Lạc quan về sự phục hồi tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024
Ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital. Ảnh: PV/.
Trong báo cáo được công bố mới đây, VinaCapital đã xác định động lực dài hạn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và sự phát triển kinh tế ngắn hạn ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Những biến động trong tốc độ tăng trưởng GDP thường là một trong những diễn biến kinh tế ngắn hạn quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán vì sự tăng trưởng GDP thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp.
VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại từ 8% vào năm 2022 xuống còn 4,7% vào năm 2023 do 3 nguyên nhân chính.
Đầu tiên, xuất khẩu và sản xuất sụt giảm trong năm nay do nhu cầu đối với các sản phẩm “Made in Vietnam” giảm. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam giảm gần 10% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2023, do xuất khẩu sang Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, giảm gần 20% vì những lý do như các công ty Mỹ đã từng đặt hàng quá nhiều sản phẩm từ châu Á vào năm 2022, tuy nhiên xu hướng này sắp kết thúc và sẽ tạo đà cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vào năm tới.
Thứ hai, tăng trưởng tiêu dùng trong nước gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm 2022 (không bao gồm chi tiêu của khách du lịch), so với tốc độ tăng trưởng thông thường 8-9% trước COVID. Tâm lý thị trường đã bị ảnh hưởng bởi những thách thức đang diễn ra trên thị trường bất động sản như được thảo luận dưới đây và do xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm dẫn đến tình trạng một số nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cắt giảm nhân công (hầu hết hàng xuất khẩu của Việt Nam đều do các công ty FDI sản xuất).
Thứ ba, lượng khách du lịch nước ngoài đã phục hồi tới gần 70% so với mức trước COVID trong năm nay. Điều này hỗ trợ tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vì du lịch nước ngoài trước đây đã đóng góp khoảng 10% GDP, nhưng hầu như không đóng góp gì cho nền kinh tế Việt Nam trong năm ngoái.
“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ phục hồi lên 6,5% trong năm 2024 nhờ phục hồi trong xuất khẩu. Điều này sẽ đi kèm với sự phục hồi sản lượng ngành sản xuất của Việt Nam từ mức không tăng trưởng năm 2023 lên tăng trưởng 8-9% vào năm 2024, so với mức tăng trưởng trung bình dài hạn 12% của ngành này trước COVID”, ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital đánh giá.
Sự lạc quan của VinaCapital về phục hồi tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024 nhờ sản xuất bắt nguồn từ việc phân tích nguyên nhân gây ra các vấn đề của ngành sản xuất năm 2023: do các nhà bán lẻ Mỹ và các công ty tiêu dùng khác đã tích lũy quá nhiều hàng hóa vào năm 2022 (hàng tồn kho tăng hơn 20% so với cùng kỳ vào cuối năm 2022). Lý do là các công ty này đã đặt hàng quá mức trong thời gian gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID vào năm 2021 và kỳ vọng bùng nổ chi tiêu sau COVID đã không diễn ra như mong đợi.
Thay vì mua nhiều sản phẩm hơn khi lệnh phong tỏa COVID được dỡ bỏ, người tiêu dùng lại đổ tiền vào các dịch vụ như du lịch và ăn uống ở ngoài. Do vậy, các công ty ở Mỹ đã phải giải quyết lượng hàng tồn kho này trong suốt năm 2023, mức tồn kho sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần 10 năm. Đây là yếu tố chính gây sụt giảm xuất khẩu và sản lượng sản xuất của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, rất nhiều dữ liệu cho thấy hiện tượng này sắp kết thúc và các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi.
Có thể bạn quan tâm
Những điểm sáng trong bức tranh quý IV của các doanh nghiệp
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Ông Michael Kokalari, CFA, VinaCapital
Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ không gây tác động lớn đến kinh tế Việt ...
-
Ông Winston Lu, Tổng Giám đốc, PHFM
Cần xem xét lợi nhuận của thị trường chứng khoán theo góc nhìn dài hạn ...
-
Ông Trần Đức Anh, Chứng khoán KB Việt Nam
-
Ông Michael Kokalari, CFA, VinaCapital
Tăng trưởng GDP Việt Nam đang có sự chuyển dịch về cơ cấu bên ngoài và nội ...
-
Ông Cao Việt Hùng, CFA, ACBS
-
Bà Đặng Thị Lan Hương, CTCP Quản lý quỹ Rồng Việt
Những điểm cần lưu ý khi đầu tư dài hạn ở thị trường Việt Nam
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Nguyễn Hoàng
-
Trọng Hoàng
-
Thái Huệ
-
Trọng Kiên