ròng đạt 656 tỉ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDS), việc sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam (kỳ vọng sẽ có hiệu lực từ năm 2019) sẽ cho phép các nhà sản xuất phân bón được hưởng khấu trừ thuế đầu vào, hiện đang được ghi nhận vào giá vốn hàng bán. Điều này sẽ giúp cho chi phí sản xuất giảm xuống, biên lợi nhuận và dòng tiền của các doanh nghiệp cải thiện.
Do có sự khác biệt trong cơ cấu chi phí của các công ty, các doanh nghiệp sản xuất ure như PVFCCo sẽ hưởng lợi lớn nhất từ sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng. Báo cáo tháng 12.2018 của VNDirect nhận định rằng điều chỉnh chính sách thuế khóa sẽ là “động lực tăng trưởng chính” của ngành phân bón.
Phân tích dưới góc nhìn vi mô, VNDS cho rằng DPM là lựa chọn hấp dẫn với nhà đầu tư trong ngành phân bón. Cụ thể, khi chính sách thuế khóa mới chính thức có hiệu lực, biên lợi nhuận gộp của PVFCCo có thể cải thiện 2-3%. Hiện tại, nguyên liệu đầu vào sản xuất ure của PVFCCo gồm khí tự nhiên, điện và các yếu tố chi phí khác phải chịu thuế 10%, tương ứng với 350-400 tỉ đồng/năm.
Nếu chính sách thuế giá trị gia tăng thay đổi từ quy định hiện tại là phân bón không chịu thuế sang chịu thuế 5%, PVFCCo có thể hưởng khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, với giá trị lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.
Theo ước tính của VNDS, nhu cầu phân bón sẽ duy trì tăng trưởng kép khoảng 2% trong giai đoạn 2018-2020, thấp hơn mức tăng trưởng kép 2,6% trong giai đoạn 2011-2015, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản (trên cơ sở dân số tăng trưởng khoảng 1%/năm, theo dự báo của Liên hiệp Quốc và World Bank). Năm 2017, nhu cầu phân bón của Việt Nam đạt hơn 10 triệu tấn/năm, so với lúc cao điểm năm 2015 là 11 triệu tấn/năm.
Điểm nhấn đầu tư mới nhất của ngành phân bón hiện tại là xu hướng chuyển dịch tiêu thụ của ngành nông nghiệp Việt Nam, với các thay đổi mang tính cấu trúc gồm: (1) chuyển dịch từ phân bón đơn chất sang phân bón kép, (2) nhà nông nay ưu tiên sử dụng sản phẩm chất lượng cao với hàm lượng dưỡng chất dồi dào, và (3) tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và sinh học cho mục tiêu nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.
Trong quý III/2018, PVFCCo đã đưa vào vận hành thương mại tổ hợp nhà máy NPK với công suất 250.000 tấn/năm, cũng như nâng cấp tổ hợp xưởng sản xuất NH3 thêm 90.000 tấn. Trên khía cạnh dòng tiền, tổ hợp NPK-NH3 mở rộng có thể đóng góp khoảng 1.400 tỉ đồng vào doanh thu của PVFCCo, nhưng doanh nghiệp sẽ phải ghi nhận chi phí khấu hao lớn của nhà máy.
Hiện tại, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, phân đơn (chiếm khoảng 40% tổng tiêu thụ phân bón), phân phức hợp (chiếm 50% tổng tiêu thụ) và phân hữu cơ (tầm khoảng 10%). Tuy nhiên, nếu muốn tiếp tục duy trì triển vọng phát triển, PVFCCo cần phải có kế hoạch xây dựng dây chuyền sản xuất phân hữu cơ.
DPM đang giao dịch ở hệ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) 2018 là 12,5x và P/E 2019 là 11,5x, cao hơn so với trung bình ngành trong khu vực (10,7x và 9,1x). Dựa theo (1) phương pháp chiết khấu dòng tiền trong giai đoạn 2018-2022 (tỉ trọng 40%), (2) phương pháp hệ số P/E (tỉ trọng 30%) với P/E 2019 mục tiêu là 10,4x và (3) phương pháp hệ số P/B (tỉ trọng 30%) với P/B 2019 mục tiêu là 0,95x, VNDS cập nhật giá mục tiêu của DPM lên 23.100 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị nắm giữ trên cơ sở: (1) cân bằng cung cầu thị trường ure thế giới cải thiện hỗ trợ cho đà tăng giá ure trên thế giới và trong nước, (2) động lực tăng trưởng dài hạn từ tổ hợp NPK-NH3 mở rộng và (3) thay đổi chính sách thuế trong năm 2019. Các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu khác bao gồm: giá ure tăng mạnh hơn kỳ vọng và thông tin thoái vốn từ PVN.
Theo dự phóng tài chính của VNDS, doanh thu năm 2019 và 2020 của PVFCCo lần lượt đạt 9.500 tỉ đồng và 10.180 tỉ đồng, lợi nhuận ròng thu về lần lượt đạt 715 tỉ đồng và 854 tỉ đồng. Trích xuất tại ngày 20.12, giá giao dịch của DPM là 21.000 đồng/cổ phiếu.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Vũ Hoài
-
Phi Vũ