GTNFoods chuyển mình trên vai người khổng lồ
GTNFoods đã có những bước chuyển mình trên vai “người khổng lồ”. Ảnh: baotintuc.vn.
Với sự hậu thuẫn của Vinamilk, GTNFoods đang có những bước chuyển vượt bậc về kết quả kinh doanh.
Công ty Cổ phần GTNFoods (GTN) tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất, được thành lập năm 2011 với mô hình là một công ty đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản. Giai đoạn 2015-2017, GTNFoods thoái toàn bộ vốn khỏi các mảng đầu tư ban đầu và tập trung danh mục đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp được cổ phần hóa.
Công ty đã thâu tóm thành công một số doanh nghiệp đáng chú ý, trong đó quan trọng nhất là nắm cổ phần chi phối Công ty Cổ phần Giống bò Sữa Mộc Châu (MCM) (gián tiếp thông qua Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam). Năm 2019 doanh thu hợp nhất của GTNFoods đạt 2.970 tỉ đồng, trong đó doanh thu Sữa Mộc Châu đóng góp 86,1%.
Theo số liệu của Mirae Asset, tổng sản lượng sữa tươi Sữa Mộc Châu sản xuất năm 2019 là 64.500 tấn, bằng 6,3% tổng sản lượng sữa tươi của cả nước. Mirae Asset cho rằng Sữa Mộc Châu chi phối khoảng 10% sản lượng sữa tươi đầu vào của các nhà máy sữa ở Việt Nam do tỉ lệ sữa đạt chất lượng sản xuất thương mại cao hơn so với các khu vực khác.
Cuối năm 2019 Vinamilk (VNM) hoàn tất thương vụ thâu tóm 75% cổ phần GTNFoods và tiến hành tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của GTNFoods cũng như Sữa Mộc Châu. Từ đó, GTNFoods đã có những bước chuyển mình trên vai “người khổng lồ”. Thực vậy, nhờ sự hỗ trợ của Vinamilk, kết quả kinh doanh của GTNFoods có sự cải thiện vượt bậc.
Năm 2020 GTNFoods thu về hơn 2.825 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 5% so với năm 2019. Tuy nhiên, biên lãi gộp cải thiện đáng kể, đạt hơn 29%, cao nhất kể từ năm 2015 đến nay. Tăng trưởng về doanh thu tài chính, các loại chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp cũng diễn biến theo chiều hướng tích cực. Nhờ vậy, cuối năm 2020 GTNFoods báo lãi sau thuế hơn 251,2 tỉ đồng, tăng 36,4% so với năm 2019. Theo dữ liệu thống kê từ năm 2015, đây là mức lợi nhuận cao nhất của Công ty từ đó đến nay.
Theo giải trình kết quả kinh doanh, GTNFoods cho biết Công ty hiện không còn chịu các chi phí do thanh lý và dự phóng giảm giá trị các khoản đầu tư tại công ty liên kết như cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận của Sữa Mộc Châu cũng tăng trưởng khả quan sau khi áp dụng các biện pháp tái cơ cấu hệ thống bán hàng, đánh giá và thay đổi chính sách với nhà phân phối, giá bán sản phẩm cũng như tối ưu hóa các chi phí bán hàng, quản lý.
Theo Mirae Asset, ngành sữa tại Việt Nam sẽ tăng trưởng bền vững trong dài hạn nhờ dân số trẻ, bình quân thu nhập đầu người cải thiện và mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người còn thấp so với khu vực. Trong đó, mảng sản phẩm có nguồn gốc từ sữa tươi sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với trung bình ngành sữa trong khoảng 5-10 năm tới. Xu hướng này được thúc đẩy bởi ý thức sức khỏe của người dân ngày càng tăng cao cũng như sản lượng sữa tươi chất lượng cao trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Trong triển vọng lạc quan của ngành sữa, Mirae Asset đánh giá GTNFoods là ứng cử viên sáng giá tập trung được những yếu tố thuận lợi trong ngành, bao gồm vùng nguyên liệu có điều kiện tự nhiên tối ưu cho chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam; tập trung sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sữa có nguồn gốc từ sữa tươi và cuối cùng là tận dụng kinh nghiệm kinh doanh, phân phối và marketing sản phẩm sữa của Vinamilk, doanh nghiệp sữa số 1 tại Việt Nam.
“Hiện tại, GTN được giao dịch ở mức P/B là 2,6 lần, thấp hơn so với mức trung bình ngành sữa tại khu vực châu Á (4,1 lần) và thấp hơn so với VNM (7,8 lần). Trong dài hạn, chúng tôi đánh giá hệ số P/B của GTN sẽ được tái định giá lên mức trung bình ngành nhờ tỉ lệ lợi nhuận ngày càng cao của Công ty giai đoạn 2020-2022”, Mirae Asset nhận định.
“Hiện tại, GTN được giao dịch ở mức P/B là 2,6 lần, thấp hơn so với mức trung bình ngành sữa tại khu vực châu Á (4,1 lần) và thấp hơn so với VNM (7,8 lần). Ảnh: dautuvietnam.com.vn |
Về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tiếp tục duy trì quan điểm lạc quan. Tuy vậy, ông cũng lưu ý, với việc chủng virus COVID-19 mới xuất hiện trong nước, rất khó để đánh giá triển vọng thị trường trong ngắn hạn trước rủi ro giãn cách xã hội được áp dụng ở các thành phố lớn, qua đó tác động tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong kịch bản tích cực, dịch bệnh sớm được kiểm soát, thị trường chứng khoán toàn cầu diễn biến ổn định, ông Đức Anh kỳ vọng thị trường sẽ nhanh chóng trở lại xu hướng tăng trưởng và hoàn toàn có cơ hội vượt đỉnh 1.200 điểm ngay trong năm 2021 này.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Vũ Hoài
-
Phi Vũ