Hủy
Tài Chính

Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng

Việt Hà Thứ Sáu | 15/12/2023 09:28

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

 
 
Trái ngược với đà xanh ngắt của phố Wall, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang “dập dìu”.

Đêm qua, chứng khoán Mỹ đã “lên đỉnh” sau kỳ họp định của của FED. Đúng như dự báo, FED giữ nguyên lãi suất lần thứ 3 liên tiếp tại cuộc họp tháng 12/2023 và báo hiệu sẽ có 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2024. 

Chỉ số Dow Jones chính thức phá đỉnh lịch sử, vượt mốc 37.000 điểm sau cú tăng hơn 500 điểm, chứng khoán Mỹ “xanh mướt” nhờ quyết định của FED. 

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam lại diễn biến ngược kỳ vọng, áp lực bán vẫn tiếp tục đè nặng lên thị trường khiến cho VN-Index tiếp tục mất điểm, lùi về khu vực 1.110 điểm. 

Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng. Nguồn: YSflex
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng. Nguồn: YSflex

Kết phiên giao dịch 14/12, chỉ số VN-Index giảm hơn 4 điểm, lùi về mốc 1.110 điểm với hơn 14.600 tỉ đồng được giao dịch. Độ rộng sàn HOSE nghiêng về bên bán với 384 mã giảm và 138 mã tăng. Nhóm cổ phiếu VN30 cũng giảm hơn 2 điểm, với hơn 5.900 tỉ đồng được giao dịch. 

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản là nhóm giảm mạnh nhất ở phiên giao dịch 14/12, và cũng tác động tiêu cực nhất đến chỉ số. Trong khi nhóm công nghệ thông tin, ngân hàng và du lịch lại là nhóm “nâng đỡ” thị trường. 

Giao dịch của khối ngoại vẫn tiếp tục là một điểm trừ khi khối này bán ròng hơn 300 tỉ đồng, tập trung ở các cổ phiếu ngân hàng như CTG, STB và VPB. 

Định giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (small-cap) theo P/E thì đạt cao nhất kể từ năm 2015 (Theo ACBS).
Định giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (small-cap) theo P/E thì đạt cao nhất kể từ năm 2015 (Theo ACBS).

Số liệu từ Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), trong tuần từ 1-8/12, Khối ngoại bán ròng 4.229 tỉ đồng, tăng vọt so với đà bán ròng của tháng 11/2023. Trong bối cảnh tỉ giá USD/VND đang được giữ ổn định, thì nguyên nhân chính của đợt bán mạnh này đang được cho là đến từ chiến lược cơ cấu tỉ trọng danh mục của một số quỹ vào tháng cuối năm.

“Rất khó để dự báo khi nào áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm thiểu. Tuy nhiên, với thanh khoản của thị trường được cải thiện và đạt 16.700 tỉ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng 10, sự tham gia của nhà đầu tư trong nước tích cực dần lên và đã hấp thụ được phần nào lượng bán của nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không tác động mạnh lên diễn biến của VN-Index”, ACBS nhận định. 

 

Cũng theo công ty chứng khoán này, áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tác động lên các cổ phiếu trong rổ VN30, tập trung ở các cổ phiếu của tập đoàn VHM và MWG. Đồng thời, ngành ngân hàng, vốn có tỉ trọng lớn nhất trong VN30 cũng đang được giao dịch ở nền định giá rất thấp so với lịch sử. 

Tuy nhiên, ACBS cho hay, khi so sánh định giá ngành ngân hàng của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, định giá của ngành ngân hàng Việt Nam không phải là quá rẻ. Vì vậy, mặc dù định giá hấp dẫn so với lịch sử, nhưng chưa đủ thuyết phục để có thể kỳ vọng về việc ngành ngân hàng sẽ thu hút dòng tiền ngoại quay trở lại khi FED bắt đầu hạ lãi suất. 

Trong khi đó, số liệu từ ACBS cũng chỉ ra rằng, định giá nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa (mid-cap) theo cả P/E và P/B không còn rẻ. Định giá của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (small-cap) theo P/E thì đạt cao nhất kể từ năm 2015. Do đó, có vẻ như giá cổ phiếu của nhóm này đã chạy trước và phản ánh hầu hết kỳ vọng về việc phục hồi lợi nhuận trong tương lai. 

Có thể bạn quan tâm 

"Ăn đứt" tiền gửi tiết kiệm nhờ cổ tức


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới